Thức dậy sức sống cồng chiêng

10/12/2014 20:33

Cách đây 3 năm làng mình không có đội cồng chiêng nào “ra hồn” đâu, bây giờ đã có 2 đội cồng chiêng “thế hệ mới” luôn đấy, các em đánh chiêng nhịp nhàng mà hay lắm!

Với ước nguyện khơi dậy niềm đam mê cồng chiêng để gìn giữ sự kỳ diệu của những âm sắc trong nhạc cụ truyền thống của dân tộc, già làng A Thưn (79 tuổi), ở thôn Plei Dơ Rập (xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum) đã cùng với Ban nhân dân thôn tự nguyện truyền dạy cồng chiêng cho thanh, thiếu niên trong làng.

Khi chúng tôi tỏ ý tìm hiểu về cồng chiêng, như bắt được mạch cảm xúc, già làng A Thưn liền khoe: Cách đây 3 năm làng mình không có đội cồng chiêng nào “ra hồn” đâu, bây giờ đã có 2 đội cồng chiêng “thế hệ mới” luôn đấy, các em đánh chiêng nhịp nhàng mà hay lắm!  

Thanh thiếu niên cùng với các già làng hăng say tập luyện cồng chiêng. Ảnh: H.Đ

 

Để minh chứng cho lời nói của mình, già liền dẫn chúng tôi ra nhà rông để xem, nghe các thanh,thiếu niên trong làng đánh cồng chiêng. Quả đúng như lời nói, dưới mái nhà rông, trong trang phục truyền thống, với đôi tay uyển chuyển, các chàng trai trẻ say mê đánh đều đặn từng nhịp chiêng trầm hùng, vang bổng. Khi tiếng chiêng của bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vừa dứt, gương mặt ai cũng rạng ngời niềm tự hào.

Trước đây, làng Plei Dơ Rập có một đội cồng chiêng nổi tiếng với sự nhuần nhuyễn, thành thục, khéo léo. Thế nhưng, theo dòng chảy của thời gian, những nghệ nhân ấy đã già, tay đã run, mắt đã mờ, không còn tham gia được nhiều lễ hội. Hơn nữa, kể từ khi bộ cồng chiêng của làng bị nứt, hư hỏng cũng là lúc tiếng cồng chiêng dần chìm vào quên lãng.

Thấy vậy, già làng A Thưn đã nảy ra ý định kêu gọi, tập hợp thanh, thiếu niên trong làng đi tập cồng chiêng để gìn giữ, lưu truyền và khơi dậy sức sống cồng chiêng. “Cả làng mà không có lấy một đội cồng chiêng thì xấu hổ lắm! Nghĩ vậy nên mình quyết tâm truyền dạy cho thế hệ trẻ” – già Thưn chia sẻ.

Nhận thấy một mình không thể làm hiệu quả, già Thưn bày tỏ ý định của mình với Ban nhân dân thôn để huy động sức mạnh của cả tập thể và ý định của già đã được Ban nhân dân thôn ủng hộ nhiệt tình.

Sau khi thống nhất, già làng và Ban nhân dân thôn liền lên danh sách các thanh niên trong làng rồi đến từng nhà để vận động các em tham gia. Tuy nhiên, vì đã quen với việc nghe nhạc hiện đại nên hầu hết các em đều không muốn tập, phải mất một thời gian dài thuyết phục, các em mới miễn cưỡng “thử”.

Để thu hút các em, mỗi buổi tập, già làng A Thưn và trưởng già làng A Im đều hướng dẫn tỉ mỉ, làm chậm rãi từng nhịp, cầm tay hướng dẫn từng động tác đánh chiêng giúp các em dễ tiếp thu.

Khác với những ngày đầu, khi có được niềm đam mê, đến giờ tập không phải chờ đợi ai nhắc nhở, các em hăng hái rủ nhau đến nhà già làng để học. Đặc biệt, sau một thời gian tập luyện, số lượng thành viên đăng kí học ngày càng tăng. Ngoài lớp dành cho các em từ 15-18 tuổi, già làng và Ban nhân dân thôn tiếp nhận và mở thêm một lớp cồng chiêng cho các em từ 12-14 tuổi.

Với sự nhiệt tình của các già làng cùng với sự chăm chỉ tập luyện của các em, đến nay cả 2 đội đều đánh thành thạo những bài chiêng: Mừng lúa mới, giao duyên, Quê hương đổi mới…

Chia sẻ với chúng tôi, em A Quốc (13 tuổi) hào hứng: “Mới đầu tay em còn cứng lại hay quên nhịp nên không đánh được. Bây giờ em đánh thành thạo nhiều bài chiêng rồi đấy”.

Từ khi có hai đội cồng chiêng, tiếng cồng chiêng đã trở lại trong đời sống của người dân nơi đây. Sau những giờ lao động vất vả, cứ đến chiều tối, khi các đội tập luyện, người dân lại rủ nhau đến nhà già làng A Thưn để được thả hồn vào những điệu chiêng truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, trong những ngày hội, khắp làng Plei Dơ Rập luôn rộn ràng tiếng cồng chiêng, vang âm trọn vẹn giữa đất trời, làm cho các lễ hội rộn ràng, linh thiêng, trầm hùng hơn. 

Hải Đăng 

Chuyên mục khác