Thành phố Kon Tum: Chú trọng đầu tư phát triển văn hóa, con người

22/03/2023 06:07

Xác định việc đầu tư phát triển văn hóa, con người sẽ là “đòn bẩy” quan trọng giúp địa phương phát triển toàn diện trên các lĩnh vực khác, những năm qua, thành phố Kon Tum tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa và xây dựng, phát triển con người về mọi mặt.

Ông Phan Văn  Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: “Cùng với các địa phương khác, thành phố Kon Tum có một kho tàng văn hóa phong phú đang được các cấp, ngành đẩy mạnh bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả. Thành phố hiện có nhiều loại hình giá trị văn hóa bản địa như nhà rông, cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm, rượu cần tạo nên những “điểm nhấn” thu hút du khách; nhiều di tích lịch sử- văn hóa, các công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc được tôn tạo và khai thác. Đây cũng là tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội”.

Trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện có 6 công trình văn hóa cấp đô thị gồm: Nhà văn hóa liên đoàn Lao động tỉnh, Nhà văn hóa Thanh thiếu niên tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Rạp chiếu phim CGV Vincom và Quảng trường 16/3, cùng với 21 nhà văn hóa phường, xã. Tất cả đều được quan tâm đầu tư xây dựng phục vụ đời sống văn hóa của nhân dân. Ngoài ra còn có 12 nhà rông văn hóa, 6 cụm di tích nổi tiếng gồm: Di tích lịch sử Cách mạng Ngục Kon Tum được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia, 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh gồm Văn hóa đình Võ Lâm, đình Trung Lương, Chùa Tổ Đình Bác Ái, Căn cứ Cách mạng Trung Tín và văn hóa chùa Trung Khánh. Đây là những điểm nhấn về văn hóa, kiến trúc đô thị đặc sắc của thành phố Kon Tum.

Nhiều hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tổ chức đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ của người dân. Ảnh: H.T

 

Hàng năm, thành phố Kon Tum tổ chức nhiều lễ hội truyền thống kết hợp ngày hội văn hóa - thể thao, tạo ra không khí phấn khởi thi đua lao động, sản xuất, học tập cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Các môn thể thao truyền thống như kéo co, đẩy gậy, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng được tổ chức trong các ngày hội góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng đời sống của nhân dân.

Các phong trào khác nhau được Thành ủy, UBND thành phố Kon Tum chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn thường xuyên được tổ chức tạo ra môi trường văn hóa sôi nổi phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của địa phương. Tại các địa điểm công cộng như vườn hoa, Quảng trường 16/3, Công viên 2/9, Công viên Giọt nước Đăk Bla được lắp đặt các dụng cụ thể thao để cho người dân tập luyện; khu vực bờ sông phía Nam sông Đăk Bla, khu vực bờ sông phía Bắc sông Đăk Bla có vị trí thuận lợi tạo điều kiện cho người dân vui chơi, rèn luyện đa dạng các bộ môn thể dục như đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp, đánh cầu lông, đá cầu, đá bóng.

Tại các cơ quan, đơn vị phong trào thể dục thể thao cũng được phát động rộng khắp, diễn ra vô cùng sôi động.

Trên địa bàn thành phố Kon Tum có các trung tâm thể dục thể thao được quan tâm đầu tư như: Sân vận động trung tâm, khu liên hợp thể thao, sân vận động Sư đoàn 10, Nhà thi đấu thanh thiếu niên tỉnh, Nhà thi đấu Liên đoàn Lao động tỉnh, ngoài ra còn có các sân bóng đá mini, sân tennis, sân cầu lông, bóng chuyền và một số câu lạc bộ thể hình.

Bên cạnh đó, các tổ dân phố, thôn đều có bố trí điểm vui chơi, sân thể dục thể thao, nhà văn hóa khu dân cư. Ngoài ra tại các điểm công cộng khác còn có nhiều sân cầu lông, sân bóng chuyền tạo điều kiện cho phong trào thể dục thể thao diễn ra thuận lợi, trở thành một thói quen hàng ngày.

Việc phát triển văn hóa, con người còn được lồng ghép vào nhiều chương trình, dự án xã hội quan trọng. Đặc biệt có thể kể đến phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với Đề án xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, Phường đạt chuẩn văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Kon Tum, giai đoạn 2016-2020” đã được triển khai rộng khắp, mang lại kết quả tích cực, nâng cao tỷ lệ hộ “gia đình văn hóa”, tỷ lệ “thôn, làng, tổ dân phố văn hóa”. Ngoài ra, đẩy mạnh thông tin truyền thông, đầu tư, phủ sóng 100% đến các trạm tiếp phát của phường, xã; hệ thống loa công cộng tại các nhà văn hóa, điểm dân cư tập trung ở khối, thôn. Qua đó quảng bá, giới thiệu những nét đẹp của thành phố, đáp ứng nhu cầu tiếp thận thông tin, hưởng thụ văn hóa của người dân.

Với những nỗ lực trong triển khai thực hiện định hướng về phát triển văn hóa, con người trong tình hình mới, hy vọng thành phố Kon Tum sẽ có thêm nguồn sức mạnh “nội sinh” góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế- xã hội trên địa bàn.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác