Tăng cường quản lý hoạt động lễ hội

23/06/2024 06:33

Thời gian qua, tỉnh ta ban hành nhiều cơ chế, chính sách tăng cường quản lý và tổ chức các lễ hội trên địa bàn. Qua đó, góp phần đưa các hoạt động văn hóa, lễ hội vào nề nếp, phát huy hiệu quả trong quá trình tổ chức và phù hợp với điều kiện của địa phương, tạo “động lực nội sinh” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, ngành VH,TT&DL tỉnh phối hợp các địa phương tăng cường đầu tư phục dựng “hệ thống các lễ hội” của đồng bào DTTS tại chỗ. Đến nay đã phục dựng được 22 nghi lễ, lễ hội tiêu biểu của các DTTS như: Lễ hội mừng lúa mới; Lễ hội ăn trâu, mừng nhà rông mới; Lễ hội cưới truyền thống của các dân tộc Ba Na, Gié Triêng, Xơ Đăng, B’Râu; Lễ hội bỏ mả, mừng lúa mới của dân tộc Rơ Mâm (huyện Sa Thầy), Lễ làm chuồng trâu dân tộc Mơ Nâm (huyện Kon Plông), Lễ hội mừng nước giọt của tộc người Ba Na (Rơ Ngao); Lễ hội Pen Chu Pi (bắn heo, dê) của các dân tộc Xơ Đăng (Tơ Đrá), Ba Na (Jơ Lâng).

Bên cạnh đó, có rất nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa diễn ra nhân dịp các ngày lễ, ngày kỷ niệm quan trọng của tỉnh và của đất nước được tổ chức trang trọng, lịch sự, tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán của từng địa phương, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hun đúc truyền thống yêu nước và các giá trị nhân văn tốt đẹp của dân tộc.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm được huyện Đăk Hà tổ chức trang nghiêm, thu hút đông đảo bà con nhân dân. Ảnh: H.T

 

Tiêu biểu như: Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) hằng năm được các địa phương (như thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà) tổ chức long trọng nhằm tưởng nhớ công ơn tổ tiên, những người đã có công dựng nước và giữ nước; vào dịp 15/2 âm lịch hàng năm, chùa Khánh Lâm (huyện Kon Plông) và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức Đại lễ uống nước nhớ nguồn, cầu siêu chư anh linh liệt sĩ, đồng bào tử nạn trong các cuộc kháng chiến, góp phần phát huy truyền thống đoàn kết, tính nhân văn trong quân và dân trên địa bàn; các lễ hội tôn giáo tổ chức hằng năm như Phật Đản, Giáng sinh.

Nhiều địa phương của tỉnh đã tận dụng những tiềm năng về văn hóa, thiên nhiên sẵn có để tổ chức các lễ hội, sự kiện góp phần kích cầu, quảng bá du lịch như: các lễ hội liên quan đến hoa mai anh đào (huyện Kon Plông); lễ hội, sự kiện về sâm Ngọc Linh, các lâm, sản vật tự nhiên (huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Ngọc Hồi); lễ hội về thổ cẩm, các sản phẩm truyền thống dân gian (huyện Đăk Hà, Kon Plông); các lễ hội kết nối, quảng bá du lịch hàng năm (thành phố Kon Tum).

Vừa qua, Hội thi cồng chiêng xoang các DTTS huyện Kon Rẫy lần thứ II năm 2024 đã kết thúc thành công với nhiều nghi lễ được tái hiện sinh động và chân thực. Theo nhận định của nhiều du khách, Hội thi lần này tiếp tục để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, từ công tác chuẩn bị đến tổ chức, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm được thực hiện tốt; không có hiện tượng lợi dụng lễ hội để trục lợi, diễn ra các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trái quy định pháp luật.

Hội thi cồng chiêng, múa xoang các DTTS huyện Kon Rẫy năm 2024 được tổ chức an toàn, tiết kiệm, phù hợp với văn hóa truyền thống. Ảnh: HT

 

Nghệ nhân A Hiang (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) tham gia tái hiện Lễ hội Cúng máng nước tại Hội thi chia sẻ: Chúng tôi gìn giữ và thường xuyên phục dựng, tái hiện các lễ hội với mong muốn bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Tham gia Hội thi, chúng tôi được tuyên truyền, vận động ý thức giữ gìn vệ sinh, không gây mất trật tự, chung tay cùng chính quyền địa phương giữ gìn cảnh quan, tạo cảm giác an toàn, thoải mái cho người dân và du khách.

Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian qua, ngành VH,TT&DL đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện quản lý và tổ chức lễ hội của từng ngành, địa phương theo đúng quy định pháp luật; đảm bảo các hoạt động lễ hội được tổ chức thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.

Thời gian tới, ngành VH,TT&DL tiếp tục chủ trì, tham mưu thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý và tổ chức lễ hội gắn với xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội và phổ biến các quy định của pháp luật đến người dân; phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật.   

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác