“Sức vóc” mới của du lịch

15/07/2024 13:00

Tôi từng băn khoăn rất nhiều về việc đi đâu chơi trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Sau đó tôi quyết định chọn tour tham quan Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, mới được UBND tỉnh công nhận khu du lịch sinh thái cấp tỉnh vào tháng 3/2024.

Khi ấy, tôi suy nghĩ rất đơn giản là: Ngay cả “người nhà” còn không ủng hộ du lịch trong tỉnh, thì sao có thể mong du khách nơi khác tìm đến.

Tất nhiên, cũng có người cho rằng tôi đang “lý trí hóa” việc chọn lựa điểm đến cho kỳ nghỉ của mình. Nhưng rất nhiều người lại ủng hộ suy nghĩ và quyết định của tôi. Thậm chí một số bạn bè đã hủy chuyến đi du lịch ngoài tỉnh để tham gia cùng.

Và thực tế là chúng tôi đã có một chuyến khám phá thiên nhiên đúng nghĩa, đầy hứng khởi. Dấu chân chúng tôi đã in lên hệ thống thác nước hùng vĩ như thác 7 tầng, thác Chàng, thác Bêrê Y.

Chúng tôi thăm viếng các di tích lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như: Điểm cao 1015 (Charlie), Điểm cao 1049 (Delta), Khu tưởng niệm liệt sĩ Chư Tan Kra.

Tạo điều kiện để cộng đồng và đồng bào DTTS tại chỗ tham gia sâu hơn vào du lịch. Ảnh: H.L

 

Dưới mái nhà rông của một làng đồng bào DTTS, bên đống lửa rừng rực cháy, chúng tôi hòa chung vòng xoang trong nhịp chiêng cồng; mê mẩn nghe đàn ting ning thánh thót, đàn môi réo rắt, đàn tơ rưng, đinh pút dìu dặt, đàn đá trầm bổng; vít rượu ghè và ăn chuột rừng, cá suối.

Vậy thì, đi du lịch “nội địa” cũng tuyệt vời lắm chứ!

Bây giờ thì hẳn là không có ai hỏi: Kon Tum ở đâu trên bản đồ du lịch Việt Nam? Những số liệu thống kê gần đây đã cho thấy “sức vóc” của du lịch Kon Tum.

Toàn tỉnh hiện có 13 điểm du lịch cấp tỉnh được công nhận; 213 cơ sở lưu trú du lịch với 3.083 phòng; 6 đơn vị kinh doanh lữ hành. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách đến tỉnh đạt trên 1,56 triệu lượt người; tổng doanh thu đạt hơn 427 tỷ đồng.

“Sức vóc” này không phải ngẫu nhiên mà có. Mà là kết quả của việc khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch của mình.

Xét về lợi thế tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan, Kon Tum hội tụ hệ sinh thái rừng- núi- sông - hồ độc đáo, có thể đáp ứng nhu cầu của du khách với loạt sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp.

Truyền thống văn hóa đặc sắc của các DTTS tại chỗ, hệ thống di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ là một lợi thế tuyệt vời.

Đi cùng là ưu thế về vị trí địa lý trong việc kết nối tour, tuyến với các đô thị lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế và mở rộng hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mekông.

Các địa phương trong tỉnh cũng đã và đang có nhiều chính sách thúc đẩy du lịch, dựa trên tiềm năng, lợi thế của mình.

Đa dạng sản phẩm du lịch để tăng sức cạnh tranh. Ảnh: HL

 

Như huyện Kon Plông tạo dựng được thương hiệu qua lễ hội hoa anh đào hàng năm; thành phố Kon Tum với liên hoan ẩm thực đường phố; huyện Tu Mơ Rông với phiên chợ sâm và dược liệu, hội thi ẩm thực dược liệu. Gần đây là huyện Đăk Hà với không gian Ngày mùa; huyện Sa Thầy với giải dù lượn; huyện Đăk Glei với phiên chợ dược liệu-gia súc biên giới.

Tuy nhiên, nghiên cứu về du lịch Kon Tum, có thể nhận thấy rằng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó nổi lên là công tác xúc tiến quảng bá chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để quảng bá, tăng trải nghiệm của khách du lịch trước chuyến đi vẫn còn hạn chế.

Hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng tiếp cận điểm đến, như giao thông, còn thiếu đồng bộ; cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phát triển nhanh, nhưng quy mô, tiện nghi và phong cách còn nhỏ lẻ, vận hành chưa chuyên nghiệp.

Một vấn đề được nói đến nhiều là thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Dù thời gian gần đây, việc đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực đã được một số địa phương quan tâm, nhưng phần lớn người lao động, nhất là lao động ở các điểm du lịch, homestay, vẫn thiếu kỹ năng hành nghề.

Nhiều ý kiến cho rằng, với “sức vóc” hiện có, việc hoàn thành mục tiêu thu hút 2,5 triệu lượt khách trong năm 2025, theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18/5/2022 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, không khó khăn với ngành Du lịch. Nhưng muốn phát triển mạnh hơn thì vẫn cần những giải pháp mang tính bứt phá.

Trong đó, tỉnh và các sở, ngành, địa phương cần quan tâm và có chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch, thông qua các cơ chế ưu đãi về đầu tư, vốn, thuế, lãi suất đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Tăng ngân sách nhà nước cho bảo vệ và giữ gìn các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa của dân tộc, các phong tục, tập quán, lễ hội dân gian. Xây dựng cơ chế đặc thù để bảo vệ những di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một.

Đầu tư thỏa đáng cho phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ liên kết các địa điểm tham quan, nghỉ dưỡng và vui chơi một cách hợp lý. Chú trọng khắc phục các “điểm trừ” như  chất lượng phục vụ chưa cao; sản phẩm du lịch còn trùng lặp, chưa đa dạng, phong phú.

Phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, mỗi điểm đến cần mang dấu ấn đặc sắc riêng để thỏa mãn nhu cầu của du khách, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, thiếu quy mô, mạnh ai nấy làm.

Phát triển nguồn nhân lực có quy mô, cơ cấu hợp lý; thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của cộng đồng và người dân tại chỗ.

Hồng Lam

Chuyên mục khác