Sức trẻ nối truyền văn hóa dân gian

26/03/2018 07:01

Nỗ lực chung tay bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc anh em, đến nay, tỉnh Kon Tum đã khôi phục, xây dựng 510 nhà rông, gìn giữ hơn 1.900 bộ cồng chiêng, hình thành và phát triển 427 đội cồng chiêng- xoang... Đóng góp tích cực vào những kết quả đáng tự hào ấy, có sức trẻ nối truyền; từ các bạn nam nữ thanh niên luôn xung kích tình nguyện và các cháu thiếu niên, nhi đồng nuôi ước mơ tiếp bước cha anh.

Sau những giờ lên lớp miệt mài ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sa Thầy trở về làng Khúc Na, xã Sa Bình, cậu bé A Trường thật vui khi có thời gian thư giãn, được hòa mình trong tiếng chiêng, vòng xoang cùng bà con, cô bác và các bạn trẻ, các em nhỏ.

Không riêng nghệ nhân lão làng A Bin, làng Khúc Na bây giờ đã có thêm lớp nghệ nhân trung tuổi như A Thuân giỏi cồng chiêng lại tận tâm chỉ dạy cho lũ trẻ; nghệ nhân Y Thê tiếp bước nghệ nhân lớn tuổi Y Bên dạy những điệu xoang và múa chiêu cho các cháu gái.

“Không yêu thích thì mới thấy khó. Em mong muốn được đánh tiếp cái cồng cái chiêng của ông của cha nên cũng dễ thôi!...”- A Trường giãi bày. Quả thật, chỉ qua mấy buổi tập mà A Trường đã say sưa quay vòng theo nhịp chiêng.

Trong giàn cồng chiêng sôi nổi, cuốn hút của Trường THCS Phan Bội Châu (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum), cậu bé A Đuir nổi lên với gương mặt tinh anh, động tác đánh chiêng nhuần nhuyễn và những bước chân linh hoạt.

Cầm chiêng từ khi 10 tuổi, đến giờ, cậu bé đã cơ bản thành thạo sử dụng chiêng số 5 trong bộ cồng  chiêng gồm 15 chiếc của người Gia Rai. “Đánh chiêng nào quen chiêng đó, nhưng sau này cũng phải cố gắng để sử dụng thêm cồng, chiêng Mẹ và những chiếc chiêng khác...”- A Đuir  bẽn lẽn cười.

Cũng như các đơn vị giáo dục vùng dân tộc thiểu số của thành phố Kon Tum và trên địa bàn tỉnh, Trường THCS Phan Bội Châu đã thành lập đội cồng chiêng - xoang, thường xuyên tổ chức cho các em tập luyện; tham gia các lễ hội, hoạt động văn hóa văn nghệ của nhà trường, địa phương, các liên hoan cồng chiêng - xoang và trình diễn trang phục dân tộc do ngành GD&ĐT các cấp  định kỳ tổ chức.

Theo dòng chảy truyền thống, những năm qua, nhiều đội cồng chiêng - xoang trẻ đã ra đời nhờ nhiệt tình, tận tâm của các nghệ nhân cao niên và nỗ lực của các bạn thanh, thiếu niên.

Đội cồng chiêng trẻ làng KonVơng Ke, xã Đăk Long, huyện Kon Plông là một ví dụ. Được “truyền nghề” từ các nghệ nhân “cây đa cây đề” ở địa phương, đến lượt mình, anh A Đruế - Bí thư Đoàn xã Đăk Long đã đứng ra thành lập đội cồng chiêng - xoang trẻ của thôn Kon Ke 1, Kon Ke 2. Năm 2011 đến nay, đội đã phát triển từ chưa đầy 20 người lên trên 30 thành viên, cơ bản định hình tổ chức khá nề nếp, thường xuyên tham gia lễ hội, biểu diễn tại các sự kiện văn hóa do xã, huyện, tỉnh tổ chức.

Không chỉ quan tâm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, các loại hình nghệ thuật dân gian khác trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên cũng được chăm lo nối truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau.             

Ở làng KLâu Ngol Zố, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, ông A Jưk nổi tiếng là nghệ nhân điêu khắc dân gian tài hoa. Hơn 20 năm làm quen với tượng gỗ, những tác phẩm ấn tượng của ông là ông già hút thuốc, uống rượu cần, người đàn ông cầm rựa, người phụ nữ mang gùi... Làm rẫy mưu sinh còn nhọc nhằn, song tình yêu và  niềm đam mê tượng gỗ dân gian của nghệ nhân đã được truyền cho cậu con rể A Thoan trẻ tuổi.

A Thoan tạc tượng cùng nghệ nhân A Jưk. Ảnh: T.N

 

Chịu khó học hỏi, siêng năng kiếm tìm cách làm không dễ dàng, A Thoan đã từng bước làm quen với hình hài tượng gỗ. Phấn khởi nhất là anh được theo cha tham gia chế tác, trình diễn tạc tượng trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, Liên hoan Văn hóa dân gian Tây Nguyên...

Có thể khẳng định, thành công của các lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hóa dân gian do các cấp, ngành, địa phương tổ chức đều có sự đóng góp đáng kể của các nghệ nhân trẻ, thanh thiếu niên xung kích.

Không chỉ quan tâm tạo nguồn thế hệ nghệ nhân mới ở địa phương, cơ sở, tháng 11/2016, lần đầu tiên, Liên hoan Cồng chiêng và múa xoang dành cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú được Sở GD&ĐT tổ chức. Đến năm 2017, liên hoan này được mở rộng quy mô, tạo sân chơi bổ ích cho cả học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này của ngành GD&ĐT tỉnh góp phần đẩy mạnh đưa hoạt động văn hóa vào các cơ sở giáo dục theo Thông tư số 26 /2017/ TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT tiếp tục tạo động lực phát huy sức trẻ nối truyền văn hóa dân gian, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh. 

Đồng bào các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên giàu bản sắc văn hóa truyền thống với cồng chiêng- xoang, dân ca dân vũ, chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, đẽo tượng gỗ, đan lát, dệt thổ cầm, rèn thủ công... Tất cả những nét đẹp văn hóa lâu đời và các ngành nghề truyền thống đều đã, đang và còn tiếp tục được trao truyền, tiếp nối; làm thành dòng chảy văn hóa đầy tự hào từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần vun đắp cuộc sống đi lên...

Thanh Như

Chuyên mục khác