Sức lan tỏa của phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện Đăk Hà

18/12/2014 17:04

huyện Đăk Hà đã thành lập được Đội hát giao duyên ở làng Kon Klốc, xã Đăk Mar với 20 nghệ nhân tham gia; trong đó có 6 nghệ nhân hát giao duyên, còn lại là múa xoang, cồng chiêng và đánh đàn Ting ning, T’rưng…

Từ nhiều năm nay, phong trào văn nghệ quần chúng ở Đăk Hà phát triển mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa trong từng địa phương cơ sở, thật sự là món ăn tinh thần không thể thiếu với mỗi người dân và đã trở thành “thương hiệu” trong hoạt động văn hóa-văn nghệ của tỉnh. Mỗi khi tham gia hội thi, hội diễn văn nghệ cấp tỉnh, các đội văn nghệ quần chúng của huyện đều đạt các giải thưởng cao; được chọn tham gia nhiều chương trình văn nghệ phục vụ các sự kiện quan trọng của tỉnh.

Nhắc đến phong trào văn nghệ quần chúng ở Đăk Hà, ai cũng phải phục tinh thần văn nghệ đầy nhiệt huyết và hăng say với suy nghĩ “cây nhà lá vườn” của các bà, các cô trong Câu lạc bộ Phụ nữ cao tuổi xã Hà Mòn với những tiết mục hát múa ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Bác Hồ kính yêu.

Mặc dù đều đã bước sang tuổi 60-70, nhưng các cô, các bà trong Câu lạc bộ vẫn hăng say tập luyện văn nghệ như một cách để rèn luyện sức khỏe dẻo dai, vừa cũng để khuấy động phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương.

Múa hát mừng ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở Thôn Cao Bằng. Ảnh: T.Q

 

Điều đặc biệt là phong trào văn nghệ quần chúng ở Đăk Hà phát triển mạnh mẽ tại vùng ĐBDTTS. Ngành Văn hóa huyện Đăk Hà đã khuyến khích bà con đưa hát dân ca, hát giao duyên và sử dụng một số nhạc cụ truyền thống của ĐBDTTS như đàn Ting ning, Klông-Pút, T’rưng… vào trong các tiết mục văn nghệ quần chúng, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa.

Để các làn điệu hát dân ca, giao duyên của ĐBDTTS được lưu giữ, nhất là trong giới trẻ, Đăk Hà đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường vận động bà con nhân dân nêu cao tinh thần, ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa, qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ tại địa phương hàng năm.

Huyện còn chủ trương tổ chức Hội thi hát dân ca, giao duyên cấp huyện (ít nhất 2 năm/lần); tổ chức truyền dạy hát dân ca, giao duyên, đánh cồng chiêng, múa xoang, kể sử thi… cho bà con ĐBDTTS tại một số xã có đông ĐBDTTS như Ngọc Wang, Đăk La, Đăk Mar ...

Hiện nay, huyện Đăk Hà đã thành lập được Đội hát giao duyên ở làng Kon Klốc, xã Đăk Mar với 20 nghệ nhân tham gia; trong đó có 6 nghệ nhân hát giao duyên, còn lại là múa xoang, cồng chiêng và đánh đàn Ting ning, T’rưng…

Ý tưởng thành lập đội hát giao duyên này là của chị Y Khal – người đã nỗ lực trong việc khôi phục và bảo tồn bản sắc văn hóa ĐBDTTS. Với sự dẫn dắt nhiệt tình và đầy tinh thần trách nhiệm của Đội trưởng Y Khal, Đội hát giao duyên của thôn Kon Klốc thường xuyên được chọn tham gia biểu diễn các sự kiện quan trọng của huyện, của tỉnh và đã đạt được các giải cao tại hội thi văn nghệ quần chúng cấp huyện, cấp tỉnh.

Theo anh A Kây – Phó Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đăk Hà, phong trào văn nghệ quần chúng của địa phương phát triển mạnh mẽ là nhờ sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo địa phương, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Hàng năm, chính quyền địa phương đều hỗ trợ để bà con tổ chức một số lễ hội tại các thôn (làng) ĐBDTTS, nhất là lễ hội mừng lúa mới ở người Ba Na (nhóm Rơ Ngao) hay lễ hội uống nước giọt của người Xê Đăng (nhóm T’Đrá).

Đội văn nghệ xã Đăk Uy tham gia biểu diễn mỗi khi xã tổ chức các sự kiện. Ảnh: T.Q

 

Chính quyền địa phương còn tổ chức các hội diễn văn nghệ quần chúng cấp huyện nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn - trên cơ sở lựa chọn các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở về tham gia biểu diễn. Nhờ vậy, phong trào văn nghệ quần chúng càng có động lực để duy trì, phát huy và lan tỏa trong cộng đồng.

Từ chỗ tuyên truyền, vận động thường xuyên, đến nay, ý thức tự giác bảo tồn bản sắc văn hóa trong cộng đồng được nâng cao và phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện Đăk Hà phát triển mạnh mẽ, mọi người dân tích cực tham gia, nhất là giới trẻ.

Điển hình, ở làng Kon Stiu, xã Ngọc Réo - nếu như trước đây trong làng chỉ có đội cồng chiêng, múa xoang của người lớn thì bây giờ cùng với việc truyền dạy của già làng và những người lớn tuổi trong làng, Kon Stiu đã thành lập được đội cồng chiêng nhí với 20 em nhỏ tham gia. Đội cồng chiêng nhí làng Kon Stiu cũng thường xuyên được chọn đi biểu diễn ở huyện, ở tỉnh và được đánh giá rất cao.

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, công tác giữ gìn bản sắc văn hóa trên địa bàn huyện được chú trọng đúng mức, hoạt văn hóa văn nghệ, nhất là phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương phát triển mạnh mẽ, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân… Hy vọng, đây là mô hình hay để các địa phương tham khảo kinh nghiệm đưa phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển, đóng góp vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” một cách có hiệu quả.

Tú Quyên

 

  • Hiện nay, 11/11 xã, thị trấn của huyện Đăk Hà đều thành lập được đội văn nghệ quần chúng; mỗi xã đều có đội cồng chiêng của xã; trong đó, mỗi làng ĐBDTTS đều có đội cồng chiêng; riêng với “đội cồng chiêng nhí”, có khoảng 50% số xã đã thành lập được.

 

Chuyên mục khác