Phát triển thể thao thành tích cao còn gặp khó

02/04/2018 07:07

​Dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng thể thao thành tích cao (TTTTC) tỉnh ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn và chưa đáp ứng yêu cầu của thể thao trong giai đoạn mới. Thành tích đạt được chưa có cơ sở vững chắc để phát triển ổn định, chưa mang tính chuyên nghiệp; cơ sở vật chất sân bãi cho TTTTC còn nhiều thiếu thốn, lạc hậu, kinh phí hạn hẹp so với nhu cầu phát triển.

Thực trạng

Ông Phan Đình Vũ - Giám đốc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh cho biết: Hàng năm, vận động viên (VĐV) TTTTC được tập trung đào tạo, huấn luyện và hưởng ngân sách của tỉnh gồm 2 tuyến: tuyến năng khiếu và tuyến đội tuyển. Trong đó, tuyến năng khiếu từ 20-35 VĐV ở các môn bóng chuyền, điền kinh, võ Karatedo, võ Taekwondo, võ Vovinam, võ cổ truyền; tuyến đội tuyển từ 37-72 VĐV ở các môn như bóng đá, bóng chuyền, Taekwondo. Ngoài ra, các VĐV không tập trung thuộc các sở, ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, CLB thể thao quản lý khoảng 640 VĐV ở các môn như võ Karatedo, võ Taekwondo, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn...

Kon Tum hiện có những VĐV tiêu biểu ở một số môn như điền kinh, võ Karatedo, Vật, võ Taekwondo, võ cổ truyền (môn Vật đạt huy chương vàng, môn Karatedo đạt huy chương đồng tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010); đồng thời đã tập hợp được 68 VĐV có trình độ chuyên môn cao phục vụ cho TTTTC của tỉnh, trong đó bóng đá hạng Nhì 33 VĐV, bóng chuyền hạng A 20 VĐV, năng khiếu 15 VĐV.

Các VĐV nữ thi chạy nội dung 3000m phong trào. Ảnh: Q.Đ

 

Tuy nhiên, lực lượng VĐV hầu hết là nghiệp dư, được phát hiện và tuyển chọn thông qua các giải, hội thi thể thao cấp huyện, cấp tỉnh. Nhiều VĐV đỉnh cao chỉ được tập luyện và tham gia thi đấu theo mùa giải, từ 3-4 tháng/năm, chưa được tập luyện nâng cao thường xuyên; hàng năm ít được thi đấu cọ xát để rèn luyện kỹ chiến thuật, tâm lý, ý chí thi đấu nên ảnh hưởng rất lớn đến thành tích. Chế độ dinh dưỡng, điều kiện phục vụ ăn, ở, đi lại, quá trình đào tạo, huấn luyện chưa phù hợp nên chưa đủ sức thuyết phục và thu hút được nhiều VĐV đỉnh cao tập luyện và tham gia thi đấu lâu dài cho tỉnh.

Số huấn luyện viên (HLV) được hưởng chế độ từ ngân sách của tỉnh có 15 HLV. Lực lượng HLV thuộc các đơn vị, địa phương, CLB thể thao trên địa bàn tỉnh quản lý khoảng 57 người. Đội ngũ HLV từng bước được chuẩn hóa, có 90,9% HLV đạt trình độ đại học. Tuy nhiên, lực lượng HLV còn tương đối trẻ, thiếu kinh nghiệm đào tạo, huấn luyện, có nhiều môn cần đầu tư phát triển hiện chưa có huấn luyện viên chuyên sâu như các môn võ Karatedo, võ Vovinam, bóng bàn, cầu lông, tennis…

 Chia sẻ về những khó khăn, bất cập trong phát triển TTTTC của tỉnh thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Truyền – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Một số chế độ, chính sách cho HLV, VĐV thể thao thành tích cao tuy đã được tỉnh quan tâm nhưng chưa thể áp dụng đầy đủ cho VĐV tập luyện liên tục trong năm. Nguồn kinh phí được cấp trong thời gian qua chưa đáp ứng để thực hiện các giai đoạn đào tạo và chu kỳ huấn luyện như: VĐV năng khiếu hiện nay 750.000 đồng/tháng/VĐV bao gồm cả tiền dinh dưỡng, tiền công tập luyện cho 3 buổi/tuần; từ năm 2014, VĐV đội tuyển bóng đá được hưởng tiền công 5.000.000 đồng/tháng/VĐV, thời gian tập trung tập luyện và thi đấu từ 5-6 tháng/năm; VĐV đội tuyển bóng chuyền tập trung tập luyện từ 1-2 tháng/năm để thi đấu và được hưởng tiền công 80.000 đồng/ngày/VĐV, tiền dinh dưỡng tập luyện 150.000 đồng/ngày/VĐV, thi đấu 200.000 đồng/ngày/VĐV; VĐV đội tuyển bóng đá và bóng chuyền không có chế độ tập luyện thường xuyên cả năm.

Các mức khen thưởng đối với VĐV, HLV đạt thành tích tại các giải thi đấu thể thao còn thấp, nên chưa tác động tích cực đến việc nỗ lực cố gắng dành thành tích cao nhất. Từ năm 2016, mức thưởng đối với giải cá nhân cao nhất như sau: Huy chương vàng giải cấp tỉnh 700.000 đồng; Huy chương vàng giải cấp khu vực 1.000.000 đồng; Huy chương vàng giải vô địch cấp quốc gia 6.000.000 đồng; Huy chương vàng giải Đại hội TDTT toàn quốc 10.000.000 đồng. Tuy một số chế độ, chính sách cho HLV, VĐV thể thao thành tích cao đã được lưu tâm trong thời gian qua nhưng chưa thể áp dụng đầy đủ cho VĐV tập luyện liên tục trong năm.

Hơn nữa, cơ sở vật chất đã được đầu tư phát triển nhưng chưa đồng bộ, còn thiếu nhà thi đấu đa năng, khu nhà ở của VĐV, bể bơi, sân tennis, các công trình phụ trợ khác, các trang thiết bị phục vụ tập luyện và thi đấu... Các công trình thể thao được đầu tư xây dựng tại các huyện, thành phố chưa đảm bảo quy chuẩn, chậm hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu tập luyện và tổ chức thi đấu các giải thể thao.

Phát triển TTTTC mới dừng lại ở một số môn, chưa thực hiện tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện VĐV một cách hệ thống, từ giai đoạn huấn luyện ban đầu đến giai đoạn hoàn thiện. Một số môn có VĐV đỉnh cao nhưng không được đào tạo, huấn luyện nâng cao. Các môn thể thao có lợi thế của tỉnh như điền kinh, Karatedo, Taekwondo, võ cổ truyền chưa được chú trọng quan tâm đầu tư phát triển do thiếu kinh phí đào tạo. Mặt khác, do đặc thù của việc tập luyện thể thao nên việc học chương trình phổ thông của các VĐV gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thời gian học, trường, lớp, giáo viên.

Để thể thao thành tích cao phát triển

Trò chuyện với chúng tôi, VĐV Lê Thị Hằng (Huy chương Vàng giải quốc gia năm 2017 môn võ Kickboxing) chia sẻ: Lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh đã tạo mọi điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, dung cụ thi đấu để em tập luyện và thi đấu đạt được kết quả cao. Tuy nhiên, em và nhiều VĐV khác cho rằng hiện nay chế độ tiền ăn, tiền công rất thấp, chỉ hỗ trợ 25.000 đồng/ngày/VĐV; chưa có chỗ ăn, ở tập trung nên khó khăn trong việc đi lại tập luyện; trang thiết bị, dụng cụ tập luyện còn thiếu thốn; ít được đi thi đấu cọ xát nên ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu. Trong thời gian tới cần tăng chế độ ăn, thù lao để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cũng như khối lượng tập luyện; tăng thời gian tập luyện để đảm bảo về chuyên môn; tỉnh cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiếu bị tập luyện...

Thi đấu môn cờ vua. Ảnh: Q.Đ

 

Còn VĐV A Quy (Huy chương Vàng môn điền kinh năm 2015 tại Hội thi thể thao DTTS toàn quốc, Huy chương Vàng môn Việt dã Đại hội TDTT tỉnh Kon Tum lần thứ VI-2018) cho hay: Tuy là VĐV lớn tuổi không nằm trong đội tuyển năng khiếu của tỉnh; nhưng hiện tại em chỉ tập duy trì ở nhà 4 buổi/tuần và không có tiền hỗ trợ cho VĐV tập luyện tại chỗ. Để đạt được thành tích một số môn mũi nhọn của tỉnh, đề nghị tăng số lượng VĐV năng khiếu và thành lập các tuyến trẻ để bổ sung cho đội tuyển.

Ông Nguyễn Xuân Truyền - Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch cho rằng phát triển TTTTC tỉnh trong thời gian tới cần có một chiến lược lâu dài, có tính bền vững, lấy trường học làm nền tảng, tạo nền móng cho việc xây dựng TTTTC, đồng thời phát triển phong trào TDTT quần chúng từ cơ sở đến cấp tỉnh. Quy hoạch đầu tư các môn thể thao trọng điểm có thế mạnh, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, như một số nội dung của môn điền kinh (chạy cự ly trung bình, cự ly dài, ném lao, nhảy xa), võ thuật cổ truyền, võ Karatedo, võ Taekwondo, bóng đá. Mở rộng mối quan hệ hợp tác với các tỉnh, khu vực và các Trung tâm huấn luyện Quốc gia, tiếp thu các kiến thức về khoa học thể thao hiện đại để phát triển TTTTC. Tăng mức đầu tư của Nhà nước nhằm huy động tổng hợp mọi nguồn lực trong việc xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo VĐV thành tích cao. Bên cạnh đó, quy hoạch lực lượng và địa bàn trọng điểm để đầu tư và tạo mũi nhọn đột phá về thành tích thể thao; xây dựng hệ thống đào tạo VĐV thể thao từ cấp cơ sở (xã, phường, huyện, thành phố, sở, ngành), Trung tâm HL & TĐTDTT tỉnh và các Câu lạc bộ, Liên đoàn thể thao; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và ổn định nguồn kinh phí hoạt động TTTTC. Cần tập trung phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục thể thao quần chúng cả về số lượng và chất lượng, nhất là trong lực lượng thanh thiếu niên, học sinh; lấy trường học làm  trọng điểm để tạo nguồn tuyển chọn tài năng thể thao, lấy thành tích thể thao làm hạt nhân tác động trở lại cho sự phát triển phong trào. Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh cần được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ về kinh phí, cũng như sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành trong tỉnh để ngành VHTT&DL triển khai và thực hiện phát triển TTTTC.

Quang Định

Chuyên mục khác