Phát triển du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương

14/03/2022 13:09

Với lợi thế về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, tỉnh ta đang đặc biệt quan tâm đến phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp với nông nghiệp.
Điểm cao 1015 Charli xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy. Ảnh: QT

 

Thực hiện Quyết định số 1607/QĐ-UBND ngày 28/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt đề án “Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020” với các sản phẩm du lịch đặc biệt có lợi thế riêng của tỉnh như du lịch cộng đồng tại các vùng có đặc sản du lịch ở các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông; ngành du lịch toàn tỉnh đã tổ chức các loại hình du lịch, các sản phẩm và dịch vụ đa dạng, độc đáo, mang nét đặc trưng của từng địa phương để phát triển du lịch. Trong đó, chủ yếu dựa vào lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và hệ thống di sản văn hóa giàu bản sắc, thể hiện những sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của vùng Tây Nguyên; chú trọng phát triển các chương trình du lịch sinh thái gắn với thôn, làng của đồng bào các DTTS. Đây cũng là những yếu tố làm nên sự hấp dẫn, khác biệt của hoạt động du lịch Kon Tum.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước thời điểm xảy ra dịch bệnh (từ năm 2016-2019), lượng khách đến Kon Tum bình quân hằng năm tăng 15,2% năm (riêng khách quốc tế tăng bình quân từ 18,8%), doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 16,4% năm, bình quân công suất sử dụng phòng đạt từ 70-79%.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19, số lượng khách đến du lịch Kon Tum trong 10 tháng năm 2021 chỉ là 190.800 lượt khách, giảm 43%; tổng doanh thu là 54,4 tỷ đồng, giảm 45,3% so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch đến với Kon Tum trong năm qua chủ yếu là khách nội địa, nhiều nhất là dịp Tết Nguyên đán, lễ hội vào các tháng đầu năm với xu hướng là du lịch kèm theo các sản phẩm, quà lưu niệm, đặc biệt là hòa mình vào sinh hoạt của cộng đồng, thưởng thức ẩm thực đa dạng của các dân tộc tại chỗ trên địa bàn.

Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4001, ngày 8/11/2021 về việc triển khai các chính sách kích cầu phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh theo tình hình dịch Covid-19; hoạch định lộ trình đón khách du lịch từ nay đến hết năm 2023; khai thác khách du lịch nội tỉnh đến các điểm du lịch đã được công nhận tại Kon Tum.

Số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, các điểm du lịch tại Kon Tum đã thu hút nhiều khách du lịch nội địa. Tổng lượt khách đến Kon Tum vào dịp Tết là 79.500 lượt, tăng 65% so với cùng kỳ; khách lưu trú khoảng hơn 4.500 lượt, tổng doanh thu du lịch là 4,5 tỷ đồng.

Du lịch văn hóa truyền thống làng Chốt, thị trấn Sa Thầy. Ảnh: QT

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và là trọng tâm để đột phá. Phát huy các lợi thế về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa của tỉnh để xây dựng sản phẩm đặc trưng của tỉnh; xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng dựa trên tài nguyên thiên nhiên còn hoang sơ, truyền thống văn hóa còn lưu giữ, bản tính hiền lành và hiếu khách của cộng đồng các dân tộc ở các phương; tổ chức các tour du lịch gắn với thương hiệu sâm Ngọc Linh; xây dựng các thương hiệu du lịch văn hóa với nhà rông tại các làng của cộng đồng dân tộc Ba Na, Giẻ Triêng, Xơ Đăng…; các tour du lịch gắn với ẩm thực vô cùng đặc sắc tại các làng văn hóa du lịch của các dân tộc bản địa tại Kon Tum. 

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch của tỉnh đang triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển các sản phẩm du lịch thật phong phú, đa dạng và tạo được nét khác biệt để hấp dẫn khách du lịch; có sự liên kết để phát triển du lịch mạnh mẽ; tăng cường nguồn lực, nâng cao chất lượng phục vụ. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch cũng được quan tâm, chú trọng hơn. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh.         

Quốc Tuấn

Chuyên mục khác