Phát huy vai trò nghệ nhân trong bảo tồn văn hóa dân tộc

06/12/2022 06:20

Ở các thôn, làng đồng bào DTTS, các nghệ nhân – những “báu vật nhân văn sống” có vai trò đặc biệt quan trọng. Mỗi người mỗi lĩnh vực, mỗi dân tộc, mỗi địa phương khác nhau nhưng đều chung niềm đam mê, nhiệt huyết, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn, truyền dạy, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nhờ có các nghệ nhân bảo tồn, gìn giữ mà Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại từ năm 2005. Chủ nhân của di sản văn hóa quý giá và đặc sắc này là người dân các DTTS trong vùng Tây Nguyên (trong đó có 7 DTTS  tại chỗ của Kon Tum) và những người thổi niềm đam mê, dẫn dắt, lôi cuốn dân làng vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội làng chính là các nghệ nhân ưu tú cồng chiêng, xoang.

Nhờ các nghệ nhân mà những nghề truyền thống có từ bao đời nay ở các cộng đồng làng được lưu giữ, phát huy.  Những váy áo thổ cẩm rực rỡ sắc màu trong các lễ hội; những vật dụng được đan lát từ mây tre phục vụ trong cuộc sống hằng ngày; những ghè rượu cần với hương vị rất riêng của núi rừng; những nhạc cụ được chế tác từ các cây cỏ, vật dụng có trong cộng đồng làng.

Các nghệ nhân luôn sẵn sàng truyền dạy để lớp cháu con đam mê, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Ảnh: NP

 

Cũng nhờ các nghệ nhân mà các pho sử thi của các dân tộc vẫn còn được lưu giữ, chẳng những dân làng được đắm mình lắng nghe nghệ nhân kể lại trong các ngày hội làng mà nay còn được ghi âm thành băng đĩa, dịch in thành sách cho con cháu mai sau.

Với khả năng thực hành các nghề truyền thống, nghệ thuật diễn xướng, các nghệ nhân ở các thôn làng trên địa bàn tỉnh không ngừng nỗ lực gìn giữ, cống hiến, sáng tạo và trao truyền lại cho lớp cháu con. Họ tích cực tham gia các hội thi, hội diễn do ngành Văn hóa, các địa phương tổ chức. Họ không nề hà tuổi cao sức yếu, sẵn sàng đứng lớp truyền dạy từ điệu múa xoang, cách đánh chiêng, chỉnh chiêng, điệu dân ca dân vũ, đến bí quyết ủ rượu ghè, làm thuyền độc mộc, cách rèn các vật dụng.

Có vai trò hết sức quan trọng trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, các nghệ nhân luôn được Đảng, Nhà nước, địa phương và cộng đồng làng tôn vinh, quý trọng. Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” của Chủ tịch nước; danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng là những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành ghi nhận, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các nghệ nhân cho cộng đồng. Mới đây, ngày 18/11, UBND tỉnh đã tổ chức trao tặng danh hiệu Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3, năm 2021 cho 15 nghệ nhân (trao tặng Bằng danh hiệu cho 14 nghệ nhân và truy tặng cho 1 nghệ nhân). Đây là những người có ít nhất 15 năm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa dân gian truyền thống, có cống hiến, đóng góp cho cộng đồng và là người tiên phong trong việc nắm giữ, truyền dạy di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Được ghi nhận, được tôn vinh, với các nghệ nhân đã được công nhận và cả với những người chưa được công nhận nhưng đã, đang và sẽ không ngừng nỗ lực đóng góp tích cực vào việc gìn giữ, bảo tồn, truyền dạy giá trị văn hóa các dân tộc thì đây chính là nguồn động lực, là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao. Các nghệ nhân khi được tôn vinh đều bày tỏ sự xúc động. Họ suy nghĩ hết sức chân thành rằng, cũng nhờ được lớp cha ông đi trước trao truyền mà những nét đẹp văn hóa của dân tộc thấm dần vào máu thịt, ngày càng đam mê, yêu quý. Chịu khó luyện tập đến thuần thục, giỏi giang và luôn sẵn sàng truyền dạy cho thế hệ kế tiếp, với họ việc làm đó như là một lẽ bình thường trong cuộc sống. Đời cha trước, đời con sau, cứ thế mà tiếp nối mạch nguồn văn hóa của dân tộc qua bao đời gìn giữ.

Nghệ nhân A Lưu kể sử thi cho con cháu. Ảnh: N.P

 

Nhưng, cuộc sống ngày một phát triển, sự giao lưu, hội nhập ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Các phương tiện truyền thông hiện đại, các vật dụng phục vụ cho cuộc sống gia đình về đến từng thôn làng, đến từng hộ gia đình. Lớp trẻ ít mặn mà theo đuổi những nghề truyền thống, ít say mê với nghệ thuật diễn xướng của cha ông lưu truyền. Áo quần bán sẵn vừa tiện vừa rẻ nên trẻ em gái ít kỳ công theo các mẹ, các bà học nghề dệt thổ cẩm. Đồ nhựa vừa gọn vừa bền thay thế cho các loại rổ, rá, vật dụng, trẻ em trai cũng ít chăm chú theo dõi cha ông đan lát. Ti vi, điện thoại thông minh chỉ cần nối mạng internet thì muốn xem phim, nghe nhạc thể loại nào, lúc nào cũng có, nên lớp trẻ ít mặn mà với những buổi lắng nghe các nghệ nhân ngồi kể sử thi, hát những bài dân ca của các dân tộc.

Văn hóa phi vật thể được lưu trữ trong trí nhớ con người, người chết cũng “chết” theo. Khi số nghệ nhân giàu kinh nghiệm, giỏi nghề truyền thống, giỏi nghệ thuật diễn xướng, nắm giữ những  vốn quý của cha ông ngày ngày càng lớn tuổi và dần ít đi, thì lớp trẻ trong cộng đồng làng vì nhiều lý do như đã nêu không mấy mặn mà, hoặc chưa đủ sức để kế tục, để giữ lửa ngọn lửa văn hóa của dân tộc. Đó là điều mà các nghệ nhân luôn đau đáu, là điều mà các cấp, các ngành luôn trăn trở.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ III được tổ chức năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Bởi vậy, trong nhiều giải pháp đã, đang và sẽ được các cấp, các ngành triển khai để gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thì một giải pháp quan trọng chính là quan tâm, chăm sóc, phát huy vai trò giữ lửa và truyền lửa của các nghệ nhân trong cộng đồng.     

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác