Phát huy vai trò của văn hóa trong thời kỳ mới

25/12/2024 13:01

Phát triển văn hóa, con người là một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong định hướng, chiến lược phát triển của đất nước. Thực hiện chủ trương trên, thời gian qua lĩnh vực văn hóa được tỉnh ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư đúng mức, các hoạt động văn hóa được tổ chức sôi nổi, góp phần khẳng định vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Đặc biệt, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những định hướng, chỉ đạo sâu sắc về phát triển văn hóa, con người trong tình hình mới. Những chỉ đạo, định hướng này có ý nghĩa đặc biệt quan trong trong bối cảnh toàn cầu hóa, mở ra nhiều cơ hội giao lưu, quảng bá và phát triển văn hóa.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành VH,TT&DL năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có phát biểu chỉ đạo, nhận định rằng, văn hóa luôn được quan tâm phát triển và chưa bao giờ văn hóa đạt được nhiều kết quả quan trọng như trong thời điểm này. Các nội dung về lĩnh vực văn hóa, con người được đề cập khá toàn diện, chuyển biến trong nhận thức, tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa” ngày càng được nâng cao và hoàn thiện, tiếp cận theo hướng chiều sâu.

Khai thác hiệu quả yếu tố văn hóa trong các sản phẩm du lịch. Ảnh: H.T

 

Trong đó, đặc biệt là làm tốt việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa trên cả nước; phát triển đa dạng các loại hình nghệ thuật và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi trên trường quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới.

Từ những chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành và địa phương của tỉnh cụ thể hóa bằng nhiều chính sách, đề án phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực. Lĩnh vực văn hóa, con người luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành; nhất là việc triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS tại chỗ.

Trong đó, tỉnh ta đã ban hành và triển khai hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020” và tiếp tục triển khai kế hoạch giai đoạn 2021-2026; tổ chức phục dựng 22 nghi lễ- lễ hội tiêu biểu của các dân tộc tại chỗ như: Lễ hội mừng lúa mới, lễ hội ăn trâu, mừng nhà rông mới, lễ hội cưới truyền thống, lễ hội bỏ mả, lễ làm chuồng trâu; sưu tầm, biên dịch và công bố 2 bộ sử thi Ba Na và Xơ Đăng; phát huy hiệu quả nhiều loại hình trò chơi dân gian, văn học dân gian, âm nhạc, nghề dệt truyền thống, thủ công đan lát, đẽo thuyền độc mộc.

Bên cạnh đó, hàng năm duy trì các lớp truyền dạy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 2 nghệ sĩ được phong tặng nghệ sĩ ưu tú, 89 nghệ nhân tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

Hoạt động giao lưu văn hóa được UBND tỉnh và ngành VH,TT&DL tỉnh quan tâm đúng mức. Hàng năm tỉnh cử từ 2- 4 đoàn với hơn 100 nghệ nhân các dân tộc trong tỉnh tham gia trình diễn với nhiều nội dung hoạt động trong đời sống, sinh hoạt của các dân tộc tại các sự kiện lớn, nhỏ trên cả nước. Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống và giao lưu văn hóa các vùng, miền.

Văn hóa nghệ thuật dần được chú trọng, quan tâm phát triển, phổ biến rộng rãi. Ảnh: HT

 

Việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở cũng được ngành VH,TT&DL và các ngành chức năng phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như: Mô hình tự quản an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Bảo vệ môi trường; Phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; Phong trào tự quản, Nhóm nòng cốt, Tổ hoà giải ở cơ sở; Dân số, kế hoạch hóa gia đình; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư; mô hình Làng thanh niên, Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; Làng phụ nữ DTTS tiên tiến; Tiếng kẻng làng tôi; Hũ gạo tình thương; Khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường.

Các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được ngành VH,TT&DL tỉnh quan tâm đầu tư dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, phục vụ hiệu quả cơ sở, tham gia biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ở trong và ngoài nước đạt nhiều huy chương các loại. Các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm được các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện. Nhiều cuộc triển lãm tranh, tượng, ảnh nghệ thuật được tổ chức nhân các sự kiện chính trị trọng đại, các ngày lễ lớn của địa phương và đất nước; các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng được tổ chức thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở, thu hút đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng.

Phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ hội nhập là con đường còn nhiều gian nan, thách thức. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được sẽ là nền tảng vững chắc để các ngành, các cấp, địa phương tiếp tục nỗ lực, hướng đến xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc, phát triển rực rỡ hơn trong thời gian tới.       

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác