Nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể

19/04/2019 06:19

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS, những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham mưu Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, đề án; triển khai công tác khảo sát, điều tra, sưu tầm, biên soạn, xuất bản nhiều công trình văn hóa phi vật thể có giá trị như văn hóa dân gian dân tộc Brâu, lễ đóng cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm, phong tục tập quán dân tộc Giẻ - Triêng, âm nhạc dân gian của dân tộc Ba Na…

Ngoài ra, ngành Văn hóa còn thực hiện biên dịch và xuất bản các bộ sử thi của dân tộc Ba Na và Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá); khôi phục nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc; tổ chức các chương trình biểu diễn các thể loại dân ca, dân vũ của đồng bào các DTTS, nhất là các bài chiêng cổ, chiêng lễ, chiêng hội của từng dân tộc theo đặc thù và giá trị truyền thống của các bộ chiêng. Sưu tầm, thống kê và phân loại các thể loại dân ca như hát Kđọ (dân tộc Giẻ - Triêng); hát Rơ Nghe, Ting Ting (dân tộc Xơ Đăng, Ba Na)…

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu, tổ chức phục dựng 25 lễ hội tiêu biểu của các DTTS trên cơ sở nguyên gốc. Sau khi phục dựng lại, các lễ hội tiêu biểu này được đồng bào các dân tộc duy trì, tự tổ chức theo chu kỳ hàng năm ở cộng đồng dân cư với quy mô phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện kinh tế từng năm của làng như lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ -Triêng; lễ hội ăn trâu mừng nhà rông mới của người Xơ Đăng, Gia Rai, Giẻ - Triêng; lễ hội bắc máng nước của dân tộc Xơ Đăng…

Tái hiện lễ bắc máng nước của người Xơ Đăng. Ảnh: Thảo Nguyên

 

Phục dựng nghi lễ cúng mừng lúa mới của người Brâu. Ảnh: Thảo Nguyên

 

Ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành, thời gian qua, một số cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng đã quan tâm thực hiện các công trình nghiên cứu có giá trị cao, nổi bật như: Cải tiến nâng cao nhạc khí dân gian của nhạc sĩ A Đũh; Giới thiệu về mỹ thuật dân gian của tác giả Phùng Sơn, Hà Tiến Dũng; tập tư liệu nghiên cứu, sưu tầm của nhóm tác giả văn nghệ dân gian về Folklore Brâu…

Đặc biệt, ngành Văn hóa các địa phương đã quan tâm mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ; đưa văn hóa cồng chiêng vào trong trường học.

Điều đáng mừng là trong số nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng hiện nay, có đến 2/3 đang ở độ tuổi thanh niên và có không ít những thiếu niên độ tuổi từ 10-14. Đã có những dàn cồng chiêng mà “nhạc trưởng” chỉ huy là những thanh niên còn rất trẻ. Họ thông thạo giai điệu tiết tấu, phương pháp diễn tấu hòa âm của cả dàn cồng chiêng; điều hành cả đội tập luyện theo phương thức truyền khẩu các bài chiêng dân gian một cách rất chững chạc và hiệu quả bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của những người già. Đấy chính là sức sống tươi trẻ và sự trường tồn của văn hóa cồng chiêng, một khi được tạo lập đầy đủ môi trường, điều kiện phát huy và có sự trân trọng giá trị đích thực trong đời sống tinh thần của đồng bào.

Đáng chú ý, ở các khu dân cư, cồng chiêng đang trở về vị trí chủ đạo vốn có trong sinh hoạt văn hóa dân gian của đồng bào. Khá nhiều thanh thiếu niên ở các làng vốn bị hút hồn và mê mải với các loại nhạc cụ điện tử, nay đã có chiều hướng quay lại với nhạc cụ dân tộc cổ truyền, đặc biệt là cồng chiêng. Hiện đang xuất hiện khá nhiều lớp truyền dạy đánh cồng chiêng bằng nhiều hình thức từ những người lớn tuổi cho đến lứa thanh thiếu nhi trong các làng và đã có không ít các đội cồng chiêng thiếu nhi diễn tấu khá bài bản những bài chiêng nghi lễ cổ truyền. Rất nhiều địa phương, nhiều cộng đồng DTTS đang tìm kiếm để mua lại những bộ cồng chiêng cũ của dân tộc mình, hoặc sửa chữa lại những bộ cồng chiêng bị hư hỏng để sử dụng trong sinh hoạt văn hóa dân gian.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc là một trong những nội dung có quy mô rộng lớn, nếu không có sự quan tâm đầu tư kinh phí của Trung ương thì cấp địa phương rất khó khăn trong việc bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có chính sách ưu đãi với đội ngũ nghệ nhân dân gian nắm giữ vốn văn hóa truyền thống và có khả năng truyền dạy lại cho thế hệ trẻ trên các lĩnh vực: chỉnh sửa cồng chiêng, truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, diễn xướng H’mon, H’ri (sử thi), truyện cổ dân gian, chế tác nhạc cụ dân tộc... Quan trọng nữa là cần có cơ chế chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học và ưu tiên dành kinh phí cho việc bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy từng loại hình di sản văn hóa phi vật thể thông qua các đề án cụ thể của từng lĩnh vực giữa các Viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý của Trung ương đối với địa phương.

Tái hiện lễ cầu an của người Ba Na (nhánh Rơ Ngao). Ảnh: Thảo Nguyên

                                                                            Thảo Nguyên

 

Chuyên mục khác