Những người “hiểu” chiêng

28/07/2018 08:17

​Nhiều người đánh chiêng, nhưng “chỉnh chiêng” thì rất ít. Không chỉ biết “nghe” chiêng, “cảm” chiêng, mà còn “hiểu” được chiêng chính là tài của những người có thể “dẫn dắt” cồng chiêng trở về với âm thanh gốc của mình mỗi khi “lạc lối”.

Đã lâu, làng Kon Trang Long Loi mới có hội vui như hôm nay. Lễ đón nhận bộ cồng chiêng do UBND huyện Đăk Hà trao tặng được đồng bào Ba Na - Rơ Ngao địa phương tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống. Sau lễ thiêng do các nghệ nhân cao niên, uy tín tiến hành; chủ lễ A Thăk nhanh tay chỉnh lại những chiếc chiêng để cùng hòa nhịp. “Chiêng đi xa, động chạm nhiều nên tiếng được tiếng mất. Mình phải chỉnh lại cho chuẩn để đánh cho hợp, cho hay” - Nghệ nhân A Thăk chia sẻ.

Ngồi xổm trên nền đất sân nhà rông, nghệ nhân A Thăk lần lượt cầm từng chiếc chiêng lên gõ thử, lắng nghe để “dò” tiếng. Và với chiếc búa sắt nhỏ, ông nhẩn nha gõ gõ lên mặt chiêng hay trong lòng chiêng. “Cũng như lên dây đàn đó. Phải chỉnh cho chiêng đúng tông, đúng bậc thì đánh mới hay được”- Nghệ nhân lão luyện giải thích. Một lúc, cả bộ cồng chiêng đã hòa vào nhau, thành dòng âm thanh rộn rã.

Đánh chiêng giỏi nhưng không phải ai cũng chỉnh chiêng được. Đó là thực tế ở các thôn, làng đồng bào DTTS giàu bản sắc văn hóa. Vì vậy, với tài “giữ hồn chiêng” của mình, già A Khiuh người Ba Na làng Kon Drei không chỉ giúp cho nhiều khu dân cư ở xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum “sửa lại tiếng” cho những bộ cồng chiêng của mình, mà còn được bà con từ những nơi xa tín nhiệm.

Năm nay 82 tuổi, hơn 60 năm biết đánh chiêng, song cái duyên chỉnh chiêng thì đến với già Khiuh chừng 18 năm. Vốn giỏi chiêng, một mình có thể diễn tấu với cả bộ chiêng 8 chiếc, nên ông đã được nghệ nhân A Yếu ở làng Kon Mơnây Kơtu, xã Đăk Blà “chọn mặt” để “gửi vàng”.

Nghệ nhân chỉnh chiêng A Khiuh- Niềm tự hào của dân làng Kon Drei

 

10 năm theo thầy đi nhiều nơi, học được nhiều điều, ông A Khiuh mới dần “thành nghề”; chỉnh được các bộ chiêng từ cổ đến mới không chỉ cho đúng thang âm mà còn được tiếng hay, tiếng tốt.

Thuần thạo chỉnh chiêng, nhưng khi được hỏi về “bí quyết” của công việc này, già A Khiuh chỉ cười hiền: Tiếng chiêng tiếng cồng nó ở sẵn trong đầu mình rồi. Nghe thấy khác là không được, phải chỉnh lại cho hợp cái tai...

Theo già Khiuh, chỉnh chiêng cho đúng chưa đủ, khó là chỉnh chiêng cho hay.

Cồng chiêng là tài sản lớn, có giá trị vật chất, tinh thần đặc biệt trong đời sống đồng bào DTTS Tây Nguyên. Mỗi bộ cồng chiêng được tạo nên từ từng chiếc chiêng chiếc cồng mang âm sắc riêng để cùng gắn kết, hòa quyện với nhau thành những âm thanh độc đáo, cuốn hút.

Theo thời gian sử dụng, cách thức bảo quản và thực tế vận chuyển từ chỗ này đến chỗ khác, cồng chiêng nhiều khi bị lạc âm, chệch bậc. Mỗi chiếc như vậy rất cần được “chỉnh lại”, để đảm bảo cho sự thống nhất, hòa hợp của cả dàn cồng chiêng.

“Nghe tiếng chiêng rồi mà không hiểu nó, không biết chiêng vướng ở đâu, sai chỗ nào... thì không thể đưa nó về với gốc của nó được” - Nghệ nhân A Biu ở làng Plei Klêk, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum giãi bày.

Dụng cụ chỉnh chiêng phổ biến là chiếc búa sắt nhỏ, có khi đơn giản hơn, chỉ là khúc cây, mẩu gỗ. Những người chỉnh chiêng mới thực sự đặc biệt. Với đôi tai tinh thính, khả năng thẩm âm thiên bẩm và sự khéo léo của đôi tay, họ có thể đưa âm thanh về theo độ chuẩn. Công việc này đòi hỏi sự chính xác và tinh tế đến thuần thục, bởi chỉ một sai sót nhỏ trong thao tác cũng có thể làm làm sai lệch, méo mó thang âm, có khi còn làm hỏng bộ chiêng.

Những người chỉnh chiêng thực sự đã nắm giữ một trong số tinh hoa đặc thù của văn hóa dân gian. Tuy vậy, cho đến nay, trong khi cồng chiêng rất được quan tâm hướng dẫn, chỉ dạy thì người chỉnh chiêng dường như lại chưa được quan tâm đúng mức đến tạo nguồn kế tục.

Vẫn biết là chọn người để “ truyền nghề” chỉnh chiêng vốn có những yêu cầu, đòi hỏi rất riêng; không đại trà và phổ biến như hướng dẫn đánh cồng chiêng; song, đó cũng chính là điều mà các cơ quan quản lý văn hóa và địa phương cần lưu tâm tính toán; góp phần tạo sự hài hòa, ổn định trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vì cộng đồng.

     Bài, ảnh: Thanh Như

Chuyên mục khác