Người níu giữ hồn đàn tính, điệu then

07/02/2022 13:02

Rời quê hương Cao Bằng vào quê hương mới ở thôn Đăk Kđêm (xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà), ông Hoàng Văn Tuy luôn khát khao làm sống lại bản sắc văn hóa của người Tày - Nùng giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Trầm ngâm khá lâu bên ly trà, ông Hoàng Văn Tuy bắt đầu lần dở câu chuyện về tình yêu với cây tính - điệu then. Ông Tuy sinh năm 1973 ở huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Tấm bé, khi nghe các bà, các bác đánh đàn tính và hát then, ông Tuy say mê lắm. Ông từng ngỏ ý muốn mua một cây đàn tính để tập luyện nhưng vì gia cảnh khó khăn nên cái duyên với tính - then đành lỗi hẹn.

Năm 1995, ông cùng bố mẹ vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới. Hành trang của người thanh niên tuổi đôi mươi có cả giấc mơ nối lại âm hưởng quê mẹ giữa xứ sở cà phê. Thế rồi, vào năm 2014, ông được tặng một cây đàn tính. Ông bắt đầu tự mày mò học đánh đàn, học hát then từ những chiếc đĩa DVD cũ, trên tivi, điện thoại. Ông Tuy kể lại: Học đàn tính khó lắm chứ không dễ đâu, nhưng tôi nghĩ cứ quyết tâm thì sẽ làm được.

Ông Hoàng Văn Tuy giao lưu đàn Tính, hát then với bà con thôn Đăk Xuân, xã Đăk Ngọk. Ảnh: C.L

 

Có công khổ luyện, đến nay, ông Tuy đã đánh được thành thạo đàn tính, hát then. Không chỉ tham gia biểu diễn ở những chương trình nghệ thuật do xã, huyện tổ chức, ông còn nỗ lực vận động lớp người già Tày - Nùng trong làng và ở làng Đăk Xuân (Đăk Ngọk) truyền dạy lại cho lớp trẻ nghệ thuật diễn xướng cổ truyền của dân tộc.

Với người Tày - Nùng, đàn tính - hát then có mặt trong mọi hoạt động đời sống hằng ngày, từ lễ tết, cưới hỏi, hội làng, trai gái tìm hiểu nhau, đến lao động sản xuất, gia đình có chuyện buồn phiền… Vì sống xa quê, nên đến nay, đánh đàn tính - hát then không còn xuất hiện nhiều trong cuộc sống của những người Tày - Nùng ở Đăk Hà và một số huyện khác trên địa bàn tỉnh. Ông Tuy trăn trở rằng, nếu không sớm truyền dạy mang tính bài bản và có tổ chức, thì nguy cơ đánh mất loại hình âm nhạc cổ truyền gắn liền với tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng này là không thể tránh khỏi. Những người tâm huyết với nghệ thuật then - tính như ông Tuy vẫn đang nỗ lực vực dậy niềm tự hào và tình yêu bản sắc văn hóa trong lớp trẻ. Nhưng hành trình này, vẫn đang rời rạc và đơn độc.

Ông Hoàng Văn Tuy tích cực truyền dạy đánh đàn tính cho thế hệ trẻ. Ảnh: CL

 

Dù ở đâu cũng phải mang theo bản sắc dân tộc mình, không quên được cội nguồn quê hương. Mong sao con cháu, anh em ai cũng đam mê bản sắc. Tôi quyết tâm dạy đàn hát cho con cháu, bây giờ cũng vận động được mấy người học theo rồi, hi vọng sắp tới mọi người sẽ thành thạo hơn - ông Tuy nói.

Cùng chung niềm trăn trở với ông Hoàng Văn Tuy, ông Nông Văn Ngay - Trưởng thôn Đăk Kđêm cho biết: Cả thôn giờ chỉ còn mình ông Hoàng Văn Tuy là biết đánh đàn tính, hát then. Nhưng do còn nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế cũng như không có nhiều không gian giao lưu đàn tính nên việc duy trì thường xuyên và phát triển loại hình này đang gặp rất nhiều khó khăn và chỉ mang tính cá nhân tự phát. Nếu cứ tiếp tục như vậy, chỉ sợ sau này sẽ không còn ai biết đánh đàn tính, hát then nữa.

Giữa đại ngàn Tây Nguyên, những người như ông Hoàng Văn Tuy vẫn đang nuôi khát vọng sẽ không còn đơn độc trên hành trình làm sống lại tầng văn hóa Đông Bắc nói chung và làn điệu đàn tính - hát then của dân tộc Tày, Nùng nói riêng.

Chung Loan

Chuyên mục khác