Nghệ thuật tạo hình hoa văn cổ truyền ở Tây Nguyên

06/08/2022 13:00

Với các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên, hoa văn không chỉ là nghệ thuật tái hiện cuộc sống bằng tư duy tạo hình với những gam màu núi rừng thuần khiết mà còn thể hiện quan niệm tâm linh, tình cảm, ước vọng cuộc sống yên bình, hòa thuận với thiên nhiên và chứa đựng cả những ký ức lịch sử.
Hoa văn được sử dụng phổ biến để tạo điểm nhấn trên trang phục thổ cẩm Tây Nguyên. Ảnh: TL

 

Từ lúc 7 - 8 tuổi, bà Y Yin, ở làng Kon K’Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum đã biết dệt thổ cẩm. Dù nay đã bước sang tuổi xế chiều, nhưng bằng tình yêu với thổ cẩm truyền thống, bà vẫn không ngừng sáng tạo ra những loại hoa văn mới trên nền tảng hoa văn cổ truyền. Trong đó, đặc sắc nhất phải kể đến bằng cách dệt mô phỏng chuyện cổ tích bằng hoa văn trên nền vải thổ cẩm. Đến nay, bà Yin đã kể được không ít câu chuyện cổ tích bằng hoa văn trên thổ cẩm, như chuyện nhà giàu nhà nghèo; chuyện con cọp hay chuyện con mèo rừng.

Bà Y Yin cho biết: Hoa văn của Tây Nguyên rất phong phú. Để dệt được tấm vải thổ cẩm đẹp thì phải có kỹ thuật, hoa văn phải hài hòa, nhiều màu sắc.

Trong nghệ thuật tạo hình hoa văn trên thổ cẩm, mỗi dân tộc sẽ có những hoa văn trang trí khác nhau, tượng trưng cho từng nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng.

Mô típ hoa văn của các dân tộc nhìn chung đều có phần tỉ mỉ, màu sắc sử dụng phổ biến là đỏ, vàng, trắng, xanh. Các hoa văn được cách điệu dưới dạng hình học, phần lớn là ô chéo, ngôi sao tám cánh, móc câu, chữ thập, hình vuông thủng, đường thẳng, hình thoi, đường zích zắc... Về mô típ động vật điển hình thường có rồng, rùa, bướm, ếch, chim...Về mặt bố cục, một số kiểu bố cục chung như thành dải và ô chéo xuất hiện nhiều. Mỗi dân tộc lại có một cách thức biến tấu màu sắc, hoa văn hay bố cục khác nhau.

Cùng với hoa văn trên thổ cẩm, thì hoa văn cũng được các DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên ứng dụng trong nghệ thuật kiến trúc. Trong đó, phải kể đến nhà rông.

Từ bề ngoài, mái nhà rông được thiết kế rất độc đáo, mang hình dáng của chiếc rìu, búa hay cánh buồm với kích thước lớn. Đặc biệt, phần đỉnh mái được thiết kế tạo thành các hình hoa văn khác nhau như hình tam giác, hình thoi, hình chữ X, hay biểu tượng mặt trời.

Có nhiều nhà rông còn chạm trổ, điêu khắc hoa văn cầu kỳ lên các cây cột. Sàn nhà cũng được xếp chồng lên nhau, tạo thành những hoa văn sinh động.

Cùng với kiến trúc nhà rông ấn tượng, thì nghệ thuật tạo hình hoa văn truyền thống cũng hiện diện ngay ở mọi vật dụng trong cuộc sống thường nhật. Trong đó có thể kể đến ghè rượu, một biểu tượng mang giá trị văn hóa tiêu biểu làm nên bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Mỗi chiếc ghè với một màu sắc, họa tiết hoa văn khác nhau mang một giá trị khác nhau và kể những câu chuyện không giống nhau. Những chiếc ghè quý hiếm dùng để cúng thần linh thường có hình tượng giao long, hạc đắp nổi, chim muông, cây lá trên thân hoặc hình hổ phù ở tai. Đa số những chiếc ghè dùng để ủ rượu thường được trang trí bằng nhiều chấm bi đắp nổi như những chuỗi hạt kết thành nhiều tầng nhằm thể hiện sự đoàn kết trong cộng đồng.

Ông A Biu, ở làng Plei Klếch, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, cho biết: Hoa văn trên ghè rượu luôn được lấy cảm hứng từ chính cuộc sống. Ví dụ có hoa văn bông dưa leo, thấy giống bông dưa leo nên người ta đặt bông dưa leo luôn, hoặc là hoa văn hình thoi, vì giống con nhái con nên người ta đặt tên cho hoa văn đó là con nhái.

Với người Tây Nguyên, chiếc gùi không chỉ là đồ vật sử dụng trong cuộc sống thường nhật mà còn là một tác phẩm mỹ thuật được trang trí nhiều hoa văn, thể hiện sự khéo léo, khiếu thẩm mỹ của người Tây Nguyên.

 “Hoa văn hình thoi được dùng rất phổ biến trong nghệ thuật đan gùi của người Tây Nguyên, mô phỏng hình con nhái con. Hoa văn hình thoi hoặc hình tam giác xuất hiện ở rất nhiều vật dụng trong đời sống Tây Nguyên, từ chiếc gùi, chiếc ghè rượu, đến các loại nhạc cụ truyền thống, trên cây nêu” - ông A Biu, cho biết thêm.

Có thể thấy, hoa văn cổ truyền của các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên là sản phẩm vật chất của lao động, nhưng đồng thời cũng là sản phẩm văn hóa, là biểu hiện sinh động của kỹ thuật thủ công gắn liền với khả năng thẩm mỹ. Cùng với tiếng nói, âm nhạc cổ truyền hay ẩm thực truyền thống, hoa văn của các DTTS Tây Nguyên chính là một di sản văn hóa truyền thống độc đáo, qua đó, làm đẹp thêm kho tàng văn hóa đặc sắc.

Thi Loan

Chuyên mục khác