Ngẩn ngơ sắc thắm Pơ Lang

27/03/2018 07:00

Nổi bật trên nền trời xanh tháng ba, nổi bật giữa màu xanh của cỏ cây rừng Măng Đen là sắc đỏ của Pơ Lang rực rỡ như tình yêu mãnh liệt, chưa bao giờ tắt của nàng sơn nữ với người mình yêu mà có lần chị đã đọc.

Bước chân vào Khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ (Măng Đen, Kon Plông), chị ngẩn ngơ trước sắc thắm của cây hoa Pơ Lang. Cây nằm dưới thung, đứng trên triền dốc cao của khu du lịch, cây như vừa ngang tầm mắt. Trên những cành cây khẳng khiu, trơ trọi, sắc đỏ những bông hoa Pơ Lang như phủ sức sống cho cả một vùng núi rừng, như thiêu như đốt lòng. Chị thầm nghĩ, hoa Pơ Lang không hẹn ai để nở, nhưng luôn sẵn sàng níu chân không ít người - có chị  - khi ngang qua.

Vậy là, mặc cho mọi người đua nhau tạo dáng bên vườn hoa cẩm tú cầu khoe sắc tím nhàn nhạt, bên vườn hoa cánh bướm rung rinh khoe sắc vàng…, chị đứng yên ngắm hoa Pơ Lang với sắc đỏ đẹp mê hồn.

Nổi bật trên nền trời xanh tháng ba, nổi bật giữa màu xanh của cỏ cây rừng Măng Đen là sắc đỏ của Pơ Lang rực rỡ như tình yêu mãnh liệt, chưa bao giờ tắt của nàng sơn nữ với người mình yêu mà có lần chị đã đọc.

Tương truyền, xưa kia có đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Một năm, vùng đất họ sinh sống bị hạn hán, sông hồ cạn kiệt, chàng trai đã tìm đường lên trời để hỏi nguyên do. Lúc chia tay, chàng trai buộc vào tay cô gái một băng vải đỏ với lời thề son sắt sẽ quay lại tìm nàng. Nhưng không ngờ, khi lên trời, nhà trời giữ chàng lại làm thần mưa không cho về hạ giới. Cô gái ngày đêm ngóng trông. Ngày ngày, cô leo lên một cây nêu cao ngóng chờ người yêu đến mòn mỏi. Một ngày tháng ba, Ngọc Hoàng biết chuyện, cho cô gái một điều ước. Cô gái đã nói: Xin Người biến cây nêu thành loài hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để thần có thể nhìn thấy anh ấy, dải vải đỏ biến thành bông hoa để anh ấy nhận ra thần…

Rưng rưng với vẻ đẹp son sắt, thủy chung của hoa như truyền thuyết, không muốn bỏ qua khoảnh khắc, chị lẳng lặng sử dụng công nghệ của thời hiện đại, selfie - tự tưởng thưởng cho mình bức ảnh chân dung bên cây hoa Pơ Lang đang khoe trọn vẻ đẹp rực rỡ khi tháng ba về. Đúng là chẳng hổ danh với câu hát “Tây Nguyên ơi hoa rừng bao nhiêu thứ. Cánh hoa nào đẹp nhất rừng. Tây Nguyên ơi anh có nhớ buôn làng nhớ người con gái. Nhớ cánh hoa Pơ Lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên” trong bài hát “Em là hoa Pơ Lang” của nhạc sĩ Đức Minh.

Có lẽ đã lâu lắm rồi, chị mới được ngắm hoa Pơ Lang trọn vẹn và nhiều cảm xúc đến vậy. Mười mấy năm gắn bó với Kon Tum, chị đã nhiều lần gặp hoa Pơ Lang. Khi thì dọc theo ven đường Hồ Chí Minh trong chuyến công tác kiểu “gặp nhau lần nào cũng vội”, khi thì đứng bên này làng… trông sang bên núi, thấy hoa thấp thoáng xa xa…

Chị cũng đã từng bâng khuâng trước sắc đỏ hoa Pơ Lang mà chị từng bắt gặp đâu đó trong khu vực thành phố Kon Tum (không phải là cây hoa osaka đỏ trồng dọc ở các tuyến đường mà có người lầm tưởng hoa Pơ Lang). Nhưng có lẽ, như cồng chiêng phải có Không gian văn hóa cồng chiêng vậy, cây không nhiều hoa và sắc hoa cũng không thắm bằng cây Pơ Lang chị gặp Măng Đen lần này. Chị chợt bật cười với ý nghĩ, có lẽ vì “phố hóa”, hoa cũng ít nhiều phai nhạt, không còn giữ nét đẹp nguyên sơ của làng (?!).

Chị nhớ ngày đi học đại học ở Huế, người bạn chuyển nhà về bên Đại Nội, cả đám bạn rủ nhau đi giúp. Ngang cây  Pơ Lang (quê chị gọi là hoa gạo, có nơi gọi là Mộc Miên) khoe sắc, cả nhóm bạn như trở về những ngày tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ bên gốc cây gạo đầu làng, đạp xe chầm chậm lại, chỉ trỏ, ngắm nghía. Cậu bạn trong nhóm - vốn là cây văn nghệ của khoa Văn ngày ấy ngẫu hứng hát vang “Nắng tháng ba mùa hoa gạo nở/Thức một khoảng trời vạt sông quê/Kìa mắt ai, ngước nhìn mơ mộng quá/Ta như quen như lạ lẫm lối về” trong bài “Mùa hoa gạo” khiến cả nhóm rưng rưng. Sau gần 20 năm gặp lại, mỗi khi nhắc lại chuyện xưa, chị và bạn bè trong nhóm vẫn nhớ mãi sắc đỏ của hoa với những kỷ niệm khó phai ngày ấy.

Nên khi gặp cây hoa Pơ Lang cao vài chục mét, cành vươn cao, lẳng lặng soi bóng một bên góc suối Khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ, chị ngẩn ngơ. Cái lẳng lặng, uy nghiêm trơ trụi, chỉ vài chiếc lá của cây; cái màu đỏ rực rỡ, kiêu hãnh được kết thành từng chùm ấy của hoa như một lần nữa gây nhớ thương cho chị…

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác