Nét đẹp Kin Chiêng Boọc Mạy của người Thái

17/03/2022 06:07

Kin Chiêng Boọc Mạy là lễ hội truyền thống độc đáo của người Thái. Ở vùng biên giới huyện Ia H’Drai, nét đẹp văn hóa lâu đời này hiện không chỉ  do “ông mo, bà tày” cao tuổi ở khu dân cư đảm nhận, mà còn được các bạn trẻ tiếp nối giữ gìn.

Kin Chiêng Boọc Mạy, tiếng Thái có nghĩa là lễ “Hát múa, ăn mừng dưới cây bông”. Theo ông Hà Văn Hợp tại thôn 1, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai, cũng như một số nội dung trong văn hóa cổ truyền của đồng bào các DTTS, có thời điểm, Kin Chiêng Boọc Mạy bị lãng quên. Tuy vậy, nỗ lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã thổi làn gió mới, làm hồi sinh một nét đẹp văn hóa dân tộc từng đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Tự hào hơn, khi Kin Chiêng Boọc Mạy trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và càng được gìn giữ.

Theo truyền thống, trước đây, Kin Chiêng Boọc Mạy thường được tổ chức vào dịp tháng Giêng, tháng Hai theo chu kỳ cứ ba năm làm “đại” (lớn), một năm làm “tiểu” (nhỏ). Tuy vậy, sau này, lễ tục này còn được kết hợp vào dịp Tết cơm mới (tháng 11 âm lịch hằng năm). Có thể tổ chức trong phạm vi gia đình, song đông vui, quy mô nhất khi Kin Chiêng Boọc Mạy được diễn ra chung cộng đồng, với các hoạt động chính như tế lễ thần linh (Mường Trời), thổ địa, thần núi, thần rừng, thành hoàng, lễ cầu may cầu mát, giải hạn, cầu an… cho mọi người. Nét đặc sắc của lễ tục tập trung ở hoạt động “chơi bói hoa”. Mọi người cùng hát, múa mô phỏng các hoạt động lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Thái xưa, kết hợp với âm thanh rộn ràng của các nhạc cụ truyền thống.

Nhiều năm làm công nhân cao su định cư tại huyện biên giới phía Tây Nam của tỉnh, không ít lần anh Hà Văn Huynh chứng kiến Kin Chiêng Boọc Mạy ở khu dân cư, song đáng nhớ nhất chính là lễ tục này được tổ chức giới thiệu trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4, trước thềm năm mới Kỷ Hợi 2019. Chương trình do chính các nghệ nhân trong xã thể hiện. Anh Huynh cho hay: Lễ tục này được bắt nguồn từ thực tế từ xa xưa, các “ông mo bà tày” ở bản Mường chuyên lo việc chữa bệnh cứu người cho dân bằng các loại lá cây, hoa cỏ trong vườn nhà hay ngoài rừng. Kin Chiêng Boọc Mạy là nghi lễ cúng tổ tiên và cầu cúng thần linh nhằm xua đuổi “ma rừng, ma núi” quấy nhiễu bản mường, cũng là bày tỏ lòng biết ơn các đấng tối cao, cầu mong cho dân làng khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc.

Cây bông - linh hồn của Kin Chiêng Boọc Mạy. Ảnh: TN

 

Theo anh Hà Văn Trường ở thôn 4, xã Ia Đal, Kin Chiêng Boọc Mạy không thể thiếu cây bông - linh hồn của lễ hội, tượng trưng cho cuộc sống sinh sôi, nảy nở. Tùy thuộc vào thế hệ nhà Mo trong làng mà cây bông được làm từ 3, 5, 7, đến 9, 12 tầng rực rỡ sắc màu từ các loại hoa, các hình tượng chim chóc, muông thú, dụng cụ lao động sản xuất... Cây bông được dân làng chau chuốt tỉ mỉ, được tiến hành chuẩn bị từ nhiều tháng trước khi diễn ra lễ hội. Trong đó, thân cây bông thường được làm bằng cây tre hoặc luồng. Hoa cây bông được làm từ cây dâu, cây sắn, cây chục bục… Mọi người cắt gọt hoa ngay khi mới chặt cây về. Sau đó, hoa được hấp chín, phơi khô, nhuộm màu bằng nhựa các loại vỏ cây và được xâu chuỗi lại với nhau bằng sợi dây rừng. Các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất treo trên cây bông được đan bằng tre, nứa.

Kin Chiêng Boọc Mạy do ông mo, bà tày ở trong khu dân cư chủ trì, là hình thức tín ngưỡng dân gian độc đáo, có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng người Thái; từ lâu đời, được nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển qua nhiều thế hệ.

Mang giá trị truyền thống lâu đời và ý nghĩa tâm linh thiết thực, nên Kin Chiêng Boọc Mạy truyền thống của người Thái mang tính lan tỏa rộng rãi, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của các dân tộc anh em trên địa bàn dân cư. Thông qua hình tượng Mường Trời, thần linh, mọi người được truyền nhận những điều hay, ý đẹp, biết sống nhân ái, trượng nghĩa, hàm ơn…; được thể hiện khát vọng hòa hợp “thiên - địa - nhân” và mong ước cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Gắn với lễ thiêng còn là dịp để mọi người hát múa, vui chơi, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.

Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi Covid-19, đồng bào Thái ở vùng biên giới Ia H’Drai càng tin tưởng và mong muốn “khi cuộc sống trở lại bình thường mới, sẽ càng vui hơn, khi Kin Chiêng Boọc Mạy được tái hiện” - nghệ nhân Hà Văn Trường bày tỏ.

Thanh Như

Chuyên mục khác