07/04/2025 06:07
Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, định hướng các hoạt động nhằm nâng cao tay nghề và trình độ chuyên môn của người lao động trong các hoạt động du lịch. Các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng tích cực tham gia vào quá trình đào tạo, giúp người lao động có cơ hội thực tập thực tế; phối hợp với các trường đại học, cao đẳng và cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh để mở các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành về du lịch.
Trong đó, các địa phương của tỉnh phối hợp với ngành chức năng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch quan tâm đào tạo kỹ năng nghiệp vụ trong các lĩnh vực then chốt của ngành du lịch như: đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách quốc tế; dịch vụ khách hàng, công nghệ thông tin, ứng dụng số trong các hoạt động du lịch; các lớp tập huấn về quản lý di tích, chuyển đổi số và bảo tồn văn hóa. Qua đó, giúp lực lượng lao động địa phương có thể thích nghi, từng bước chuyển đổi nghề nghiệp sang lĩnh vực du lịch, đáp ứng xu hướng phát triển mới; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào quá trình đào tạo, mở rộng các khóa học trực tuyến giúp người lao động dễ dàng tiếp cận tri thức mới.
|
Lồng ghép nguồn lực từ nhiều chương trình, dự án, đặc biệt từ Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, ngành VH,TT&DL phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy di sản văn hóa, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ bảo tồn văn hóa, tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về du lịch cho các học viên. Nội dung tập huấn đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu thực tế như: tập huấn về các loại nghiệp vụ liên quan đến cơ sở lưu trú; kỹ năng giao tiếp, thuyết minh viên; marketing, quản lý điểm đến; kỹ năng tổ chức biểu diễn, bảo vệ môi trường trong phục vụ du khách.
Bên cạnh công tác đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực du lịch tìm kiếm cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp. Theo đó, hàng năm tổ chức các hội chợ việc làm, ngày hội tuyển dụng giúp kết nối người lao động với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch; hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch cộng đồng và nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, khuyến khích đào tạo nghề tại chỗ, giúp người dân địa phương tham gia phát triển du lịch cộng đồng và bảo tồn văn hóa truyền thống.
Nhiều lớp học, chương trình đào tạo về nghiệp vụ du lịch đã được tổ chức hiệu quả tại các địa phương như: Lớp bồi dưỡng hướng dẫn viên du lịch tại điểm và tập huấn về du lịch nông thôn; lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ gắn với khai thác các giá trị văn hóa truyền thống; lớp bồi dưỡng kỹ năng du lịch cộng đồng, nâng cao kỹ năng đón tiếp, phục vụ lưu trú; lớp đào tạo chuyên môn về phát triển du lịch nông nghiệp.
Nhờ các giải pháp đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực. Số lượng lao động được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ tăng đáng kể; các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ hoạt động hiệu quả hơn nhờ đội ngũ nhân lực có trình độ cao.
|
Toàn tỉnh hiện cấp phép hoạt động 6 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch; trong đó có 3 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế là: Công ty Du lịch Sinh thái Miền Cao; Công ty TNHH Du lịch Quốc tế Hải Vân Kon Tum; Công ty Cổ phần Du lịch Cao Nguyên Xanh; 3 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa là: Công ty TNHH Du lịch Ngọc Linh Kon Tum; Công ty Cổ phần Nguyên Phúc Măng Đen; Công ty TNHH Du lịch Quốc tế Việt Indochina.
Bên cạnh đó, ngành chức năng của tỉnh đã cấp mới, cấp đổi, cấp lại 28 thẻ hướng dẫn viên du lịch gồm: 12 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế; 10 thẻ hướng dẫn viên nội địa, 6 thẻ hướng dẫn viên tại điểm; cấp phép cho 219 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.
Từ năm 2022 đến nay, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, số lượng du khách và thu nhập du lịch ngày càng tăng, tạo việc làm cho khoảng 1.878 lao động. Trong giai đoạn 2022- 2024, tổng số khách du lịch đến tỉnh đạt trên 4,9 triệu lượt khách; doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.576 tỷ đồng.
Anh A Mĩm- chủ Homestay Y Mai ở làng Kon Jơ Ri (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) cho biết: Các lớp học, chương trình tập huấn do ngành chức năng và địa phương tổ chức đã giúp tôi có thêm kiến thức để áp dụng vào mô hình du lịch của gia đình. Chúng tôi được học cách khai thác các giá trị nông nghiệp, văn hóa truyền thống, đào tạo các kỹ năng quan trọng như giao tiếp, phục vụ, chế biến món ăn, lưu trú, hướng dẫn du lịch nhằm phát triển du lịch bền vững.
Anh Nguyễn Ngọc Long- Giám đốc Công ty Du lịch Ngọc Linh Kon Tum chia sẻ: Qua các đợt tập huấn, hội nghị chuyên đề do ngành VH,TT&DL tỉnh tổ chức đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chúng tôi có cơ hội giao lưu, kết nối, quảng bá và xúc tiến du lịch với nhiều đơn vị, địa phương từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Qua đó, không những giúp công ty đạt kết quả kinh doanh tốt, mà bản thân tôi còn có cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng để quản lý và điều hành hiệu quả.
Với những giải pháp đồng bộ được các cấp chính quyền, các ngành chức năng và các đơn vị, doanh nghiệp triển khai trong thời gian qua, sẽ từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ lao động, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Qua đó, tạo động lực quan trọng để tỉnh đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch và góp phần thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.
Hoàng Thanh