03/01/2025 13:02
Biết đến khung dệt từ năm 16 tuổi, đến nay, bà Y Mưk đã có 44 năm gắn bó với nghề dệt. Nhớ lại những ngày “chập chững” dệt thổ cẩm, bà Y Mưk kể: Hồi mới theo nghề, tôi được mẹ và bà dạy từ những điều cơ bản, nhỏ nhất như cách se chỉ, nhuộm màu, dệt những vật dụng nhỏ như túi, khăn rồi đến những tấm chăn, váy, áo, khố. Tôi phải mất khoảng thời gian dài để học, làm đi làm lại nhiều lần mới thành. Hồi đó, dệt được chiếc túi nào đẹp tôi mới dám khoe với mọi người, còn chiếc nào mà đường dệt bị rối, không đều màu, tôi liền giấu đi.
“Cũng chính vì khao khát làm ra được những sản phẩm ngày một đẹp hơn, nên tôi cứ theo đuổi và gắn bó mãi với nghề dệt. Càng làm tôi càng cảm thấy yêu thích, say mê. Có nhiều hôm, tôi mải làm quên cả đêm khuya, đến khi trời sáng mới rời khỏi khung dệt”- bà Y Mưk nói thêm.
|
Theo bà Y Mưk, việc học cách dệt phải trải qua các công đoạn từ dễ đến khó. Khi mới bắt đầu học dệt, người học sẽ tập dệt trên một khổ vải trơn, sau đó, mới học dệt những đường hoa văn cơ bản trên khổ vải. Khi đã thành thạo, người học sẽ bắt tay vào học dệt những hoa văn phức tạp và cách sáng tạo hoa văn theo ý muốn của mình.
Nói về hoa văn, bà Y Mưk cho hay, hoa văn trên thổ cẩm của người Ba Na thường là những họa tiết về các nghi lễ, thiên nhiên, cảnh sinh hoạt đời thường. Các hoa văn được thể hiện bằng các gam màu chủ đạo như đỏ, vàng, đen, xanh. Tất cả nhằm thể hiện khát khao một cuộc sống yên bình, hài hòa với thiên nhiên. Để dệt những hoa văn đó, người dệt phải hình dung rõ từng loại hoa văn và thể hiện nó qua việc bắt chỉ. Hoa văn phải cân đối, sắc nét, sợi chỉ phải mịn màng thì tấm thổ cẩm mới thật sự có giá trị.
Say mê, trân quý nghề dệt, bà Y Mưk thường xuyên kết nối, vận động những người biết dệt tại làng duy trì nghề dệt, tích cực truyền nghề cho thế hệ trẻ. Bà Y Mưk cho rằng, đó là cách để nghề dệt được gìn giữ và đứng vững hơn trước nguy cơ mai một.
Không chỉ dệt thổ cẩm, bà Y Mưk còn biết đan lát. Với đôi tay khéo léo, bà Y Mưk đã biến tre, nứa thành những vật dụng sinh hoạt chắc chắn, đẹp mắt như gùi, rổ, rá, nong, nia.
Bà Y Mưk bảo rằng, kỹ thuật đan lát của người Ba Na không khó, nhưng đòi hỏi tính kiên trì. Để tạo ra được một sản phẩm đan lát vừa đẹp vừa tinh xảo phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người đan, từ khâu tìm kiếm, xử lý vật liệu đến kỹ thuật đan. Đặc biệt, trong khâu chuẩn bị nguyên liệu, phải chọn được loại tre, mây không quá già cũng không quá non. Khi chuốt nan, tay người thợ phải mềm mại, uyển chuyển để cho ra những sợi nan đẹp, mỏng, đủ dẻo dai để luồn lách khi đan.
|
Ở làng Kon K’tu, việc đan lát thường do đàn ông trong nhà đảm trách, nhưng với niềm đam mê cùng với sự chịu khó học hỏi, bà Y Mưk đã rất thành thạo trong việc đan lát và duy trì nghề này suốt hơn 20 năm qua. Những chiếc gùi, chiếc nong, nia do bà Y Mưk làm ra có kiểu dáng và hoa văn đơn giản nhưng lại rất tinh xảo, độc đáo. Nhiều người trong làng tấm tắc khen bà Y Mưk đan đẹp, chắc, bền không thua kém gì đàn ông.
Cứ thế, nghề đan lát và dệt thổ cẩm cùng bà Y Mưk trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống. Giờ đây, khi tuổi ngày càng cao, sức khoẻ yếu dần đi, đan lát và dệt trở thành nghề mưu sinh tuổi già của bà. Trung bình mỗi tháng bà Y Mưk có thu nhập hơn 2 triệu đồng từ việc bán các sản phẩm truyền thống do mình làm ra.
Để giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc mình, bà Y Mưk tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm và đan lát cho thế hệ trẻ trong làng. Với sự nhiệt tình hướng dẫn của bà Y Mưk, làng Kon K’tu có rất nhiều người trẻ biết đan lát và dệt thổ cẩm.
Ông A Đưn - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Kon K’tu cho biết: Ở làng Kon K’tu, bà Y Mưk là một trong số ít phụ nữ vừa biết dệt thổ cẩm vừa thành thạo đan lát. Thời gian qua, bà Y Mưk cùng các nghệ nhân trong thôn tích cực truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, bà cũng thường xuyên tham gia hoạt động văn hóa do địa phương tổ chức, góp phần tích cực vào việc gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của người Ba Na tại địa phương.
Hồng Ân