Kon Tum - Những sắc màu văn hóa

19/10/2014 17:15

Với những tiết mục độc đáo, Đêm hội cồng chiêng: “Kon Tum- Những sắc màu văn hóa” đã thể hiện được những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân.
Các đại biểu nhận lửa thiêng. Ảnh: H.T

 

19 giờ 30 Đêm hội cồng chiêng mới chính thức bắt đầu, nhưng ngay từ khi mặt trời vừa khuất sau núi, người dân các làng ĐBDTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum đã tập trung về nhà rông Kon Klor, phường Thắng Lợi. Tâm trạng háo hức, ai nấy cũng hồi hợp chờ đợi để nghe, xem và hưởng thụ những cung điệu trầm bổng của các nhạc cụ truyền thống, để biết và hiểu thêm những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc.

Đặc biệt, Đêm hội vinh dự có sự hiện diện của các đại biểu: Giàng Seo Phử - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Hà Ban - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Y Mửi- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hùng- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND – UBND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố cùng 249 đại biểu dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2014.

Già làng mời các đại biểu thưởng thức rượu cần. Ảnh: H.T

 

Khi những tràng vỗ tay đang còn râm ran, già làng xuất hiện, cùng với tiếng tù và, chiêng trống nổi lên... Cảm xúc dâng trào, biển người hò reo, vỗ tay rạo rực cả một vùng trời. Màn diễn “Hội tụ lửa thiêng” với những điệu nhảy, điệu múa hấp dẫn đã làm hàng trăm con tim lay động. Vừa chú ý theo dõi, đôi tay nhịp theo tiếng chiêng, ông Bloong Vươn (86 tuổi) đến từ huyện Ngọc Hồi xúc động: Tôi đã dự nhiều lễ hội nhưng không hiểu tại sao khi nhìn thấy già làng bước ra gọi Yàng, cảm xúc mình lẫn lộn, khó tả lắm! Mình cảm nhận được sự linh thiêng trong từng tiếng hô, từng nhịp chiêng, nhịp trống, mình thật sự tự hào với nét đẹp văn hóa của các dân tộc Kon Tum.

Ngọn lửa thiêng của sự đoàn kết, yêu thương, đùm bọc được đốt lên, đêm hội chính thức bắt đầu. Dưới ánh lửa bập bùng hòa lẫn trong men say nồng nàn của hương vị rượu cần truyền thống, các đoàn nghệ nhân phấn khởi, lần lượt bước vào phần hội: Âm sắc đại ngàn.

Biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Ảnh: H.T

 

Không còn cái se lạnh của những ngày chuyển đông, ánh lửa đỏ rực, gần 200 nghệ nhân trong trang phục truyền thống (đại diện cho các dân tộc: Ba Na, Xê Đăng, Jẻ Triêng, Ja Rai, Brâu) đến từ các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum thả hồn vào nhịp cồng chiêng, những điệu xoang... Bài chiêng này vừa dứt, bài chiêng khác đã nổi lên.

Với sự chuẩn bị và dàn dựng công phu, phần múa xoang, cồng chiêng Mừng hội lớn của đoàn nghệ nhân Ba Na đến từ thành phố Kon Tum thật sự ấn tượng. Những chàng trai khỏe khoắn đánh lên từng giai điệu cồng chiêng ào ạt, náo động, tiếng trống dục dồn dập, liên hồi thể hiện sự vui mừng, hân hoan. Những cô gái Ba Na uyển chuyển, duyên dáng bên ánh lửa như lời mời gọi các du khách đến chung vui trong đêm hội lớn.

Đoàn nghệ nhân Xê Đăng đến từ huyện Đăk Tô cũng đem đến đêm hội một dấu ấn truyền thống đặc sắc thông qua làn điệu dân ca Em yêu buôn làng em. Những ca từ bay bổng, ngân nga chan chứa tình yêu thể hiện niềm tự hào về con người, quê hương Kon Tum.

Đối với người Brâu, sắc màu văn hóa, đời sống, tín ngưỡng cũng được các nghệ nhân đến từ huyện Ngọc Hồi gửi gắm, tái hiện qua những tiếng chiêng Tha…

Những âm sắc của các loại nhạc cụ dân gian như: đàn T'rưng, Klôngpút, Tingning, trống… như hòa quyện vào nhau làm nên không gian văn hóa đa màu sắc, tôn vinh vẻ đẹp của các dân tộc. Chia sẻ với chúng tôi, ông Thao La, dân tộc Brâu, đến xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi phấn khởi: Văn hóa của người Kon Tum mình rất phong phú, mình càng tự hào hơn khi những nhạc cụ, điệu múa, nghi thức được bảo tồn, giữ gìn. Đến với lễ hội này, mình không chỉ giới thiệu được văn hóa của dân tộc mình mà còn được giao lưu, được biết nhiều văn hóa của các dân tộc anh em nên vui lắm!

Trời về khuya nhưng các nghệ nhân vẫn hăng say với những điệu múa, tiếng cồng. Dưới mái nhà rông, các đoàn quây quần bên nhau thành vòng tròn, hòa chung một nhịp cồng, nhịp chiêng, nhịp trống, cùng múa một điệu xoang lễ hội. Tất cả vừa giao lưu, vừa thắt chặt tinh thần đoàn kết, quyết tâm cùng giữ gìn một nền văn hóa đậm đà bản sắc.

Đêm hội cồng chiêng kết thúc thành công trong niềm tự hào về văn hóa, về tinh thần đoàn kết của các dân tộc anh em. Đây còn là động lực để mỗi người chúng ta ra sức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác