Kon Klốc: Khi cả làng chung sức, đồng lòng

19/04/2019 06:14

Là một trong số làng đồng bào DTTS trước đây còn nhiều khó khăn của xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, Kon Klốc đã vươn lên thành khu dân cư văn hóa tiêu biểu ở địa phương. Không chỉ chăm lo sản xuất, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ổn định cuộc sống ấm no, bà con người Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá) ở đây còn ra sức bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc.

Mỗi tháng đôi lần, người làng Kon Klốc lại tề tựu về nhà rông để hát, múa, đánh cồng chiêng và tập luyện, chỉ dạy nét đẹp văn hóa dân gian cho con cháu. Bài dân ca giữ rẫy do nghệ nhân trẻ A Tah và Y Hlăk song ca đã trở nên quen thuộc với mọi người, nghe nhiều mà vẫn thích. Tiết mục cũng được chọn tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh Kon Tum.

“Hồi trước em đánh chiêng chút chút thôi, có biết hát gì đâu. Nghe chị Y Khar hát dân ca thấy hay, lại được chị nhiệt tình chỉ dạy nên yêu thích, chịu khó tập hát luôn. Bây giờ thì nhiều bài dân ca của người Tơ Đrá em cũng thuộc hết rồi. Hát dân ca không khó, nhưng mà phải biết cách luyến láy, cách nhả chữ mới hát được…”- A Tah chia sẻ.

Nghệ nhân Ưu tú Y Khar - người đầu tiên của làng Kon Klốc được phong tặng danh hiệu này, kể rằng: Trước đây, do du canh du cư, cuộc sống bấp bênh nên có những lúc cả làng không giữ nổi một bộ cồng chiêng. Tinh hoa nhạc cụ dân tộc và các nghề truyền thống cũng bị lãng quên, mai một. Được các nghệ nhân cao niên A Rai, A Pôm, Y Pủ… tâm huyết gìn giữ, chỉ dạy cồng chiêng, xoang, nhạc cụ dân tộc…; nét đẹp văn hóa của người Tơ Đrá ở Kon Klốc mới được lưu truyền.

Nghệ nhân Ưu tú Y Khar nhớ lại: Cuối năm 1998, làng Kon Klốc vui mừng được đón một đoàn đại biểu thanh niên của tỉnh Đồng Nai đến thăm và giao lưu với chi đoàn thanh niên ở địa phương. Trong buổi gặp mặt tại nhà rông, các bạn trẻ tỏ ra rất thích thú khi nghe Y Khar hát những bài dân ca ngọt ngào, sâu lắng; nhất là những bài giao duyên hát bằng tiếng Tơ Đrá nhưng vẫn đầy ý nhị khi được dịch ra tiếng phổ thông. Giao lưu văn nghệ thật vui vẻ, song có điều đoàn bạn thắc mắc là tại sao làng Kon Klốc của người Xơ Đăng nhưng không có cồng chiêng, thiếu vắng lễ hội dưới mái nhà rông, bên ánh lửa làng.

"Tại thời điểm đó, làng không còn lấy bộ cồng chiêng nào, vì hoàn cảnh trước giải phóng các gia đình phiêu bạt, cồng chiêng thất lạc; sau đó thì cuộc sống thiếu thốn, khó khăn, chưa ai có điều kiện để mua sắm lại. Tìm hiểu thực tế và cảm thông với dân làng, đoàn đại biểu thanh niên Đồng Nai hứa sẽ hỗ trợ để các bạn trẻ trong làng có bộ cồng chiêng, sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn bản sắc. Sau khi trở về, đoàn bạn đã gửi tặng làng Kon Klốc 3 triệu đồng mua bộ cồng chiêng chung" - Nghệ nhân Y Khar kể.

20 năm đã qua, bộ cồng chiêng quý giá, món quà ân tình đó luôn được bà con nâng niu, gìn giữ và phát huy hiệu quả sử dụng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Kể từ dấu mốc được hiện diện trở lại trong cộng đồng vào cuối năm 1998 đến nay, bộ cồng chiêng nghĩa tình luôn song hành cùng dân làng trong mọi lễ hội, sinh hoạt văn hóa riêng, chung.

Vai trò hạt nhân, gương mẫu của nghệ nhân Y Khar không ngừng được phát huy, tạo nên sự gắn kết bền chặt với mọi người và các lớp nghệ nhân ở đây. Nghệ nhân Y Khar cho hay: Cồng chiêng, múa xoang, chế tác và biểu diễn nhạc cụ bằng tre nứa, đan lát, dệt thổ cẩm… loại hình nào người Kon Klốc cũng đủ cả. Mình may mắn được cha và các nghệ nhân lão làng chỉ dạy đánh chiêng, đàn, hát, giữ nghề truyền thống nên dù có vất vả mấy cũng ráng tập lại cho các em các cháu. Lâu lâu thì mới có lớp học được tổ chức bài bản, còn bình thường thì vẫn kêu gọi người lớn dạy cho bọn trẻ.

Không riêng “đầu tàu” Y Khar, nghệ nhân A Lang cũng đa tài, giỏi đánh cồng chiêng, dựng nhà rông, còn “lành nghề” chế tác, biểu diễn đàn tơrưng và tận tâm “truyền nghề” cho thế hệ trẻ.

“Cái đàn, tiếng đàn của ông bà lâu đời để lại. Mình biết mà không tận tình chỉ dạy lại cho các con các cháu thì sao đây? Cố gắng chút thôi, mình làm được thế, vui lắm, mừng lắm… Tiếng đàn tơrưng sau này vẫn còn” - ông A Lang giãi bày.

Các nghệ nhân làng Kon Klốc. Ảnh: Anh Dũng

 

Chung sức sưu tầm, gìn giữ và truyền dạy cồng chiêng, xoang, chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, đến nay, làng Kon Klốc đã hình thành và duy trì sinh hoạt ba đội cồng chiêng, xoang của các nghệ nhân lớn tuổi, lớp thanh niên và thiếu nhi. Cùng với các lễ hội dân gian đặc sắc như lễ bắc máng nước, lễ mừng lúa mới, mừng nhà rông được phục dựng, đã có trên 10 bài dân ca Xơ Đăng được sưu tầm, biểu diễn và phổ biến giới thiệu.

Chàng trai A Giang 18 tuổi đã thạo đánh đàn tơrưng cho hay, vì còn ít bạn trẻ theo học nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa, nên em luôn cố gắng tập luyện để sau này có thể tiếp bước nghệ nhân Y Khar, A Lang và các nghệ nhân trong làng, giữ gìn loại hình âm nhạc dân gian này.

Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập huyện Đăk Hà, dân làng Kon Klốc càng vui mừng hơn vì mới đây, làng đã có thêm ba nghệ nhân (A Lang, A Veng, A Huy) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.

Nghệ nhân A Lang nhiệt huyết ví von rằng người già, lũ trẻ, người lớn, người bé của làng, mỗi người đều cố gắng làm một nốt nhạc cho dàn nhạc dân tộc của làng Kon Klốc mãi vang ngân.

Thanh Như

 

    

 

 

           

Chuyên mục khác