Không nên để mất đi rồi mới cất công tìm lại

01/12/2014 07:44

Đài PT-TH Kon Tum có chương trình truyền hình, phát thanh tiếng địa phương; Báo Kon Tum cũng đã xuất bản ấn phẩm Báo ảnh bằng 3 thứ tiếng (phổ thông, Ba Na, Xê Đăng); nhiều trường học đã triển khia dạy và học tiếng nói, chữ viết của một số dân tộc

Theo các nhà nghiên cứu, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc chính là cơ sở để chúng ta phân biệt dân tộc này với dân tộc khác; trong đó, tiếng nói, chữ viết là những yếu tố cơ bản nhất để làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc. Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang là vấn đề cần được các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành chức năng quan tâm hơn nữa, tránh tình trạng mất đi rồi mới cất công tìm lại, phục dựng.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 6 dân tộc tại chỗ là Xê Đăng, Ba Na, Ja Rai, Jẻ - Triêng, Brâu và Rơ Măm. Cả 6 dân tộc đều có tiếng nói, phong tục, tập quán mang đậm bản sắc riêng. Đặc biệt, các dân tộc này có một kho tàng văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú và đa dạng, trong đó có Sử thi. Không ít nhà nghiên cứu văn hóa đã rất bất ngờ khi phát hiện ở Kon Tum có một kho tàng sử thi đồ sộ, nằm ngoài dự đoán của giới khảo cứu. Tất nhiên, chúng tôi chỉ muốn đề cập khía cạnh vai trò của tiếng nói, chữ viết trong việc hình thành và gìn giữ các bộ sử thi.

Là giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, sử thi được truyền từ đời này sang đời khác, từ làng này sang làng nọ. Do được hình thành từ chính cuộc sống lao động đầy màu sắc và biến động xã hội mà sử thi có giá trị nhân văn rất cao, tính giáo dục cộng đồng sâu sắc bởi luôn hướng thiện, yêu quý cái tốt, căm ghét cái ác nên có sức sống bền bỉ với thời gian, hay nói cách khác, nội dung sử thi thường chú trọng đến việc giáo dục cộng đồng. Nhưng để hình thành và tồn tại đến ngày nay, lẽ tất nhiên, sử thi phải được truyền tải thông qua ngôn ngữ của mỗi dân tộc. Mỗi nghệ nhân hát kể sử thi đều thông qua ngôn ngữ của dân tộc mình để truyền tải tinh hoa cha ông đến với dân làng.

Một thực tế nữa, trong kho tàng sử thi đồ sộ mà chúng ta khảo cứu được trong dân gian, có không ít bộ được truyền miệng, nhưng cũng có nhiều bộ được truyền lại bằng chữ viết. Cũng có không ít bộ sử thi không còn trọn vẹn bởi chỉ được truyền khẩu chứ không được “văn bản hóa”. Do vậy, sẽ không ngoa khi nói rằng, bản sắc văn hóa, các giá trị văn hóa phi vật thể của một dân tộc chỉ có thể được gìn giữ, phát huy một cách tốt nhất thông qua ngôn ngữ và chữ viết.

Tuy nhiên hiện nay, tiếng nói, chữ viết của các DTTS trên địa bàn tỉnh đang ở trong tình trạng pha tạp, xa dần “gốc”, thu hẹp dần cả về địa bàn lẫn “vốn liếng”. Vì sao lại như vậy?

Có thể nói có 2 lý do chủ yếu. Thứ nhất, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc cũng còn hạn chế, chưa hoàn chỉnh, thiếu sự thống nhất ngay trong một dân tộc; đa phần còn dừng ở mức đơn sơ, mộc mạc, chưa đủ sức truyền tải những thông tin hiện đại. Thứ hai, cuộc sống ngày càng đi lên, thế hệ trẻ ngày nay nhanh chóng bắt nhịp với những điều mới, những giá trị mới, hiện đại hơn, đã không mấy mặn mà với văn hóa truyền thống; không còn tha thiết với những bài dân ca, những câu đố vui bằng tiếng của dân tộc mình nên khả năng nói tiếng mẹ đẻ và hiểu chữ viết dần một kém đi.

Không chỉ vậy, chính trong giao tiếp hàng ngày giữa người của một dân tộc cũng thường sử dụng tiếng pha trộn giữa tiếng dân tộc mình với tiếng phổ thông, thậm chí ngay trong hát kể sử thi, đôi khi nghệ nhân cũng chêm vào vài từ phổ thông (vay mượn) và đương nhiên được mọi người chấp nhận.

Những năm gần đây,Đài PT-TH Kon Tum có chương trình truyền hình, phát thanh tiếng địa phương; Báo Kon Tum cũng đã xuất bản ấn phẩm Báo ảnh bằng 3 thứ tiếng (phổ thông, Ba Na, Xê Đăng). Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của một số dân tộc cũng đã được triển khai ở một số trường học. Đây là những việc làm hay, góp phần giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc nên được đông đảo đồng bào DTTS đồng tình, ủng hộ.

Giờ học tiếng Ba Na ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Kon Rẫy). Ảnh: H.T 

Nhưng theo chúng tôi như vậy vẫn là chưa đủ, vì phần dịch thuật còn gượng ép, thiếu thống nhất về nghĩa của một số từ; nhiều từ còn được sử dụng dưới dạng phiên âm, thậm chí là giữ nguyên tiếng phổ thông mà không dịch sang tiếng dân tộc. Chính vì vậy mà mức độ phổ biến và hiệu quả của nó chưa được phát huy hết sức.

Như đã nói ở trên, chữ viết, tiếng nói của các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang đứng trước nguy cơ mai một. Để thực hiện tốt Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thiết nghĩ, cần sớm thành lập một Hội đồng nghiên cứu về ngôn ngữ các dân tộc tỉnh Kon Tum; mở rộng giảng dạy ngôn ngữ dân tộc tại chỗ trong nhà trường ở vùng DTTS; khuyến khích sử dụng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc trong các hoạt động văn hóa thông tin phục vụ đồng bào DTTS; đẩy mạnh công tác sưu tầm, biên soạn và phát hành các ấn phẩm giới thiệu giá trị văn hóa đặc sắc bằng song ngữ (tiếng phổ thông và tiếng dân tộc), đồng thời có thể dịch những tác phẩm hay, có nội dung phù hợp từ tiếng phổ thông sang tiếng dân tộc tại chỗ… 

                                                                             A Jar

Chuyên mục khác