Khởi sắc du lịch Kon Plông

09/07/2018 07:03

Ngày 4/12/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1237/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, phát triển du lịch của huyện đã dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...

Ông Đặng Thanh Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Xác định Kon Plông là một trong ba vùng động lực của tỉnh chuyên phát triển về du lịch sinh thái gắn với du lịch nông nghiệp công nghệ cao, trong nhiều năm qua, UBND huyện đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch phục vụ thị trường khách du lịch trong và ngoài nước. Trong đó, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng chủ yếu phát triển loại hình du lịch tham quan, dã ngoại như: thác Pa Sỹ, hồ Đăk Ke, du lịch nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen, Làng Văn hóa cộng đồng Kon Bring…

Đối với du lịch văn hóa, UBND huyện đã triển khai đầu tư tôn tạo, phục dựng và khai thác giá trị các khu di tích lịch sử cách mạng gắn với các danh lam thắng cảnh Măng Đen để phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, lựa chọn một số lễ hội đặc trưng nhằm quảng bá, tạo thương hiệu cho Măng Đen, Kon Plông như: Tuần lễ Văn hóa - Du lịch hàng năm, Lễ hội đường phố biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại các điểm, các khu du lịch của huyện để quảng bá, giới thiệu nhằm thu hút du khách đến với Kon Plông.

Hồ Đăk Ke, Măng Đen. Ảnh: N.H

 

Từ năm 2016 đến tháng 5/2018, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, UBND huyện đã đầu tư hạ tầng du lịch với tổng nguồn vốn lên đến 120.050,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện đã thu hút được 25 dự án đầu tư phát triển du lịch với tổng diện tích 2.064,8ha, có tổng vốn đăng ký đầu tư 6.632,298 tỷ đồng.

Nhờ đó, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng được quan tâm đầu tư. Hạ tầng du lịch đã cơ bản hoàn thiện và đưa vào hoạt động. Trong đó bao gồm: Dự án đầu tư khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Hoàng Vũ Măng Đen, khu liên hợp khách sạn và nhà hàng của Công ty TNHH MTV Tất Thành, Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ, Dự án tôn tạo khu vực tượng Đức Mẹ, chùa Khánh Lâm, tổ hợp nhà hàng và khách sạn của Tập đoàn Sài Gòn Măng Đen, các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp và dược liệu dưới tán rừng…

Ngoài ra, các loại hình du lịch thương mại, du lịch ẩm thực đang từng bước định hình. Trên địa bàn huyện hiện đã có các sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách như: Măng nứa Kon Plông, tiêu rừng Măng Đen, sơn tra khô, cốt toái bổ khô, sâm dây, gạo lứt Măng Bút, quả chuối rừng Măng Đen, rượu gạo đỏ Măng Đen… Hiện nay, UBND huyện đã đăng ký Cục Sở hữu trí tuệ 22 nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm đặc trưng của huyện và sẽ hoàn thành trong tháng 8/2018 này.

Đặc biệt, đến nay, toàn huyện đã có 15 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, trong đó có 163 phòng đảm bảo nhu cầu cho khách lưu trú, nghỉ dưỡng. Tính từ năm 2016 đến tháng 5/2018, Khu Du lịch sinh thái Măng Đen đã đón khoảng 275.320 lượt khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng, trong đó 264.305 lượt khách nội địa và 11.015 lượt khách nước ngoài, với tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch trên 73,136 tỷ đồng.

Hiện nay, các công ty du lịch của một số tỉnh đã có trụ sở tại huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối với các tour tuyến đón khách tham quan, du lịch dễ dàng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch huyện nhà.

Ông Đặng Thanh Nam khẳng định: Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện, thu hút khách du lịch đến với Măng Đen ngày càng nhiều.

Tuy còn nhiều khó khăn trong công tác đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện, trong tương lai không xa, Kon Plông chắc chắn sẽ là điểm đến du lịch lý tưởng của du khách.

Vĩnh Hà

Chuyên mục khác