Hiệu quả từ mô hình di sản kết nối phát triển cộng đồng các DTTS

07/01/2025 06:10

Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) vừa phối hợp với Sở VH,TT&DL tỉnh Kon Tum và Sở VH,TT&DL tỉnh Gia Lai tổ chức Lớp tập huấn “Nghệ thuật chế tác và tập quán sử dụng nhạc cụ tre nứa người Xơ Đăng và Gia Rai” trong hành trình du lịch Gia Lai- Kon Tum. Lớp tập huấn nằm trong khuôn khổ mô hình “Di sản kết nối gắn với hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng” thuộc Dự án 6 (Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2025).

Tại tỉnh Kon Tum, lớp học diễn ra sôi nổi tại khuôn viên Nhà rông văn hóa huyện Đăk Tô (thị trấn Đăk Tô), với 32 học viên là các nghệ nhân Xơ Đăng tiêu biểu trên địa bàn huyện.

Ông A Veng- học viên lớp học (ở thôn Kon Đào, xã Kon Đào) chia sẻ: Tôi thực hành đánh cồng chiêng thành thạo, nhưng với các nhạc cụ truyền thống thì tôi chỉ biết chút ít về đàn K’lông Put nên chưa tự tin biểu diễn tại các lễ hội. Khi tham gia lớp học này, tôi được dạy những nguyên tắc chung cho các loại nhạc cụ bằng tre nứa. Từ đó, tôi có thể tự nghiên cứu, mày mò để sáng tạo. Được hiểu thêm về âm nhạc truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc mình nên tôi cảm thấy rất vui và tự hào.

Nghệ nhân A Huyền (khối 3, thị trấn Đăk Tô) là một trong những nghệ nhân trẻ có tiếng trong vùng am hiểu chế tác và chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống Xơ Đăng. Tham gia lớp học, anh được chọn là người “trợ giảng” cho các thầy, trực tiếp truyền đạt và hướng dẫn lại các học viên tại lớp kiến thức anh học được từ các thầy và cả những kinh nghiệm của bản thân anh.

Nghệ nhân biểu diễn, giao lưu các kỹ năng về nhạc cụ truyền thống được học qua lớp tập huấn. Ảnh: HT

 

Nghệ nhân A Huyền cho biết: Mỗi học viên tại lớp đều là người rất yêu quý nhạc cụ truyền thống, với tình yêu sẵn có trong người nên mọi người tiếp thu kiến thức rất nhanh. Lớp học đặc biệt hơn khi chúng tôi được tiếp cận với kỹ thuật “photovoice”- cộng đồng tự kể các câu chuyện văn hóa của chính mình để diễn giải, giới thiệu các sản phẩm văn hóa truyền thống qua kỹ thuật tự quay phim, chụp ảnh, ghi âm các hoạt động. Đây là kiến thức mới và rất bổ ích; bởi nhờ đó, sau này chúng tôi biết tự quảng bá nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình trên mạng xã hội, internet để thu hút khách du lịch đến với địa phương và giao lưu với cộng đồng các dân tộc khác.

Sau thời gian triển khai, Lớp tập huấn “Nghệ thuật chế tác và tập quán sử dụng nhạc cụ tre nứa người Xơ Đăng và Gia Rai” trong hành trình du lịch Gia Lai- Kon Tum kết thúc thành công tốt đẹp.

Cuối tháng 12/2024, Ban tổ chức lớp học tổ chức bế mạc và nghiệm thu lớp học tại tỉnh Kon Tum với sự góp mặt của nhiều học viên tại tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai. Tại đây, cộng đồng các nghệ nhân có thêm “sân chơi” bổ ích để giao lưu, gặp gỡ, tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó và hỗ trợ nhau trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị bản sắc truyền thống. 

Đông đảo khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm các loại nhạc cụ tre nứa tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: H.T

 

Tham gia trưng bày, trình diễn các kiến thức, kỹ năng học được về nhạc cụ tre nứa của dân tộc Gia Rai của mình tại buổi nghiệm thu, nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Tih (50 tuổi, trú làng Jút, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) có những chia sẻ đầy xúc động: Với nhịp sống hiện đại, thế hệ trẻ tại các thôn, làng đồng bào DTTS ít quan tâm tới văn hóa truyền thống. Vì vậy, lớp học này góp phần vào việc làm cho nhiều nghệ nhân trẻ Gia Rai ý thức và yêu quý hơn các nhạc cụ của dân tộc. Chúng tôi cũng được hướng dẫn cách quay phim, chụp ảnh để giới thiệu nhạc cụ tre nứa với mọi người; vì lâu nay chúng tôi không biết làm điều ấy để quảng bá văn hóa.

Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, lớp tập huấn không chỉ trang bị những kiến thức, kỹ năng để phát huy các giá trị di sản truyền thống, mà còn giúp cộng đồng các dân tộc có di sản tương đồng cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng trong thực hành, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Thành công của lớp học sẽ tạo sự lan tỏa, mở rộng tới các di sản của những dân tộc khác, xây dựng thêm nhiều mô hình di sản kết nối hiệu quả trong tương lai.

Hoàng Thanh    

Chuyên mục khác