Hai thế hệ cùng gìn giữ sử thi

27/01/2023 06:37

Ở làng Kon Klor 2, xã Đăk Rơ War (thành phố Kon Tum), trong một gia đình có hai bố con cùng gìn giữ một phần kho tàng sử thi Ba Na. Người bố là già A Lưu năm nay 79 tuổi, có tới hơn 70 năm hát kể sử thi. Nối tiếp cha, cô con gái Y Len năm nay 49 tuổi, có hơn 30 năm hát kể sử thi. Bố con già A Lưu là niềm tự hào của dân làng Kon Klor 2 trong nỗ lực gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc và quý giá này.

Sớm được đắm mình trong không gian sinh hoạt văn hóa của gia đình (là con trai của một phụ nữ hát kể sử thi của làng) cộng với sự thông minh, giỏi ghi nhớ và lòng yêu quý những câu chuyện cổ, những áng sử thi hào hùng... đã khiến cho già A Lưu từ sớm đã tích luỹ được vốn liếng sử thi ít người sánh kịp.

Già kể, ngày trước mỗi khi h’mon (tiếng Ba Na nghĩa là hát kể sử thi), lúc nào mẹ già cũng gọi cả 8 anh em đến để nghe. Nhưng trong số 8 anh em thì chỉ có duy nhất A Lưu có thể học theo ghi nhớ những áng sử thi mà mẹ kể kéo dài cả ngày cả đêm. Ngồi nghe, già cảm thấy say mê, vui buồn theo từng nhân vật, từng chi tiết trong chuyện kể. Những câu chuyện, lối hát kể của mẹ thấm dần lúc nào chẳng biết, đến năm 1953, khi lên 10 tuổi, già đã kể được câu chuyện “Giông giết sư tử cứu làng Set” cho anh em, họ hàng nghe và đến năm 11,12 tuổi đã có thể thay mẹ kể cho dân làng nghe nhiều tác phẩm khác trong bộ sử thi liên hoàn Dăm Giông.

Già A Lưu hát kể sử thi cho con cháu nghe. Ảnh: VP

 

Học hỏi dần từ mẹ, nghệ nhân A Lưu đã hát kể được hơn 100 sử thi của người Ba Na về Dăm Giông. Vào các dịp lễ hội, các đám cưới, đám tang hay những lúc rảnh rỗi, già A Lưu lại hát kể cho bà con trong làng cùng nghe.  Khi hát kể già kết hợp nhiều yếu tố vừa hát, kể, đối thoại, vừa làm điệu bộ theo kiểu diễn xướng sân khấu, trong đó, hát kể đóng vai trò chính nên rất lôi cuốn người nghe. Bà con trong làng say mê nghe già kể về chàng Giông, một chàng trai Ba Na có gương mặt đẹp, tính tình hiền lành, khí phách, dũng cảm, làm việc siêng năng và luôn hành động vì lẽ phải, vì bà con dân làng. Ai cũng bùi ngùi xúc động cảm thương 2 anh em “Giông, Giỡ mồ côi từ nhỏ”, “Cọp bắt cóc Giông từ thuở bé” rồi lại hân hoan cùng niềm vui chiến thắng của Giông trong “Giông cứu đói dân làng mọi nơi”, “Giông đạp đổ núi đá cao ngất”, “Giông giết sư tử cứu làng Set”…

Dân làng vốn rất say mê nghe già A Lưu hát kể sử thi nhưng số người  hát kể được như già lại rất hiếm hoi. Già A Lưu chia sẻ, không phải cứ thuộc sử thi là hát kể được sử thi mà để kể được và thu hút người nghe còn phải kết hợp cả giọng điệu, ánh mắt, cách bộc lộ tình cảm theo từng nhân vật, từng phân đoạn.

Cũng giống như mẹ già, mỗi lần già hát kể sử thi đều gọi cả 7 người con lại lắng nghe với mong muốn sẽ có người nối tiếp. Nhưng rồi trong 7 người con thì chỉ có mỗi cô con gái thứ 5 là Y Len học theo kể được, mặc dù số lượng không nhiều.

Chị Y Len bộc bạch, được lắng nghe cha mình diễn xướng sử thi trong các dịp lễ hội, những lúc cả gia đình đang đi làm rẫy, hay những tối cả nhà rảnh rỗi, chị ghi nhớ và ngâm nga theo. Dần dà những câu chuyện về chàng Giông thấm dần trong chị lúc nào chẳng biết. Đến năm hơn 11 tuổi, đã có thể kể được sử thi đầu tiên. Dần học hỏi theo cha, đến nay chị kể được gần 20 sử thi trong bộ sử thi liên hoàn Dăm Giông của người Ba Na.

Học hỏi từ cha, giọng kể của Y Len cũng truyền cảm, sâu lắng, cuốn hút người nghe. Khi hát kể sử thi, gương mặt, chất giọng, ánh mắt của Y Len cũng biểu hiện sinh động trạng thái, tính cách của nhân vật, diễn biến của chuyện kể. Lúc nào con gái hát kể già A Lưu đều ngồi bên chăm chú lắng nghe. Chỗ nào con gái kể chưa lưu loát, ánh mắt, điệu bộ, giọng kể chưa phù hợp với nhân vật thì già đều góp ý, rồi hát kể lại những đoạn đó để con gái lưu ý học hỏi theo.

Chị Y Len ngồi hát kể sử thi cho con gái mình. Ảnh: VP

 

Chị Y Len kể: Cũng nhờ thuộc sử thi, hát kể được sử thi mà chị hiểu về đời sống của lớp cha ông, những kinh nghiệm sống, phong tục tập quán, những nét đẹp văn hóa của dân tộc được  lưu truyền qua nhiều thế hệ và đang được chị, con chị hôm nay gìn giữ, phát huy.  “Tất cả các sử thi mà chị nghe cha kể và chị thuộc, kể được đều có nhân vật chính là Giông. Đây là chàng trai đẹp, tài giỏi,  tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh. Có lẽ qua những chuyện kể đó người Ba Na xưa muốn gửi gắm cho thế hệ sau phải biết ăn ở hiền lành, nhân hậu, dân làng phải biết đoàn kết yêu thương nhau, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn”- chị Y Len bộc bạch.

Già A Lưu hát kể được hơn 100 sử thi, con gái Y Len hát kể được gần 20 sử thi nhưng đến các con của chị Y Len và cả con của những người anh chị em khác của chị không ai có thể thuộc và hát kể được sử thi nào. Theo chị Y Len, bây giờ ti vi, điện thoại có đủ các thể loại từ phim đến nhạc với những hình ảnh rực rỡ, sinh động nên lớp con cháu ít mặn mà với những câu chuyện sử thi. Chúng mê xem phim, xem ca nhạc hơn, còn hình thức diễn xướng sử thi như là chuyện riêng của những người lớn tuổi. Ít người ham mê như trước nên thành ra chị cũng ít kể, ít ghi nhớ nên cũng không thuộc nhiều bằng cha, cách thể hiện cũng không lôi cuốn bằng cha.

Già A Lưu trọn một đời tâm huyết với Dăm Giông nên khi các con, các cháu không mặn mà với hát kể sử thi thì cảm thấy buồn lắm. Để đỡ nhớ thỉnh thoảng già lại hát kể một mình. Nhà chị Y Len ở cách nhà già một quãng, mỗi khi gặp nhau, hai cha con lại cùng h’mon những sử thi chị thuộc. Dẫu tai không còn nghe rõ nhưng già vẫn tích cực góp ý điệu bộ, cử chỉ cho con gái, vẫn muốn con gái học hỏi để hát kể được nhiều sử thi hơn.

Nhưng như chị Y Len tâm sự thì vì con cháu cũng ít mặn mà nên chị cũng ít đi động lực học hỏi. Cha chị - kho sử thi của người Ba Na thì ngày càng già yếu, tai không còn nghe rõ như xưa.

Cũng may là trong khuôn khổ Dự án điều tra, sưu tầm, bảo quản và biên dịch, xuất bản khi tàng sử thi Tây Nguyên, các cán bộ của Viện Khoa học xã hội  đã ở lại nhà già hàng tháng trời để nghe, ghi âm hát kể. Từ năm 2004-2007, trong hơn 100 tác phẩm sử thi già A Lưu hát kể, đã có 22 tác phẩm được Nhà xuất bản Khoa học xã hội biên dịch thành sách song ngữ Kinh- Ba Na trong Bộ Kho tàng sử thi Tây Nguyên gồm 75 tác phẩm. Đến năm 2017, trong khuôn khổ Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam”, các cán bộ của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã tiếp tục đến tận nhà ghi âm, ghi hình già diễn xướng sử thi “Giông đội lốt xấu xí” với thời lượng 459 phút. Sử thi này tiếp tục được ông A Jar (ở làng Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) gỡ băng, biên dịch và được ông Nguyễn Tiến Dũng biên tập, hiệu đính văn học, sách đã được xuất bản vào năm 2018 bằng hai thứ tiếng Kinh-Ba Na.

Nói về hai cha con ông A Lưu, ông A Jar – người đã dịch hơn 20 sử thi Ba Na cho rằng, đến tận bây giờ không có gia đình người Ba Na nào có được 2 thế hệ biết hát kể sử thi như gia đình ông A Lưu. Dù cô con gái thuộc còn ít tác phẩm nhưng với việc các sử thi đã được ghi âm, biên dịch thì đây là cơ sở để cô có thể học hỏi, rèn luyện thêm. Bản thân ông A Lưu từ năm 2006 đã được công nhận Nghệ nhân dân gian và năm 2019, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Giá trị sử thi không chỉ được thể hiện qua nội dung mà còn qua việc diễn xướng, qua lối kể có vần điệu, thể hiện biểu cảm, khi kể lể, khi ngân nga. Trong khi đó lớp cháu con của già A Lưu, của chị Y Len chưa có ai tiếp nối được truyền thống của gia đình để có thể diễn xướng cho mọi người cùng nghe. Để gìn giữ sử thi, để Dăm Giông thấm vào lớp trẻ, chị Y Len tâm sự sẽ cố gắng học hỏi thêm từ cha và tranh thủ những lúc rảnh rỗi kể cho con cháu nghe. Mong sao có cháu nào đó cũng từ say mê mà học theo, gìn giữ nét đẹp văn hóa người Ba Na./.

Văn Phương

Chuyên mục khác