Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng

20/11/2022 10:51

Với chủ đề “Âm vang đại ngàn”, Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất, năm 2022 diễn ra từ 16-18/11 đã khép lại và thành công tốt đẹp. Được dàn dựng hoành tráng và tập luyện công phu, các tiết mục tham gia Hội thi như một “Bản hòa ca giữa đại ngàn” để lại ấn tượng và thỏa lòng mong đợi của người xem và du khách.
Các nghi lễ, lễ hội được các nghệ nhân tái hiện sinh động tại Hội thi. Ảnh: HT

 

Nhiều tiết mục hay mãn nhãn

Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất, năm 2022 có gần 30 đội với hơn 600 nghệ nhân tham gia. Các tiết mục kết hợp với diễn tấu cồng chiêng được các đoàn thể hiện sinh động, độc đáo, ấn tượng như hát dân ca, tái hiện lễ hội truyền thống, chỉnh chiêng... qua đó, tăng tình đoàn kết và giao lưu giữa các đội. Đến với Hội thi, các nghệ nhân mang một tâm trạng vui tươi, phấn khởi, tham gia với tinh thần giao lưu, học hỏi nên đã phô diễn hết khả năng để “thăng hoa cảm xúc” trong từng tiết mục, mang đến cho Ban giám khảo cùng người xem những màn thi mãn nhãn, độc đáo, ấn tượng.

Các nghệ nhân thi chỉnh âm cồng chiêng. Ảnh: ĐT

 

Thi đấu các môn thể thao truyền thống để tăng tình đoàn kết, giao lưu tại Hội thi. Ảnh: HT

 

Cũng trong khuôn khổ Hội thi, Ban tổ chức còn tổ chức thi đấu các môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh như bắn nỏ, bắn ná, đẩy gậy, cà kheo, kéo co... với trên 300 vận động viên tham gia.

Đánh giá về Hội thi, ông Nguyễn Văn Bình- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Các đội nghệ nhân đã mang đến Hội thi những phần trình diễn vô cùng đa dạng, đặc sắc và đầy cuốn hút. Đó là những tiết mục hát dân ca, hát giao duyên; là những nghi lễ được tái hiện chân thực; là màn hòa tấu nhạc cụ đầy sắc màu và trên hết là những tiếng cồng, tiếng chiêng lúc rộn rã, lúc trầm hùng đã đưa người xem trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Các đơn vị cũng đã có sự đầu tư về đạo cụ, tập luyện nghiêm túc các nội dung tham gia, qua đó góp phần cho Hội thi thành công tốt đẹp, tạo môi trường giao lưu và có sức lan tỏa, qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa cồng chiêng.  

Cũng theo ông Nguyễn Văn Bình, điểm nhấn của Hội thi lần này là sự hội tụ đầy đủ của các loại hình văn nghệ dân gian, di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Lần đầu tiên, người dân Kon Tum cũng như du khách được thưởng thức mãn nhãn, đầy đủ nhất những nét đặc sắc, tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc như Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm, Hrê... Thành công của Hội thi còn khẳng định được vai trò to lớn, nỗ lực của Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân của tỉnh nhà trong việc bảo tồn “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” - Di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng dân cư các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng.

Trao giải, vinh danh các nghệ nhân tại Hội thi. Ảnh: HT

 

Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức Hội thi khen thưởng cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc tại Hội thi, bao gồm: 10 Giải toàn đoàn; 19 giải chương trình; 3 giải chuyên đề cùng 41 giấy chứng nhận khác cho các nghệ nhân có thành tích xuất sắc

Ban Tổ chức, Ban Giám khảo tại Hội thi đã làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, khách quan và đầy tâm huyết. Ảnh: ĐT

 

Theo ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Hội thi đánh giá: Để có được những kết quả trên, Ban Tổ chức, Hội đồng giám khảo Hội thi đã làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, khách quan và đầy tâm huyết. Hội thi lần đầu tiên được tổ chức ở quy mô các cấp đã phản ánh chân thực trực trạng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trên địa bàn tỉnh, trong đó văn hóa cồng chiêng được xem như trụ cột của các loại hình. Qua Hội thi, có thể thấy rằng nhiều bộ cồng chiêng quý đã được cộng đồng các dân tộc lưu giữ, số lượng bộ cồng chiêng không ngừng được nâng lên, đội nghệ nhân tại các thôn làng liên tục được nhân rộng, hoạt động văn hóa văn nghệ được tổ chức thường xuyên tạo điều kiện giao lưu, tập luyện... Điều đó cho thấy, giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó có cồng chiêng, múa xoang đang được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ. Tỉnh Kon Tum đã và đang thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ di sản không gian văn hóa cồng chiêng khi được UNESCO vinh danh.

Nỗ lực bảo tồn

Ngay tại Lễ Khai mạc Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất, năm 2022, đồng chí Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi khẳng định: Sau gần 20 năm từ khi văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO chính thức công nhận từ 25/11/2005, niềm tự hào về văn hóa cồng chiêng trong mỗi cộng đồng dân tộc khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng vẫn còn nguyên vẹn và đậm đà bản sắc. Hàng loạt các hoạt động thiết thực của tỉnh nhà, các cấp chính quyền và đặc biệt là sự nhiệt huyết của chính các nghệ nhân đã giúp cồng chiêng xuất hiện trong tất cả các hoạt động văn hóa - chính trị của tỉnh, trở thành một “đặc sản” không thể thiếu trong hành trình khám phá, trải nghiệm văn hóa du lịch của tỉnh nhà.

Trong những năm qua, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng luôn được quan tâm, chú trọng; các cấp, các ngành đã triển khai hiệu quả Đề án bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum; cồng chiêng gìn giữ, lưu truyền và sử dụng nhiều trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống của bà con DTTS...

Đến nay, đã có 2.500 bộ cồng chiêng được các DTTS trên địa bàn tỉnh bảo tồn, lưu giữ; hàng trăm lớp truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng được tổ chức với sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của cộng đồng các DTTS; nhiều bài chiêng cổ được ký âm, lưu giữ trọn vẹn... Di sản văn hóa hay nói cụ thể hơn là di sản không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc tỉnh Kon Tum đã góp phần tạo nên “sức mạnh mềm”, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bình, Hội thi cũng cho chúng ta nhìn nhận lại một số thực trạng, trong đó điều Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo băn khoăn nhất là đội ngũ những nghệ nhân có kỹ thuật, kỹ năng chỉnh chiêng ngày càng ít đi, những bộ cồng chiêng “cải tiến” hiện đại ngày càng phổ biến, nguy cơ mai một những thang âm cổ truyền là điều có thể diễn ra...

Vì vậy, để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng cần sự chung tay, vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ngành, địa phương; trong đó, cần đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian – là những “chủ thể” chính trong việc giữ gìn, phát huy những tinh hoa văn hóa cồng chiêng.

Hội thi mang đến nhiều tiết mục đặc sắc, ấn tượng. Ảnh: HT

 

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết: Ngay sau khi Hội thi kết thúc, chúng ta sẽ tiếp tục triển khai những bước đi mạnh mẽ, vững chắc hơn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh. Việc làm này cần một chương trình chi tiết, lộ trình rõ ràng và có sự chung tay của các cấp chính quyền, toàn thể nhân dân, nghệ nhân. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản chưa bao giờ là dễ dàng, nhanh chóng mà cần sự bền bỉ, đồng lòng của tất cả nghệ nhân – những chủ nhân văn hóa. Sự chủ động, tình yêu, tâm huyết với cội nguồn văn hóa truyền thống chính là ngọn đuốc cho sức sống bền vững của di sản không gian văn hóa cồng chiêng.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác