Giữ mãi tình yêu với đá

11/11/2022 13:05

Say mê vẻ đẹp của đá, suốt 20 năm qua, anh Nguyễn Tùng (42 tuổi, ở số nhà 512 đường Hùng Vương, thành phố Kon Tum) rong ruổi khắp các bờ sông, suối lớn, nhỏ để tìm kiếm lưu giữ và chế tác tạo lên những tác phẩm nghệ thuật từ đá tự nhiên. Giờ đây anh Tùng đã là chủ nhân của hàng ngàn mẫu đá đặc sắc. Với anh, mỗi mẫu đá đều mang một ý nghĩa, câu chuyện riêng.
Một góc chứa đầy các mẫu đá tự nhiên. Ảnh: TH

 

Suốt hơn 20 năm qua, hễ có thời gian là anh Tùng lội khắp các con sông, con suối trên địa bàn tỉnh để tìm những hòn đá ưng ý mang về tạo nên tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Thậm chí, anh Tùng bỏ công việc sửa chữa loa đài với mức thu nhập ổn định để lặn lội ngày đêm chỉ vì niềm đam mê.

Mỗi chuyến đi của anh Tùng thường kéo dài từ 1-3 ngày, thành quả mang về là những mẫu đá với đủ hình hài, biểu cảm đặc sắc. Có những mẫu nặng từ 5-10kg, có những mẫu lên tới 70-100kg.

Anh Tùng cho biết: Ở đây, mỗi mẫu đều là phiên bản duy nhất, sẽ chẳng có mẫu nào giống nhau. Trong mắt người này nó sẽ là một viên đá bình thường, nhưng trong mắt người khác nó lại là vật tạo nhiều liên tưởng thú vị và để cảm được nó, cần có thời gian.

“Việc tìm kiếm đã rất vất vả nhưng việc mang về cũng là cả một quá trình gian nan. Tuy nhiên, vì niềm đam mê và yêu thích vẻ đẹp của đá nên tôi không quản ngại khó khăn, vất vả. Thông qua việc tìm kiếm, chế tác những tác phẩm nghệ thuật từ đá, tôi muốn lưu giữ để đưa cái đẹp của đá đến gần hơn với mọi người”- anh Tùng tâm sự.

Đá cần được lau chùi để màu sắc hiện lên nổi bật hơn. Ảnh: TH

 

Tiêu chuẩn để lựa chọn phải là hòn đá cứng, không sứt mẻ, hoàn toàn tự nhiên và không qua tác động của con người đúng với nghĩa “nước chảy đá mòn”. Sau khi đem về, đá sẽ được lau sạch bằng nước sau đó đặt trên đế được làm từ gỗ đã qua chạm khắc mà không cần đến chất kết dính. Đặc biệt, để giữ cho lớp vỏ bên ngoài của đá không bị mất màu, bong tróc, hàng tuần anh Tùng tưới nước cho đá từ 1-2 lần.

Hiện tại anh Tùng đang sở hữu hàng nghìn mẫu với đa dạng hình thù, màu sắc. Lâu dần, căn nhà rộng khoảng 180m2 của anh đã chật cứng những mẫu đá với vô số chủng loại khác nhau, như đá cuội, thạch anh, bazan. Trong đó, anh phân chia ra làm hai bộ sưu tập chính với hơn 600 mẫu đá mặt và 500 mẫu đá lỗ.

Anh Tùng cho biết, mẫu đá mặt có giá trị về biểu cảm như mặt cười vui, giận dỗi, hung dữ, hiền lành. Thậm chí nhiều mẫu sở hữu hoa văn tự nhiên có hình của đôi mắt, mũi, miệng, mái tóc, bộ râu, váy, áo như hình thể của một con người. Còn những mẫu đá lỗ lại mang giá trị về thời gian. Để hình thành nên những lỗ lớn, bé, hòn đá phải chịu sự bào mòn của dòng nước. Phải mất hàng chục, hàng trăm năm, dòng nước mới có thể xuyên qua và tạo nên hình dáng như vậy.

Để kho đá thêm phong phú, từ hòn đá vô tri vô giác, anh Tùng đã chế tác, sáng tạo lên trên mặt đá như một tác phẩm nghệ thuật, làm cho phiến đá có hồn hơn. Để làm được điều đó, anh Tùng đã phải kì công, tỉ mỉ làm cả ngày lẫn đêm trong nhiều ngày liên tục mới có thể hoàn thành. Anh khắc, vẽ lên phiến đá đủ các hình hài mà anh thích như tượng Phật, nhân vật viễn tưởng, con vật. Tất cả đều được chạm trổ rất tỉ mỉ, công phu.

 “Có những hôm mình ngồi chế tác, điêu khắc trên đá mà quên cả ngày đêm. Có lúc giật mình, mới nhớ ra là buổi trưa chưa ăn gì. Làm thì mệt thật, nhưng làm xong thấy thành quả thì thích lắm, mê lắm” – anh Tùng vui vẻ nói, và cho biết thêm, tương lai sẽ xây dựng phòng trưng bày tại Kon Tum để đưa vẻ đẹp của đá đến gần hơn với mọi người.

Theo anh Tùng, nhờ đam mê với đá, hiện tại ngoài am hiểu về giá trị, nguồn gốc của đá, anh còn tích lũy cho mình kiến thức về mảnh đất, con người ở những nơi anh từng đặt chân đến.

Bà Phan Thị Thu Hà – Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin thành phố Kon Tum cho biết, hoạt động sưu tầm chế tác đá của ông Nguyễn Tùng là một hình thức nghệ thuật góp phần làm cho văn hóa địa phương thêm phong phú. Có cơ hội, địa phương sẽ giới thiệu để các sản phẩm của ông đến đông đảo người dân.      

Thu Hiền

Chuyên mục khác