Giữ hồn nhà rông truyền thống

24/08/2015 08:45

Dù là nhà rông của làng Plei Đôn nhưng ông A Wer làm tỉ mỉ, tẩn mẩn như chính nhà rông của làng mình. Ròng rã 2 tháng, ngày nào cũng vậy, tờ mờ sáng ông A Wer đã có mặt, bắt tay vào vừa làm vừa hướng dẫn làm với tất cả đam mê và trách nhiệm..

“Ròng rã 2 tháng, ngày nào ông A Wer cũng có mặt từ sớm, vừa làm vừa hướng dẫn dân làng mình làm nhà rông với tất cả đam mê và trách nhiệm. Nhờ sự giúp sức nhiệt tình của ông A Wer, làng mình mới có được ngôi nhà rông truyền thống chắc chắn, đẹp, vững chãi như thế này” - Chỉ về phía ngôi nhà rông với mái tranh cao vút, nằm sừng sững, uy nghi giữa làng, ông A Thấy – cán bộ mặt trận làng Plei Đôn (Phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) kể về ông A Wer, ở làng Kon Rờ Bàng (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) - người đã đồng hành, giúp dân làng ông làm nên ngôi nhà rông truyền thống.

Ông A Wer (bên phải) hướng dẫn cách làm nhà rông. Ảnh: H.T

 

Nhìn lên mái nhà rông với những họa tiết, hoa văn đặc sắc, ông A Thấy nở nụ cười mãn nguyện: Xây dựng nhà rông là tâm huyết của bà con mình. Từ khi có nhà rông, bà con mình vui mừng, phấn khởi lắm. Chào cờ cho đến các lễ hội đều được tổ chức tại đây.

Không chỉ đẹp, bước vào trong nhà rông, một làn gió thoáng qua làm mát dịu, xua tan cái nắng nóng hừng hực như thiêu như đốt. Nhìn thẳng lên mái nhà rông mới thấy được sự cầu kì, kiên cố. “Nhìn vậy chứ không gian chứa được vài trăm người đấy. Trời nóng cứ vào đây là mát rượi chứ không như nhà rông trước đây đâu” – ông A Thấy cho biết.

Trước đây, làng Plei Đôn cũng có một nhà rông truyền thống, tuy nhiên đã bị “bà hỏa” ghé thăm và thiêu rụi. Vì là thiết chế văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần nên ngay sau đó bà con trong làng cùng nhau xây dựng lại một ngôi nhà rông khác. Dù trong làng có người đã từng đi nhiều nơi, thấy nhiều nhà rông nhưng lại không biết cách làm, nên đã dựng lên một ngôi nhà rông mang dáng dấp và “hồn” của một ngôi nhà sàn. “Nói là nhà rông nhưng thực chất đó là nhà sàn, thấp tè tè, mái lợp ngói, vách cũng không phải bằng tre nứa, bà con mình phải sử dụng nhưng không ưng cái bụng đâu” – ông A Thấy bộc bạch.

Sau nhiều năm sử dụng, năm 2003, nhận thấy nhà rông nhưng lại không mang hồn của nhà rông nên dân làng đã bàn nhau sẽ xây dựng lại một nhà rông đúng nghĩa của người Ba Na. Được sự thống nhất cao, vậy là già trẻ, gái trai mỗi người một việc, lặn lội đi kéo gỗ, tìm tranh, chặt tre, nứa. Khi nguyên liệu đã sẵn sàng, cả làng tụ họp lại tìm cách vẫn không biết phải bắt tay làm như thế nào, dựng cột ra sao, bện tranh như thế nào. “Chúng tôi muốn lần này phải làm thật tốt và nhà rông phải đúng kiểu cách, phải mang hồn của người Ba Na chứ không được lẫn của dân tộc khác. Nhưng điều khó là không ai biết làm. Lúc đấy, tôi sực nhớ đến ông A Wer ở làng Kon Rờ Bàng, biết ông Wer rất am hiểu cũng như đã từng đi làm mô hình nhà rông tại nhiều nơi rồi nên tôi và thôn trưởng thời ấy là A Duk đến nhờ ông Wer chỉ cho cách làm” – ông A Thấy nhớ lại.

Với sự hiểu biết cũng như luôn muốn giữ hồn truyền thống, ngay khi được nhờ, ông A Wer liền đồng ý và nhiệt tình giúp đỡ. “Lúc họ đến cũng là lúc tôi và đoàn mới đi làm nhà rông ngoài Hà Nội (Ông A Wer là một trong số ít nghệ nhân của Tây Nguyên được cử ra Hà Nội tham gia vào việc dựng nhà Rông cho Bảo tàng dân tộc học – PV) về. Thấy bà con muốn giữ nhà rông truyền thống là vui rồi nên dù cũng bận bịu công việc nhưng mình gác lại để giúp làng Plei Đôn làm nhà rông”- ông Wer tâm sự.

Vì làm nhà rông không đơn giản nên bên cạnh hướng dẫn sơ lược ban đầu bằng lời nói, hình vẽ, ông A Wer còn xuống tận nơi, vừa làm vừa hướng dẫn mọi người cùng thực hiện. Được biết, lúc xuống, nhìn thấy những trụ gỗ đã được đục không đúng, ông đã bảo mọi người phải làm lại, đục lại cho đúng kiểu cách. “Thà không làm chứ đã làm thì phải đúng hồn nhà rông. Nhiều nhà rông nhìn thì đẹp nhưng không đúng, nhà rông Ba Na chỉ có 8 cột chính và 3 gian, mái càng cao càng tốt, đâm chọc lên trời thể hiện sự phát triển phồn thịnh, ăn nên, làm ra”- ông A Wer cho biết.

Khi ấy, ông A Wer tỉ mỉ chọn và đo từng cây cột. Ông cho biết, thông thường cột nhà rông Ba Na dài khoảng 1,5m đến 2m (tính từ mặt sàn đến mặt đất). Vừa làm, ông A Wer vừa hướng dẫn mọi người cùng liên kết các cây cột với nhau theo thể thức cột vì kèo. Ông cho biết, cột, vì kèo phải chính xác, vì kèo phải được xếp khéo léo cùng với dây mây buộc chéo từng nút, thành hình hoa văn như tia sáng mặt trời, riêng phần thân nhà rông dài ít nhất phải hơn 1m để cho thoáng. Lên được “khung xương”, ông cùng với mọi người cẩn thận dùng lạt buộc các cây rùi dài dựng thẳng đứng làm khung mái. “Phần khung mái nhìn vậy chứ không đơn giản đâu. Làm mái phải tỉ mẫn tạo nút thắt ở giữa, tạo độ cong hình lưỡi rìu, theo hướng to dần ra từ trên xuống dưới, nhiều làng làm thẳng tuột từ trên xuống dưới là không đúng” – ông A Wer cho biết.

Tạo được bộ khung mái theo kết cấu đúng và chắc chắn, ông lại cặm cụi cùng mọi người bện tranh thành từng tấm có độ dày khoảng 3cm rồi cột vào những hàng cây mè trên khung để làm thành hai mái chính và hai mái phụ theo hình tam giác cân và nhỏ.

Đặc biệt, cũng như dân làng Plei Đôn, ông A Wer cho rằng đã là nhà rông thì toàn bộ các vật liệu đều được làm từ thiên nhiên: tranh, tre, nứa… chứ không sử dụng các vật dụng bằng sắt, thép, bê tông. Với ý nghĩ như vậy, ông đã cùng với mọi người chẻ từng khúc gỗ làm sàn. Sau khi làm sàn xong, mọi người lại đan phên, nứa để làm vách.

Ông A Thấy cho biết, dù là nhà rông của làng Plei Đôn nhưng ông A Wer làm tỉ mỉ, tẩn mẩn như chính nhà rông của làng mình. Ròng rã 2 tháng, ngày nào cũng vậy, tờ mờ sáng ông A Wer đã có mặt, bắt tay vào vừa làm vừa hướng dẫn làm với tất cả đam mê và trách nhiệm. Không chỉ làm theo đúng kết cấu của một nhà rông truyền thống, ông còn tự tay vẽ các hoa văn, làm hình ngọn cây rau dớn để trang trí trên mái nhà rông.

Chia sẻ với chúng tôi, ông A Wer bày tỏ: Không chỉ kết cấu, nhìn vào phần hoa văn trên mái nhà rông là có thể biết được nhà rông của dân tộc nào. Phần hoa văn thể hiện sự tinh tế, khéo léo, tỉ mỉ của người làm, nó phơi được vẻ đẹp tinh thần, văn hóa nên mình phải để tâm vào làm

Kể từ ngày có nhà rông, tất cả các hoạt động đều được mọi người tổ chức tại nhà rông. Hơn 10 năm, nay mái nhà rông tại làng có đôi phần bị mục, sắp đến người dân sẽ tu sửa lại. “Lúc làm, ông Wer đã bày cho chúng tôi rất kĩ nên bây giờ bà con có thể tự bện tranh và có thể tự tu sửa được rồi” – ông A Thấy cho biết.

Không chỉ làng Plei Đôn, ông A Wer cũng hướng dẫn làng KonHngo Kơtu, xã Vinh Quang cách làm nhà rông truyền thống. “Hiện nay nhiều nhà rông làm theo kiểu bê tông, cốt thép, mình nhìn thấy buồn lắm. Ai mà biết giữ gìn nhà rông truyền thống, mình quý lắm” – ông A Wer bộc bạch.

Hôm chúng tôi đến, ông A Wer đang bị đau chân, phải ngồi xe lăn, nhưng khi được hỏi: “Nếu bây giờ có người đến nhờ ông đi hướng dẫn cho họ làm nhà rông, ông có giúp không?”  không cần suy nghĩ, ông liền bảo: Chân tôi đau chứ tay, đầu đau có đâu. Ai muốn, cứ đến đây mình chỉ nhiệt tình cho.

Nhà rông bao quát mọi tinh hoa văn hóa sáng tạo của con người trong môi trường sinh thái tự nhiên, vừa hùng vĩ, vừa tiềm ẩn những yếu tố tâm linh, là biểu hiện của văn hóa rừng và sự kết nối cộng đồng. Trong nhịp sống đô thị hiện đại, những giá trị truyền thống dần bị lãng quên nhưng ông A Wer luôn giữ gìn, nhiệt tình hướng dẫn, chỉ dạy với tinh thần hướng về truyền thống là rất đáng trân trọng.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác