Già làng A Khao “truyền lửa” văn hóa truyền thống

12/04/2024 13:53

Dù tuổi đã cao, già làng, nghệ nhân A Khao (70 tuổi) vẫn miệt mài với việc truyền dạy cồng chiêng, múa xoang và trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ làng Đăk Giá 1, xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi).

Được sự giới thiệu của cán bộ văn hóa xã, chúng tôi đến thăm già làng A Khao trong một chiều hè oi ả. Đi trên con đường nhỏ vào làng đã nghe vang vọng tiếng đàn t’rưng, hỏi ra mới biết đó là tiếng đàn phát ra từ lớp nhạc do ông A Khao đang truyền dạy cho các bạn trẻ tại nhà rông của làng.

Thấy chúng tôi tò mò, ngỏ ý xin gặp, già làng A Khao tạm ngưng công việc hướng dẫn cho các cháu chơi đàn t’rưng để tiếp chúng tôi. Ông kể: Hồi còn thanh niên, tôi đã biết nhiều về các lễ hội của dân tộc mình khi được theo cha, mẹ tham gia; biết ca hát, chế tác, chơi các loại nhạc cụ truyền thống và từng tham gia đội văn nghệ của huyện. Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, làng Đăk Giá 1 bị bom đạn tàn phá dữ dội nên bà con phải di cư nhiều nơi. Các lễ hội, cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc của làng cũng vì thế mà bị thất lạc và mai một dần.

Già làng A Khao hướng dẫn các cháu đánh đàn t’rưng. Ảnh: N.B 

 

“Năm 1985, sau khi phục viên trở về, với niềm đam mê, hiểu biết về nhạc cụ dân tộc, tôi bắt đầu mày mò chế tác, tập hợp một số người còn biết đánh cồng chiêng, t’rưng, k’lông pút để luyện tập và cùng chơi, sinh hoạt sau những ngày lao động mệt nhọc. Rồi tôi mở các lớp truyền dạy để các thế hệ trẻ có ý thức trân trọng, gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc.” - già làng A Khao tiếp chuyện.

Ngừng tập trong giây lát, cháu Y Nay Ly (15 tuổi), một trong những cô bé được già làng A Khao truyền dạy múa xoang, chơi đàn t’rưng cho chúng tôi biết từ nhỏ đã rất thích thú khi được xem, được nghe những người lớn chơi đàn t’rưng. Vì vậy, khi được ba mẹ động viên và nhất là sự nhiệt tình, khuyến khích của già làng nên mới quyết định dành thời gian tập luyện.

Cháu Nay Ly kể: Cháu đã tham gia tập luyện múa xoang và đàn t’rưng được gần một năm rồi. Múa xoang thì đơn giản hơn, còn đàn t’rưng lúc đầu cũng hơi khó. Trong quá trình luyện tập được già làng tận tình chỉ bảo, kèm cặp nên cháu thấy tiến bộ rõ rệt. Càng tập cháu thấy càng trân quý giá trị văn hóa truyền thống, sự chỉn chu và sâu lắng trong từng động tác hay từng nốt nhạc mà cha ông đã dày công nghiên cứu, giữ gìn. Đến nay cháu có thể chơi được nhiều bài truyền thống và một số bài nhạc phổ thông.

Nhận thấy được những người hiểu biết về cồng chiêng, nhạc cụ, hát dân ca, lễ hội, nghề truyền thống ngày càng ít đi, trong khi người trẻ ngày càng ít quan tâm gìn giữ văn hóa truyền thống của cha ông do chi phối bởi lối sống hiện đại, hoặc bị ảnh hưởng lối sống ngoại lai qua phim ảnh, mạng xã hội, già làng A Khao đau đáu một ước vọng mong muốn sẽ dành phần đời còn lại tiếp tục truyền dạy, cố gắng gìn giữ những vốn quý của dân tộc cho con cháu.

Già làng A Khao cùng các nghệ nhân trong làng hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Ảnh: NB 

 

Ông dốc hết tâm huyết truyền dạy cho thế hệ trẻ biết về cái riêng của dân tộc, về nét sinh hoạt giàu bản sắc, nhân văn, về các lễ hội, sinh hoạt tập thể. Đồng thời, hướng dẫn thế hệ trẻ tiếp nhận có chọn lọc cái mới, cái tiên tiến, để qua đó có sự kết hợp phù hợp trong cuộc sống hiện đại. Với những việc làm đó, ông luôn được dân làng quý mến, tin tưởng.

Sau khi động viên và dành sự kính trọng bởi những gì ông đã đóng góp, gây dựng cho cộng đồng làng Đăk Giá, chúng tôi tạm biệt và chúc ông có đủ sức khỏe, sự minh mẫn để tiếp tục truyền lửa đam mê cho thế hệ sau.

Trao đổi với chúng tôi, ông A Thum - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ang cho biết: Hơn 90% dân số trên địa bàn xã là đồng bào Xơ Đăng, Gié – Triêng. Vì nhiều cộng đồng các dân tộc cùng làm ăn, sinh sống lâu đời nên đời sống văn hóa truyền thống của người dân ở đây hết sức đa dạng và phong phú. Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống được các cấp ủy đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, bố trí các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, kế hoạch để giữ gìn và phát huy.

Tuy nhiên, hiện công tác lưu giữ, truyền dạy nét văn hóa truyền thống gặp không ít khó khăn khi thế hệ những người hiểu biết về các lễ hội, nhạc cụ, ngành nghề thủ công, trang phục truyền thống ngày càng ít đi, các thế hệ trẻ ngày càng xa rời với văn hóa truyền thống hoặc do làm ăn xa không có điều kiện để tìm hiểu, phát triển nét văn hóa đã tồn tại, gắn bó với bao thế hệ cha ông của mình.

Trong tình hình đó, có được những nghệ nhân, già làng tâm huyết như A Khao là điều hết sức tuyệt vời trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tại chỗ.

Nguyễn Ban

Chuyên mục khác