Du lịch xanh - xu hướng mới của ngành Du lịch

29/09/2019 13:13

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu ôn hòa, rừng, sông, lòng hồ thủy điện có nhiều, ngành Du lịch tỉnh cần phát huy các thế mạnh đó để phát triển du lịch xanh. Nếu biết lựa chọn những bước đi thích hợp, sẽ thu hút nhiều hơn khách du lịch trong nước và nước ngoài đến với Kon Tum.

Trò chuyện với chúng tôi trong một lần tham dự sự kiện Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tại tỉnh Kon Tum, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, du lịch xanh không chỉ là một khái niệm mà trở thành xu hướng tất yếu, đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới, thu hút sự quan tâm rộng rãi của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung. Nhiều nước trên thế giới xem du lịch xanh như một chiến lược để giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái.

Du lịch xanh được biết đến là một loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Đây là một hướng đi nhằm phát triển ngành “công nghiệp không khói” trong một thế giới văn minh mà tất cả các nước trên thế giới đang triển khai nhằm vừa góp phần tăng trưởng “kinh tế du lịch” đóng góp vào phát triển kinh tế của nền kinh tế đất nước, vừa bảo vệ môi trường, tránh ô nhiễm - sau một thời gian “phát triển du lịch nóng”, nhằm hướng tới phát triển du lịch một cách bền vững (hay còn gọi là du lịch xanh).

Khu du lịch thác Pa Sỹ (huyện Kon Plông). Ảnh: Internet

Du lịch xanh cũng tạo cơ hội tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa - nơi sở hữu nhiều khu bảo tồn tự nhiên, di tích, danh lam với cảnh quan tự nhiên độc đáo, hấp dẫn; đồng thời, góp phần vào việc nâng cao dân trí và sức khỏe cộng đồng thông qua một số hoạt động giáo dục môi trường, văn hóa lịch sử và giải trí.

Để hướng tới du lịch xanh, cần vượt qua những thách thức bao gồm: Xả thải khí nhà kính và tiêu thụ năng lượng; tiêu thụ nước; quản lý rác thải; suy giảm đa dạng sinh học; quản lý hiệu quả di sản văn hóa và công trình; quy hoạch và quản lý nhà nước. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện thành công và hiệu quả các giải pháp, giải quyết các vấn đề thách thức, hướng tới phát triển du lịch xanh. Có thể nói, đây là xu hướng tất yếu của phát triển du lịch trong tương lai. 

Tại Việt Nam, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đặt trọng tâm phát triển du lịch theo hướng bền vững, theo hướng “xanh hóa”. Vì vậy, các chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch tại Việt Nam đều đi theo định hướng này. Một số doanh nghiệp đã kịp thời thích ứng và có những biện pháp chuyển đổi theo hướng du lịch xanh như mô hình tiết kiệm điện năng, tiết kiệm nước tại các cơ sở lưu trú; đăng ký chứng nhận nhãn sinh thái Bông sen xanh cho các cơ sở lưu trú. Nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện du lịch có trách nhiệm, hướng dẫn khách du lịch bảo vệ môi trường khi tham gia tour đi rừng, leo núi như tour thám hiểm hang động tại Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); xây dựng các sản phẩm du lịch,  đặc biệt là làm sạch môi trường như tour vớt rác tại Hội An (Quảng Nam), Sơn Trà (Đà Nẵng); các tour du lịch thăm miệt vườn vùng sông nước các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long...

Khu căn cứ Tỉnh ủy là điểm du lịch lịch sử ở Tu Mơ Rông. Ảnh: Văn Phương

Tại Kon Tum, những năm gần đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thiết kế, khảo sát, xây dựng các đề án, chương trình, các tour, tuyến du lịch theo hướng du lịch xanh như: Tour đi thuyền thưởng ngoạn cuộc sống, sinh hoạt của người dân dọc sông Đăk Bla, lòng hồ thủy điện Ya Ly, Plei Krông; tour du lịch khám phá rừng Quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh; tour du lịch cộng đồng thăm làng Kon K’tu (thành phố Kon Tum), Kon Pring (huyện Kon Plông); các tour du lịch tâm linh, thăm lại chiến trường xưa...

Ông Huỳnh Đức Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ: Du lịch xanh là xu thế mới hiện nay của ngành Du lịch thế giới. Sống trong môi trường công nghiệp với tình trạng ô nhiễm, con người có xu hướng quay về với thiên nhiên thuần khiết. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu ôn hòa, rừng, sông, lòng hồ thủy điện có nhiều, ngành Du lịch tỉnh cần phát huy các thế mạnh đó để phát triển du lịch xanh. Nếu biết lựa chọn những bước đi thích hợp, sẽ thu hút nhiều hơn khách du lịch trong nước và nước ngoài đến với Kon Tum.

Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch này, tỉnh Kon Tum vẫn còn những khó khăn nhất định và cần có những giải pháp tháo gỡ nhằm khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường văn hóa của cộng đồng một cách bền vững.

Nhà rông làng cổ Kon K'tu (thành phố Kon Tum). Ảnh: Văn Nhiên

Theo ông Phan Văn Hoàng - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, khó khăn hiện tại trong phát triển du lịch của địa phương là, cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch còn thấp kém, các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành còn thiếu và yếu; đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch còn nhiều hạn chế...

Để phát triển du lịch xanh, trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum cần ưu tiên ngân sách đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; có cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trong nước và nước ngoài; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, mới, lạ, hấp dẫn, kết hợp du lịch khám phá thiên nhiên với tìm hiểu đời sống văn hóa, sinh hoạt, sản xuất, phong tục, tập quán của cộng đồng các DTTS bản địa tại các điểm đến...

Quang Định  

Chuyên mục khác