Du lịch lòng hồ Ya Ly, tiềm năng cần khai thác

23/10/2021 13:01

Với lợi thế diện tích mặt nước rộng lớn, xã Ya Ly (huyện Sa Thầy) có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch lòng hồ thủy điện Ya Ly. Tuy nhiên, cho đến nay, vì những khó khăn về nguồn lực đầu tư nên tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ.

Mới đây, chúng tôi có dịp trải nghiệm trên lòng hồ thủy điện Ya Ly. Xuất phát từ bến đò làng Chờ, xã Ya Ly, ngồi trên chiếc thuyền máy, chúng tôi được tận hưởng cảm giác miên man sông nước lòng hồ. Mặt nước hồ rộng lớn, trong xanh, phẳng lặng, soi rõ bầu trời xanh với những đám mây đủ hình thù, soi rõ cả những dãy đồi phủ xanh ngút ngát cao su, cà phê... Giữa trưa nắng, hướng về phía đập tràn Thủy điện, chiếc thuyền máy chầm chậm đưa chúng tôi ra xa bờ. Cảm giác thật khác lạ. Đúng mùa nước dâng, khu vực lòng hồ tạo thành những bán đảo, hệ sinh thái sông nước thơ mộng. Sông nước hữu tình, gió mơn man, hơi nước từ lòng hồ dịu mát khiến ai nấy đều phấn chấn. Thuyền chỉ chạy khoảng mươi phút, ngồi trên thuyền, chúng tôi đã nhìn rõ dòng chữ Thủy điện Ya Ly nổi lên trên nền trời xanh thẳm, càng lúc càng rõ dần...

Khoảng 35 phút, chúng tôi đến tận bến thuyền phía tỉnh Gia Lai, rồi quay trở lại bến thuyền làng Chờ. Sau khi trải nghiệm cảnh đẹp, tận hưởng không khí trong lành lòng hồ Thủy điện Ya Ly, chúng tôi ghé thăm những hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ; tìm hiểu nét đẹp văn hóa, cuộc sống thường ngày của người dân ở làng Chờ. Những giá trị văn hóa, nét đẹp bình dị, đời thường của những gia đình Ja Rai, những câu chuyện khởi nghiệp với nghề nuôi cá, quy trình chăm sóc với từng loại cá... khiến cho tôi cảm thấy thú vị.

Cảnh sắc hữu tình ở lòng hồ Ya Ly. Ảnh: NP

 

Sau chuyến trải nghiệm trên lòng hồ thủy điện Ya Ly, tôi thầm nghĩ, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Ya Ly là rất lớn. Nếu lấy trung tâm từ thành phố Kon Tum (nơi tập trung đông dân cư và là điểm tập kết khách du lịch khi đến Kon Tum) đến xã Ya Ly (Sa Thầy) chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ di chuyển bằng ô tô, xe máy. Đường sá đi lại rất thuận tiện, các tuyến đường đều được trải nhựa nên có thể đi về trong ngày, rất phù hợp cho những gia đình, nhóm bạn bè muốn thay đổi không khí vào dịp cuối tuần hoặc kéo dài hành trình khi du khách đến với Kon Tum.

Không chỉ du ngoạn, thưởng thức cảnh đẹp sông nước của khu vực lòng hồ, khi đến nơi đây, du khách còn có thể kết hợp tham quan, trải nghiệm hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và thưởng thức các món ăn được chế biến từ các loại thủy sản nuôi trồng, đánh bắt được; trải nghiệm nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Ja Rai ở làng Chờ, làng Chứ sinh sống ven bên lòng hồ. Và nếu phối hợp được, có thể tham gia tour liên tuyến tham quan công trình Nhà máy Thủy điện Ya Ly (từ bến thuyền ngay bên lòng hồ, du khách đón taxi đến tham quan quy trình vận hành, hoạt động của Thủy điện cách bến thuyền không xa)...

Thăm khu nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ. Ảnh: NP

 

Tất nhiên, không phải tới bây giờ vấn đề du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Ya Ly mới được đề cập tới. Nhiều cuộc khảo sát, họp bàn, đề án đã được triển khai. Gần đây nhất, trong Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn đến năm 2025” của huyện Sa Thầy, huyện chủ trương kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng bến cho các tàu thuyền du lịch tại làng Chờ; kết nối liên thông với các tour du lịch đường thủy của tỉnh và khu vực; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng, dịch vụ như bến phà, nhà nghỉ dưỡng, nhà hàng thủy tạ, cửa hàng bán đồ lưu niệm…

Dù có tiềm năng, lợi thế, dù đề án với những hướng đi cụ thể như vậy, nhưng vì nhiều lý do, như hạn chế về nguồn lực đầu tư, thiếu sự liên kết… nên tất cả chỉ mới dừng lại ở tiềm năng. Kết cấu cơ sở hạ tầng, dịch vụ như bến phà, nhà nghỉ dưỡng, nhà hàng thủy tạ, cửa hàng bán đồ lưu niệm… đến nay vẫn là con số không. 

Từ lòng hồ nhìn về công trình thủy điện Ya Ly. Ảnh: N.P

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những năm gần đây, đã có các đoàn khách đến với Ya Ly để trải nghiệm, khám phá những nét đẹp của lòng hồ. Nắm bắt được nhu cầu, có gia đình ở làng Chờ đã tận dụng thuyền bè phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản của gia đình, và đầu tư mua sắm thêm vài chục chiếc áo phao để chở khách đi tham quan khu vực lòng hồ với mức giá đi – về khoảng 1 triệu đồng. Còn về ăn uống, tùy theo nhu cầu của khách, có thể mang theo và nếu cần sẽ có sự hỗ trợ của gia đình... Như vậy có thể thấy các hoạt động phục vụ cho du lịch sinh thái trên lòng hồ mới dừng lại ở hộ gia đình nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự đầu tư bài bản, thiếu sự liên kết để làm phong phú, đa dạng sản phẩm du lịch và phục vụ tốt cho du khách… nên chưa thật sự an toàn và hiệu quả.

Hiện nay, dịch bệnh Covid -19 đang dần được kiểm soát, du lịch đang dần hồi phục, du khách có xu hướng lựa chọn các điểm đến trong khoảng cách gần và ưu tiên các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên… Trong bối cảnh đó, nếu khai thác tốt, hợp lý du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Ya Ly nói riêng và các lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh nói chung kết hợp với thăm, thưởng thức ẩm thực thủy sản lòng hồ và trải nghiệm nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc sinh sống ven lòng hồ…, sẽ tạo nên nét mới, sự đa dạng, phong phú về sản phẩm du lịch và góp phần đổi thay ở các vùng đất còn những khó khăn như Ya Ly.   

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác