16/12/2024 12:59
3 năm qua, ngành du lịch của tỉnh không ngừng tăng trưởng phát triển, được thể hiện qua những “con số biết nói”. Nếu như năm 2022, du lịch Kon Tum thu hút được 1,1 triệu lượt khách, đến năm 2023, thu hút được 1,3 triệu lượt khách đến tỉnh, đặc biệt, năm nay, con số tăng vượt bậc với khoảng 2,3 triệu lượt khách đến với Kon Tum. Trong đó, có khoảng 8.000 lượt khách quốc tế, đạt 123,08% so với kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt khoảng 690 tỷ đồng, tăng trên 32,6% so với cùng kỳ năm 2023.
2 vùng kinh tế động lực tiếp tục thể hiện sức hút và là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch, đó là huyện Kon Plông với khoảng 1,2 triệu lượt khách đến địa bàn và thành phố Kon Tum thu hút 900.000 lượt khách. Các địa phương còn lại thu hút được trên 200.000 lượt khách.
|
Để có được kết quả trên, thời gian qua, cùng với việc khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, ngành Văn hóa và các địa phương, nhất là những địa bàn trọng điểm về du lịch đã triển khai tốt các giải pháp mang tính đột phá để nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển du lịch theo hướng bền vững. Nhiều chương trình, hoạt động du lịch, văn hóa, nghệ thuật được tổ chức để tạo điểm nhấn thu hút du khách; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch từng bước được đa dạng hóa. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch ngày càng được cải thiện, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Các cơ sở du lịch, công ty lữ hành tổ chức, triển khai nhiều gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn về giá, chất lượng, đa dạng về loại hình, đảm bảo uy tín để tạo thương hiệu; trong đó, nổi bật là các gói Du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, cùng những trải nghiệm độc đáo như du lịch rừng gắn liền với sản phẩm sâm Ngọc Linh...
Sự phát triển của ngành du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh. Hiện nay, tỷ trọng ngành thương mại và dịch vụ chiếm 38,04% trong cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh – cao nhất trong các nhóm ngành.
Du lịch phát triển cũng đã tạo cơ hội để người dân tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch cộng đồng, qua đó cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời, góp phần thúc đẩy bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.
Khách quan nhìn nhận, Kon Tum hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch, từ cảnh quan thiên nhiên độc đáo, văn hóa đặc sắc, đến hệ thống di tích lịch sử ý nghĩa. Tuy nhiên, thực tế, du lịch Kon Tum vẫn bị hạn chế bởi các yếu tố như hạ tầng chưa đồng bộ, dịch vụ du lịch nhiều nơi chưa chuyên nghiệp; các sản phẩm dịch vụ còn đơn điệu, sơ sài, trùng lặp, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của khách du lịch, nhất là du khách quốc tế...
|
Năm 2025, tỉnh ta đặt mục tiêu thu hút 3 triệu lượt khách du lịch. Mục tiêu này đặt ra thách thức không nhỏ đối với ngành du lịch của tỉnh.
Vì vậy, để giữ được đà tăng trưởng, tiếp tục phát huy hiệu quả của “ngành kinh tế xanh”, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Kon Tum năm 2024 vừa diễn ra (ngày 11/12), nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về du lịch đưa cho rằng, ngành chức năng, các địa phương và doanh nghiệp cần tập trung khắc phục các hạn chế, tích cực làm mới mình hơn nữa. Trong đó, tăng cường xây dựng, đa dạng hơn nữa sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, nâng cao chất lượng của dịch vụ du lịch và tính chuyên nghiệp gắn với quảng bá, xúc tiến để thu hút du khách đến với tỉnh; tích cực kêu gọi, thu hút, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch...
Và, không chỉ thu hút du khách nội địa, các ngành, địa phương trong tỉnh cũng cần có giải pháp thu hút khách quốc tế.
Để du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành cần sự quan tâm, vào cuộc của các doanh nghiệp làm du lịch và sự ủng hộ, quyết tâm của mỗi người dân.
Thùy Hương