“Đi đày” – một tư liệu quý của Kon Tum

13/10/2014 11:07

Giữa năm 1940 thực dân Pháp đày lên Căng an trí Đăk Glei một số “chính trị phạm” có tầm ảnh hưởng lớn ở miền Trung, và sau đó tiếp tục thêm nhiều đợt nữa. Đến ngày 14/3/1942 xảy ra vụ 2 chính trị phạm Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ vượt ngục, Pháp liền di chuyển số còn lại về Trại giam Đăk Tô. Đến ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, các chính trị phạm mới được thả về.

 

Tìm hiểu về Căng an trí Đăk Glei và trại giam Đăk Tô, lâu nay người ta chỉ tìm đọc được rải rác ở một số trang sách ít ỏi, hiếm hoi trong các hồi ký của một vài nhân vật kể trên, như hồi ký “Thời sôi động” của Chu Huy Mân, “Một thời nhớ lại” của Tố Hữu, “Trở lại Kon Tum” của Lê Văn Hiến… mà thôi.

 

Rất may, vừa rồi những người quan tâm tìm hiểu về vấn đề này đã “sưu tập” được một cuốn sách chép tay của ông Đoàn Bá Từ, một cựu tù tại thời điểm và địa điểm nói trên. Sách gồm 130 trang, chép lại mọi thư từ, sáng tác của chủ nhân ngay trong thời gian bị lưu đày ấy. Ngoài bìa sách, tác giả nắn nót viết rất đẹp nhan đề “ĐI ĐÀY” với mấy dòng phụ đề bên dưới “Đak Glei 1940-1941-1942, Đak Tô 1942-1943-1944”. Nội dung sách được sắp xếp theo các phần như sau (tên “Phần 1, 2, 3…” là do chúng tôi tạm đặt):

Phần một: 20 trang, chép lại 07 bức thư của tác giả gửi từ Đăk Glei và Đăk Tô cho người bạn gái có tên Chị Hồng (3 bức), cho một người bạn trai tên Định (1 bức) và người em tên Hoàng (3 bức). Thư đề thời điểm sớm nhất là thư ngày 15/9/1940 khi ở Đăk Glei, thư có thời điểm muộn nhất là thư ngày 16/12/1943 khi ở Đăk Tô. Nội dung phần này là những tâm tư, tình cảm của tác giả giữa bước lưu đày gửi gắm đến người thân.

Phần hai: 9 trang, tiêu đề “1944 – Máu đào”, ghi “Tặng hai bạn T.H.K và T.V.T” và dùng đôi câu đối của L.N để làm lời đề từ. (Hồi ký “Trở lại Kon Tum” của Lê Văn Hiến có viết rõ vụ việc này. Tên “hai bạn” ấy là Trần Hải Kế và Thái Văn Tam bị sát hại oan uổng ở trại giam Đăk Tô, còn tên tác giả câu đối ấy là Lê Nhu). Phần này gồm 2 mẩu chuyện nhỏ “Hai con chim”“Đứa con”. Truyện gói ghém cảm xúc của tác giả qua cái chết của 2 bạn tù, rất cảm động.

Phần ba:  52 trang, tiêu đề “Nhân vật Đak Glei và Đak Tô”, viết về chân dung 14 bạn tù: Nguyễn Trường Châu, Hà Thế Hạnh, Đào Duy Cương, Trần Kim Bảng, Hoàng Tường, Hồ Đắc Bật, Lê Văn Hiến, Bùi Sĩ Viện, Huỳnh Sung, Ngô Văn Cớm, Trần Quang Tịch, Hứa Nhung, Thái Văn Tam, Lê Xuân Trọng. Với chất giọng “humor” (trào lộng, hài hước), tác giả làm sống động một cách chân thực những gương mặt quanh mình, đọc rất thích thú.

Phần bốn: 39 trang, 09 tiểu phẩm và truyện hư cấu. Cũng với giọng văn hài hước, thông minh, sâu sắc, các tác phẩm phản ảnh nhiều mặt về sinh hoạt và tâm tư giữa chốn ngục tù: “Đời giông tố của con số ba”, “Trước vành móng ngựa”, “Các ban nhà bếp ở Đak Glei”, “Chung quanh bát canh bầu”, “Chung quanh cái giếng nước”, “Người Tàu ở mọi nơi”, “Tính sổ đầy năm”, “Xuất hành”, “Xuất hành phương xa”. Phần này giống như cựu tù Lê Văn Hiến đã viết trong hồi ký “Trở lại Kon Tum” là: “Phản ánh khá trung thực sinh hoạt của trại và đã góp một phần quan trọng vào việc giáo dục, giải trí cho anh em”.

Phần năm: 20 trang, tiêu đề “Lettres de Đak Glei”, 6 bài viết và thư  từ bằng Pháp ngữ. Phần này chưa nắm được nội dung vì chưa dịch.

Bài có ghi thời điểm muộn nhất trong sách là tháng 6/1944, phù hợp với việc đầu năm 1945 tác giả bị chuyển sang Đà Lạt, và cũng đúng với dòng phụ đề ở bìa sách tác giả chỉ ghi từ 1940 đến 1944.

Ông Đoàn Bá Từ sinh năm 1919 tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Năm 1937 tham gia Đoàn Thanh niên dân chủ Đà Nẵng sau một thời gian đứng chân bán hàng cho nhà sách “Việt Quảng” của nhóm Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà… lập ra nhằm truyền bá sách báo cấp tiến và yêu nước cho mọi người, đặc biệt là giới thanh niên, đồng thời cũng làm nơi lui tới bàn bạc, trao đổi của những nhà hoạt động cách mạng trong khu vực lúc bấy giờ. Tại đây, vừa bán hàng, Đoàn Bá Từ vừa viết cho các báo Đông Pháp, Tin Mới… đến 1938 thì giữ chân Đặc phái viên cho báo Tin Mới tại Đà Nẵng. Đầu năm 1940, Đoàn Bá Từ bị bắt khi đang thực hiện tờ báo Nắng Hè ngay tại nhà sách, bị đưa ra giam giữ ở Huế, rồi đưa vào giam ở Qui Nhơn, và cuối cùng là đày lên Đăk Glei – Kon Tum.

Ở Căng an trí Đăk Glei, Đoàn Bá Từ cùng với một “Ban Toà soạn” thực hiện các tờ báo viết tay ngay trong lòng tù ngục. Hồi ký “Trở lại Kon Tum” của Lê Văn Hiến có đoạn viết về sự kiện này: “Trong trại, chúng tôi ra hai tờ báo … Toà soạn gồm có những anh em, như: Hà Thế Hạnh, Lê Nhu, Thái Văn Tam, Đoàn Bá Từ, Nguyễn Trọng Vĩnh, về sau có thêm đồng chí Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ…”.

Vì là người viết chữ đẹp nên Đoàn Bá Từ được phân công chép bài vở và trình bày tờ báo. Báo mỗi số ra 6 trang tiếng Việt và 2 trang tiếng Pháp. Sau này, khi Tố Hữu cũng bị đày lên đây, cùng tham gia “toà soạn”, đề nghị bỏ 2 trang Pháp ngữ, dành để “đăng” bài viết bằng Việt ngữ.

Cây bút Đoàn Bá Từ dùng để làm những số báo được chế tác từ ống kim tiêm. Mũi kim được cắt ngắn đem hơ nóng uốn cong làm ngòi bút, phần ống nhựa đựng thuốc thì đựng mực. Với “công nghệ” chỉ có ngần ấy mà mọi người đã cho ra mắt được nhiều số báo tại Đăk Glei và sau này ở Đăk Tô. Báo nhiều lần đổi tên, từ La Zaret đến Chàng Làng, rồi Nắng Xuân, Yên Chí, An Trí, Xuân… Và cũng chính ngòi bút tự chế này, Đoàn Bá Từ đã kỳ công ngồi chép lại những thư từ, bài viết, sáng tác…. của mình vào tập “ĐI ĐÀY” giữ mãi đến nay. Sau khi ra số báo ra Tết cuối cùng vào đầu năm 1945 thì cũng là lúc Đoàn Bá Từ bị đưa sang Đà Lạt, nhưng chỉ tháng sau, ngày 9/3 Nhật làm đảo chính, cũng như các bạn tù khác, Đoàn Bá Từ được thả…

Những ngày tháng 9/2014, khách đến thăm nhà (tại thành phố Đà Nẵng) chỉ biết ngậm ngùi ngắm cụ nằm yên mệt mỏi trên giường, không nói năng, đi đứng gì được. Biết làm sao được, khi cụ đã 95 tuổi rồi! Có phải đây là người cuối cùng của “lớp tù Đak Glei” còn lại?

“ĐI ĐÀY” là một tư liệu quý của Kon Tum về cả mặt lịch sử lẫn văn học. Nếu sách được biên tập chỉn chu thêm, sắp xếp lô-gic lại, và xuất bản, chắc chắn đây sẽ là một ấn phẩm quý báu của Kon Tum.

         Tạ Văn Sỹ

 

 

Chuyên mục khác