Để tiếng cồng, tiếng chiêng mãi vang xa

30/09/2015 10:46

Những năm qua, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc - đặc biệt là đồng bào DTTS đã được ngành Văn hoá-Thể thao-Du lịch tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả. Với sự tiếp sức của ngành Văn hoá, một số nghệ nhân không ngại tuổi cao, sức yếu đã tổ chức các lớp truyền dạy cho con cháu các bài hát dân ca, hát giao duyên, hát ru, nghệ thuật đánh cồng chiêng, múa xoang, làm nhạc cụ âm nhạc truyền thống, chế tác tượng gỗ, dệt thổ cẩm...

Tuy đã nghỉ hưu gần 2 năm nhưng NSƯT A Đủh (xã Đăk La, huyện Đăk Hà) vẫn miệt mài truyền dạy những bài hát dân ca cho lũ trẻ làng Kon Trang Mơ Nây. Với ông, đó là tâm huyết cả đời mình, làm sao để bà con dân làng, nhất là thế hệ trẻ, ai cũng biết đánh cồng chiêng, biết hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Ở tuổi 62, A Đủh vẫn giữ được chất giọng thanh cao, cuốn hút người nghe. Ông nói: Mình sẽ hát để truyền lại niềm đam mê âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc dân ca dân tộc cho thế hệ trẻ...

Ông đang ấp ủ dự định thành lập đội văn nghệ dân gian và đội cồng chiêng của làng mình với khoảng 50 nghệ nhân tham gia, kể cả cồng chiêng và múa xoang. Để thực hiện dự định, từ ngày về làng, mỗi tuần, A Đủh đều dành ít nhất 3 buổi tối để truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, các loại nhạc cụ dân tộc, dạy hát cho bà con, đặc biệt là cho thanh thiếu nhi.

Ông A Biên, hơn 70 tuổi, cả đời gắn bó với núi rừng Ngọc Yêu của huyện vùng sâu Tu Mơ Rông sau mấy lần tham gia “Ngày hội VHTTDL các dân tộc” do tỉnh và huyện tổ chức, trở lại với cuộc sống đời thường, nhiều đêm ông suy nghĩ và trăn trở mãi. Ông nhận thấy đa số thanh thiếu niên trong làng bây giờ đã nhanh chóng tiếp cận, làm quen với nền văn hoá hiện đại mà dần quên đi bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Nếu như bây giờ không truyền dạy cho con cháu thì sau này vốn văn hoá quí giá ấy sẽ không còn nữa.

Nghĩ là làm! Ông bàn với bà con trong làng cho con cháu đến nhà để truyền dạy nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian. “Lúc đầu chỉ có vài cháu theo học. Nhưng sau đó hơn một tháng, có tới mười mấy cháu đến học. Không chỉ dạy cách tạc tượng, già còn dạy tụi nhỏ học đánh chiêng, múa xoang. Cứ khi nào rảnh, bọn trẻ lại kéo đến nhà học, đông vui lắm...”- già A Biên vui vẻ cho biết.

Vui hội Mừng lúa mới. Ảnh: DT

 

Ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, để góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, từ năm 2010 đến nay, ngành Văn hoá các địa phương đã tổ chức được 26 lớp với 582 người tham gia học tập các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.800 bộ cồng chiêng và hàng chục loại nhạc cụ gõ, nhạc cụ hơi của các DTTS. Toàn tỉnh hiện có 279/588 làng đồng bào DTTS có cồng chiêng, chiếm 47,4%; còn 309/588 làng chưa có cồng chiêng, chiếm 52,6%. Đồng thời, Sở đã xây dựng Đề án bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa của các DTTS tại chỗ và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có kế hoạch đầu tư để từ nay đến năm 2020, sẽ trang bị đảm bảo 100% số làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có cồng chiêng.

Tính đến năm 2015, ngành VHTTDL đã phục dựng được 22 nghi lễ - lễ hội tiêu biểu của các DTTS như: Lễ hội mừng lúa mới; Lễ hội ăn trâu; Lễ mừng nhà rông mới; Lễ bỏ mả; Lễ hội Cưới truyền thống của các dân tộc Ba Na, Jẻ - Triêng, Xê Đăng, Brâu... Việc làm này đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể và bản sắc văn hóa của địa phương, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào DTTS.

Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, những năm qua, ngành VHTTDL thường xuyên tổ chức “Ngày hội VHTTDL các dân tộc”; trong đó có các nội dung như: biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, các bài hát giao duyên, dân ca, trình diễn trang phục truyền thống, thi nấu các món ăn dân tộc, tạc tượng gỗ dân gian, các trò chơi dân gian, các môn thể thao đẩy gậy, bắn nỏ. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, ngành còn tổ chức Giải đua thuyền độc mộc truyền thống mừng Đảng, mừng Xuân trên sông Đăk Bla; tổ chức Liên hoan dân ca, dân vũ; Liên hoan hát ru...

Bên cạnh đó, ngành đã cử hơn 20 đoàn với gần 1.000 lượt nghệ nhân các DTTS trong tỉnh tham gia trình diễn về đời sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất, đời sống tâm linh tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Hà Nội); tham gia các hoạt động những ngày “Đại đoàn kết ASEAN - Một tầm nhìn, Một bản sắc, Một cộng đồng”; tham gia các hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian năm Du lịch quốc gia tại các địa phương đăng cai tổ chức; tham gia Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể tại Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc); tham gia trình diễn nghệ thuật cồng chiêng, múa xoang, nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống tại Cộng hòa Pháp, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… Những việc làm này đã góp phần giữ gìn, phát huy, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống các dân tộc và giao lưu văn hóa các vùng, miền, trong và ngoài nước.

Quang Định

Chuyên mục khác