Để tiếng cồng chiêng ngân vang

08/06/2023 06:08

Việc hỗ trợ cồng chiêng mang nhiều ý nghĩa, vừa nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS, đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn mà Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Thôn Kon Sơ Lam 2, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum có 77 hộ gia đình người Ba Na. Những năm trước, vì điều kiện trong thôn còn nhiều khó khăn, do vậy, ngoài các bộ cồng chiêng của cá nhân, cả thôn không có bộ cồng chiêng chung. Chị Y Nưih- Trưởng ban công tác Mặt trận thôn cho biết, để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, khi có hoạt động, sự kiện văn hóa, thôn thường đến tập cồng chiêng chung với thôn Kon Sơ Lam 1.

Cuối năm 2021, được hỗ trợ 1 bộ cồng chiêng, bà con trong thôn rất vui mừng. Chỉ vào bộ cồng chiêng được cất giữ cẩn thận, ông A Thuk- người đánh cồng chiêng giỏi của thôn vui mừng cho biết, từ ngày có cồng chiêng, thay vì tập chung với thôn Kon Sơ Lam 1, thôn lập 1 đội cồng chiêng và tiến hành tập luyện. “Bây giờ dù chưa giỏi, nhưng đội chiêng đã có thể tự biểu diễn những bài cồng chiêng cơ bản. Vừa qua, tôi cũng tập luyện cho các cháu nhỏ đánh cồng chiêng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tranh thủ thời gian truyền dạy để bảo tồn văn hóa cồng chiêng” - ông A Thuk cho biết.

Được hỗ trợ cồng chiêng, người dân thôn Kon Sơ Lam 2 từng bước thành lập đội cồng chiêng. Ảnh: HT

 

Thôn Kon Sơ Lam 2 là 1 trong 6 thôn trên địa bàn thành phố Kon Tum được hỗ trợ cồng chiêng trong giai đoạn 2021 -2022. Nhờ đó, đến nay, trong tổng số 60 thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum, tất cả đều có cồng chiêng tập thể.

Có cồng chiêng, việc tập luyện dễ dàng hơn, các đội cồng chiêng nhờ đó cũng tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Ngoài các đội cồng chiêng của những thành viên gạo cội, các đội cồng chiêng nhí đã được thành lập và duy trì hoạt động tập luyện. Nhờ đó, những ngày lễ hội ở các thôn, xã, phường thuộc thành phố Kon Tum đều có tiếng chiêng cồng ngân vang. 

Anh A Ngôn- cán bộ Văn hóa thông tin xã Đăk Tờ Re cho biết trước đây, thôn Đăk Pơ Kong và Đăk Jơ Ri, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy không có cồng chiêng tập thể. Do đó, việc giữ gìn văn hóa cồng chiêng ở 2 thôn còn nhiều hạn chế. Giai đoạn 2021-2022, mỗi thôn được hỗ trợ 1 bộ cồng chiêng và trống, việc tập luyện cồng chiêng ở 2 thôn mới được duy trì.

“Chúng tôi vận động, tuyên truyền để bà con tập luyện, duy trì, bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng”- anh A Ngôn cho hay.

Bên cạnh đó, xã Đăk Tờ Re đã xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2021-2025. Trong đó đề ra các giải pháp tổ chức truyền dạy về kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa xoang và các bài chiêng truyền thống cho các làng đồng bào DTTS, các trường học có con em đồng bào DTTS tại chỗ đang theo học. Đồng thời, thường xuyên tổ chức hoạt động “Hội thi cồng chiêng”, các hoạt động giao lưu văn hóa nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích và phát huy hiệu quả sinh hoạt văn hóa cồng chiêng trong lớp trẻ hiện nay.

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Kon Rẫy có tổng số 153 bộ cồng chiêng; không có thôn, làng thiếu cồng chiêng. Với việc đảm bảo cồng chiêng, hầu hết, các thôn, làng đều duy trì ít nhất 1 đội cồng chiêng. Qua đó, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết số 33 –NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay, tỉnh ta đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025”.

Việc bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào DTTS. Ảnh: H.T

 

Triển khai thực hiện đề án, trong giai đoạn 2021 - 2022, các địa phương liên quan triển khai công tác trang bị cồng chiêng, trống với tổng số 104 bộ cho 104 thôn/làng, chiếm tỷ lệ 86,7% làng đồng bào DTTS không có cồng chiêng; trong đó, trang bị 74 bộ cồng chiêng, trống từ nguồn ngân sách tỉnh, trang bị 30 bộ cồng chiêng, trống từ nguồn ngân sách địa phương.

Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Sở đã phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh tiếp tục phân bổ nguồn kinh phí có mục tiêu cho các huyện, thành phố để thực hiện nội dung trang bị cồng chiêng, trống cho các làng đồng bào DTTS không có cồng chiêng trong năm 2023. Dự kiến trang bị 26 bộ cồng chiêng, trống cho 26 làng đồng DTTS không có cồng chiêng, nhằm đảm bảo đạt mục tiêu 100% làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có cồng chiêng.

Cùng với đó là tổ chức công tác truyền dạy trong cộng đồng về kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng; sưu tầm, nghiên cứu và khôi phục các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội truyền thống liên quan đến văn hóa cồng chiêng.  Sở cũng quan tâm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ liên quan Dự án số 6 (Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch) thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, thực hiện giai đoạn 2021-2025.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác