Để Măng Đen níu chân du khách

28/03/2018 02:55

​Những ai từng đến Măng Đen – đặc biệt là khách phương xa thời gian gần đây đều bày tỏ mong muốn quay trở lại thêm lần nữa. Nhưng, để du khách không chỉ quay lại lần 2, lần 3, mà còn nhiều, nhiều lần nữa cũng như sẽ là một tuyên truyền viên theo kiểu “mách nhỏ” cho những du khách khác thì Măng Đen không thể bằng lòng với những gì đang có.

Từng công tác ở Kon Tum rồi chuyển về Bình Định cả chục năm nay, chị Phương trong lần đến Măng Đen đầu tháng ba này đã không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của vùng đất từng được nhắc đến trong gian khó. “Ruồi vàng, bọ chó, gió Măng Đen” – chị Phương đã tếu táo câu nói vui đó khi xe khởi hành.

Nhưng, chị đã thay đổi toàn bộ cách nhìn về một Măng Đen sau 10 năm quay lại. Đường đến với Măng Đen không còn là nỗi ám ảnh với chị như trước đây. Dù đã được giới thiệu trước, nhưng để chắc ăn, chị ngoài uống thuốc chống say còn thủ sẵn cho mình chút sâm Ngọc Linh của cô em hiếu khách tặng từ hôm trước. Nhưng, đúng như chị nhận xét là “phí của giời”, tức là phí số sâm đó, đường đến Măng Đen giờ đây được làm mới, rộng, phẳng lì, ít khúc khuỷu nên chị chẳng say xe chút nào.

Hồ Đăk Ke - điểm đến đầu tiên khi đến với Măng Đen. Ảnh: N.P

 

Chẳng riêng gì chị Phương, trong đoàn khách gồm 6 người từ Bình Định lên Măng Đen để tìm hiểu về các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hôm ấy có người từ Kon Tum chuyển đi, có người đã đến Măng Đen 1-2 lần đều chung nhận xét: Măng Đen bây giờ đã mang dáng dấp của vùng phố thị với nhiều khách sạn, nhà hàng, biệt thự. Măng Đen đã có một số địa điểm, sản phẩm, dịch vụ du lịch khai thác khá hiệu quả như Khu du lịch hồ và thác Đăk Ke, Khu du lịch thác Pa Sỹ, Khu du lịch Hoàng Vũ Măng Đen, Du lịch tâm linh khu vực tượng Đức Mẹ, chùa Khánh Lâm…

Háo hức trước những thay đổi của Măng Đen, trước cái se se lạnh đặc trưng, chẳng riêng gì nhóm du khách từ Bình Định này mà còn nhiều, rất nhiều nhóm du khách từ các nơi như: Gia Lai, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… đều hít hà không khí trong lành, mát mẻ, tản bộ dưới rừng thông và không quên chụp cho mình những bức ảnh kỷ niệm.

Lịch trình có thể khác nhau nhưng loanh quanh du khách khi đến Măng Đen đều ghé thăm các điểm: Khu vực tượng Đức mẹ, chùa Khánh Lâm, hồ Đăk Ke, thác Pa Sỹ, khu du lịch Hoàng Vũ Măng Đen, ghé thăm một vài mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ…; thưởng thức một vài món: thịt nướng xiên, gà nướng, cơm lam, rau rừng...

Nhưng rồi, một thành viên trong đoàn lên tiếng: Măng Đen hiền hòa, mến khách, không có kiểu chèo kéo, chặt chém du khách. Nhưng, Măng Đen chưa có nhiều chỗ để tiêu tiền. Nói cách khác, các loại hình dịch vụ để phát triển du lịch còn đơn sơ; hạ tầng cơ sở, đơn giản nhất, thiết thực nhất là nước sạch và nhà vệ sinh còn thiếu. Chẳng hạn như nhà vệ sinh chưa tỷ lệ thuận với số lượng du khách đến Măng Đen ngày càng đông như hiện nay.

Nhận xét không vui nhưng rất thực. Không chỉ vậy, trong số du khách đến Măng Đen, không ít đoàn theo kiểu dạng cơm đùm, gạo bới, không chỉ mang theo đồ ăn nguội (bánh hỏi, bánh mì, chả…), bọc trái cây, thùng bia, nước các loại… mà còn mang cả gà, cá đến tận dụng củi, cỏ khô ngay tại điểm du lịch để nướng.

Biết là du khách đến Măng Đen theo kiểu du lịch dã ngoại, cơm đùm gạo bới cũng là điều đương nhiên, giúp du khách tiết kiệm phần nào chi phí trong hành trình. Tuy nhiên, nếu kiểu du lịch tự phát theo kiểu cơm đùm gạo bới tràn lan thì cũng tất yếu dẫn tới hệ lụy: không chỉ khiến các cơ sở kinh doanh du lịch thất thu mà còn ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường, chẳng mấy chốc cảnh quan Măng Đen bị phá vỡ

Nhưng cũng có những đoàn khách thuộc nhóm sang; họ đến với Kon Tum, với Măng Đen ngoài thưởng ngoạn cảnh đẹp, họ còn cần được phục vụ một cách tốt nhất. Nói cách khác, họ sẵn sàng mở hầu bao để chi tiêu. Họ cần các sản phẩm du lịch và dịch vụ giải trí có chất lượng. Nhưng, thực tế hiện nay, hạ tầng, đầu tư còn ít, nhiều đoàn đến với Măng Đen theo kiểu “tạt qua”, sáng đi – trưa về, trưa đi – chiều về.

Lượng du khách đến Măng Đen ngày càng đông. Ảnh: N.P

 

Cũng có những người muốn ở lại Măng Đen 2-3 ngày để hít không khí trong lành, để thưởng ngoạn cảnh sắc núi rừng… Nhưng họ đã thú thực rằng, ngoài một vài điểm đến như tượng Đức Mẹ, thác Pa Sỹ, hồ Đăk Ke, thêm một vài trò tiêu khiển như đạp xe dưới nước, câu cá…,  thưởng thức món “ruột” là gà nướng, cơm lam… rồi về.

Nói như vậy để thấy, Măng Đen có tiềm năng du lịch và từ năm 2013 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái. Qua thời gian, với sự quan tâm đầu tư của trung ương, của tỉnh, của huyện, những khó khăn về giao thông, hạ tầng của huyện đã được khắc phục. Du lịch Măng Đen đang ấm dần lên, lượng du khách đến Măng Đen ngày càng đông. Lấy đơn cử chỉ riêng trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 này, Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đã đón 25 nghìn lượt du khách.

 Nhưng như đã nói, số lượng và chất lượng sản phẩm du lịch gắn liền với tiềm năng chưa được đầu tư nhiều, các khu du lịch, cơ sở lưu trú… ít có cơ sở đạt chất lượng và quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của những du khách có nhu cầu cao. Điều này dễ dẫn đến hiện tượng: khách cần tiêu tiền nhưng không có chỗ để tiêu; rồi, lượng khách lưu trú không tỷ lệ thuận với số lượng khách đến tham quan ngày càng tăng…

Để níu chân được du khách, để du khách đến với Măng Đen không chỉ có lần 2, lần 3, mà còn nhiều hơn thế nữa, có lẽ chỉ riêng cảnh sắc đẹp của Măng Đen là chưa đủ. Măng Đen cần tiếp tục được quan tâm đầu tư để phát triển, để làm mới mình nhưng cũng đồng thời lưu giữ được cảnh quan, nét văn hóa, giữ được rừng, giữ được môi trường trong lành… như vốn có.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác