Đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa, con người

31/05/2024 06:33

Để phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa, con người, trở thành “nguồn lực nội sinh” quan trọng, góp phần phát triển bền vững kinh tế- xã hội, tỉnh ta xác định một trong những giải pháp trọng tâm là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tuyên truyền tranh cổ động trực quan do Cục Văn hóa cơ sở phát hành trên địa bàn tỉnh. Ảnh: HT

 

Các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng được triển khai như tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, truyền thông đa phương tiện, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được các cấp, các ngành, các địa phương sử dụng phù hợp với điều kiện thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực. Các địa phương, các đơn vị, tổ chức chính trị- xã hội tùy theo vị trí chức năng triển khai nhiều phong trào thi đua phù hợp, góp phần nâng cao ý thức của người dân về vai trò, ý nghĩa về phát triển văn hóa, con người trong tình hình mới.

Tuyên truyền nâng cao ý thức cho thế hệ học sinh về vai trò của văn hóa, con người. Ảnh: HT

 

Công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức tôn trọng pháp luật được đẩy mạnh. Tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn biên soạn tài liệu học tập về địa lý tự nhiên, xã hội và truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống lịch sử các dân tộc trong tỉnh như: Biên soạn và tái bản Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum (tập I, II, III), sách “Kon Tum đất nước con người”, sách “Kon Tum- 100 năm lịch sử và phát triển”; sách ảnh “Đảng bộ tỉnh Kon Tum, một chặng đường phát triển (2015-2020)”; biên soạn, biên tập bổ sung sách “Biên niên các sự kiện lịch sử tỉnh Kon Tum, giai đoạn 1471 - 2021”.

Để góp phần đẩy phát triển văn hóa, con người Việt Nam, các cấp, các ngành tổ chức nhiều mô hình, cách làm hay khuyến khích việc học tập, rèn luyện, nâng cao tri thức trong các thành phần xã hội, các lứa tuổi, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Nhiều cuộc thi, phong trào được các ngành, các cấp phát động hàng năm như: Hội thi cán bộ đoàn giỏi; thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; diễn đàn “Bác Hồ với thanh niên- Thanh niên với Bác Hồ”, diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói trẻ em”; phong trào “Thanh niên làm theo lời Bác”, “Thanh niên lập nghiệp”; các hoạt động “Vì Đàn em thân yêu”, “Ngày hội Vì trẻ em”; phong trào “Tiết kiệm vì bạn nghèo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; câu lạc bộ “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”.

Đẩy mạnh truyền thông về phát triển văn hóa, con người Việt Nam qua các chuyên mục trên Báo Kon Tum, Đài Phát thanh - Truyền hình, Cổng thông tin điện tử, các buổi nói chuyện chuyên đề, kết hợp tuyên truyền Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Đặc biệt, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) triển khai in ấn, cấp phát 450 đĩa CD tài liệu nội dung tuyên truyền; tuyên truyền trực quan 51 tranh cổ động do Cục văn hóa cơ sở phát hành; 28 cụm panô lớn, 380 cụm panô nhỏ, 600 băng rôn; xây dựng 4 chương trình nghệ thuật và tuyên truyền lưu động; 400 buổi diễn văn hóa nghệ thuật, 82 đợt trưng bày - triển lãm hình ảnh, hiện vật, tư liệu, di sản văn hóa; 185 hội thi, hội diễn nhân các sự kiện, ngày lễ lớn.

Công tác đấu tranh chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng- văn hóa được các cấp, các ngành của tỉnh chú trọng. Tỉnh chỉ đạo thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh; kiện toàn Ban chỉ đạo đấu tranh chống "Diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; thành lập nhóm chuyên gia đấu tranh, phản bác chống âm mưu “Diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, nhất là trên không gian mạng gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Trong 2 năm (2021, 2022), toàn tỉnh có 1.164 tập thể và 2.902 cá nhân được biểu dương, khen thưởng ở tất cả các cấp trong thực hiện các mô hình, phong trào thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, con người, nhiều điển hình tiên tiến được giới thiệu để Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam biên soạn sách, quay phim, phỏng vấn nhằm tuyên truyền, lan tỏa trong đời sống xã hội với chủ trương “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, làm cho điều tốt đẹp ngày càng “sinh sôi, nảy nở” trong đời sống xã hội.

Ông Nguyễn Văn Bình- Giám đốc Sở VH,TT&DL thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền về xây dựng, phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Trong đó đặc biệt là hoạt động tuyên truyền ở một số địa phương còn hình thức, hiệu quả chưa cao; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền còn thiếu chặt chẽ; nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nói chung và công tác tuyên truyền chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng.

Thời gian tới, tỉnh ta xác định tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền gắn với định hướng, chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh gắn với 3 trụ cột chính: “Tăng cường đầu tư”, “Đổi mới sáng tạo” và “Đột phá thể chế”; trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững.      

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác