Dấu ấn Chương trình Sắc xuân – Xuân Kỷ Hợi năm 2019

20/02/2019 17:30

Trong 3 ngày (15- 17/2), tại Bảo tàng – Thư viện tỉnh, Chương trình Sắc xuân – Xuân Kỷ Hợi năm 2019 đã được tổ chức với mục tiêu bảo tồn và tôn vinh những nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Chương trình không chỉ làm sống lại không gian văn hóa dân tộc, mà còn mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ cho những người tham gia.

“Nhằm tạo không khí vui tươi phấn khởi cho người dân trên địa bàn tỉnh trong dịp xuân đến, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức chương trình Sắc xuân – Xuân Kỷ Hợi năm 2019 ngay trong tuần đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chương trình gồm nhiều hoạt động đặc sắc: Múa lân sư rồng, múa rối nước, cồng chiêng, múa xoang của dân tộc Ba Na, múa xòe của dân tộc Thái...; du khách sẽ được trải nghiệm các trò chơi dân gian: Đánh đu, đi cầu khỉ, bịt mắt đập niêu, leo cột trơn, ném còn, nhảy sạp… ” - Ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết.

Đến với chương trình Sắc xuân – Xuân Kỷ Hợi năm 2019, khán giả được thưởng thức những màn biểu diễn mang đậm dấu ấn của các đoàn nghệ nhân đến từ các huyện, thành phố trong và ngoài tỉnh. Những điệu múa mềm mại của dân tộc Thái, tiếng cồng chiêng đặc sắc của dân tộc Ba Na, những câu chuyện dân gian được hiện thực hóa qua những màn múa rối nước tài hoa của đoàn nghệ nhân, cho đến các tiết mục trình diễn múa lân sư rồng đầy mạnh mẽ và ngoạn mục trên những dàn mai hoa thung cao hơn 2m... đã thu hút đông đảo người dân tập trung thưởng thức, đặc biệt là các em nhỏ và học sinh, sinh viên.

Đã là ngày thứ 3 tổ chức chương trình, tuy nhiên lượng khách vẫn rất đông. Ảnh: T.T

 

Em Đặng Xuân Diệu, học sinh lớp 11B, Trường Trung học phổ thông Kon Tum cho biết: Tham gia chương trình sắc Xuân Kỷ Hợi 2019, em cảm thấy rất vui và phấn khích, bởi có thể thử sức với các trò chơi dân gian mà thường ngày chỉ có thể được xem qua màn hình ti vi. Đối với em, ấn tượng hơn cả là tiết mục múa rối nước, đây là lần đầu tiên mình được tận mắt chứng kiến loại hình nghệ thuật này...

Còn đối với em Phan Chí Tài (17 tuổi), tổ 3, phường Quang Trung lại chia sẻ: Em ấn tượng nhất với tiết mục múa lân sư rồng tại chương trình. Dù đã nhiều lần xem múa lân vào các dịp Trung thu, lễ tết, tuy nhiên mình cảm thấy đoàn biểu diễn tại chương trình đã chuẩn bị rất công phu, đặc biệt là tiết mục múa lân di chuyển trên những cột sắt (mai hoa thung - PV).

Để có được những tiết mục đặc sắc biểu diễn tại chương trình, là sự cố gắng, những nỗ lực tập luyện không ngừng nghỉ của các nghệ nhân. Anh Trần Minh Tâm - Trưởng đoàn lân sư rồng Tâm Minh Đường cho biết: Cùng với những bài tập múa lân dưới đất, chúng tôi đã mất 2 năm để tập luyện trên mai hoa thung mới có thể thuần thục. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên rèn luyện về sức khỏe, và thể lực, bởi tuy nhìn đơn giản, nhưng môn nghệ thuật này đòi hỏi sự dẻo dai và phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong đội...

Đến với chương trình, những nghệ nhân không chỉ góp sức mình, tạo nên không khí xuân vui tươi cho các khán giả, mà còn mong muốn đưa loại hình nghệ thuật đặc trưng đến với đông đảo công chúng. Chính vì vậy, những tiết mục này không chỉ là biểu diễn đơn thuần, mà còn là sự trau chuốt, tâm huyết của mỗi nghệ nhân, nghệ sĩ được gửi gắm đến khán giả. Tất cả các tiết mục đó, đã hòa quyện lại với nhau, tạo nên một màn trình diễn ấn tượng dành tặng đến mọi người.

Chị Y Chu Hy - thành viên đội múa xoang chia sẻ: Đến với chương trình, mình rất vui vì có thể giới thiệu vẻ đẹp văn hóa của người dân tộc Ba Na đến với mọi người. Là một thành viên trong đội múa Xoang, mình cùng các thành viên khác đã tập luyện rất kỹ càng, để có thể múa dẻo hơn, đẹp hơn...

Bên cạnh những tiết mục đặc sắc do các đoàn nghệ nhân mang đến, Ban tổ chức chương trình còn trao các phần quà cho những khán giả có thành tích xuất sắc trong việc tham gia các trò chơi dân gian, đã tạo thêm sự hứng khởi, sôi động xuyên suốt chương trình.

Anh Trần Minh Tâm - Trưởng đoàn lân sư rồng Tâm Minh Đường hào hứng: Đây đã là năm thứ 3 chúng tôi tham gia chương trình này, tuy nhiên chưa bao giờ thấy lượng khách đông như thế này. Được biểu diễn trước lượng khán giả như vậy, chúng tôi rất vui và phấn khởi, vì điều đó có nghĩa những tiết mục của đoàn lân sư rồng Tâm Minh Đường chúng tôi đã ít nhiều chạm được đến công chúng. Đây là nguồn động lực để thời gian tới chúng tôi tiếp tục cố gắng nhiều hơn.

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy – Giám đốc Bảo tàng – Thư viện tỉnh cho biết: Chương trình năm nay chúng tôi đã chuẩn bị rất kĩ, ngay từ cuối quý 4/2018 và triển khai ngay sau kỳ nghỉ tết Âm lịch. Qua 3 ngày diễn ra, có thể nói chương trình năm nay đã thu hút đông đảo công chúng và lượng khách tham gia. Kết quả đó không thể không nói tới sự chuẩn bị tốt về khâu tổ chức, cũng như công tác thông tin, quảng bá năm nay được Ban tổ chức quan tâm sâu rộng hơn các năm trước thông qua nhiều hình thức khác nhau: Panô, áp phích, xe loa, hệ thống tin nhắn qua di động... Trong năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những yếu tố tích cực này để tổ chức chương trình được thành công hơn.

Tất Thành

Chuyên mục khác