Đan lát mây tre của người Mơ Nâm

26/02/2023 13:08

Không chỉ ghi dấu ấn từ cồng chiêng-xoang, chế tác và biểu diễn các nhạc cụ dân tộc, người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) huyện Kon Plông còn được biết đến với nghề thủ công đan lát mây tre lâu đời, góp phần làm nên sự phong phú về văn hóa truyền thống.

Say sưa bên chiếc gùi đan dở trong một buổi chiều đầy gió, già A Nuông (làng Kon Chênh, xã Măng Cành) chia sẻ: Đan lát là nghề thủ công lâu đời của người Mơ Nâm. Để đan lát, bà con chủ yếu dùng lồ ô (tiếng Mơ Nâm là pu ô), xăm lũ (hnớ) và ri (dây mây), chứ ít dùng le như các dân tộc khác.

Ngày trước, hầu hết đồ dùng, vật dụng trong nhà, từ rổ rá, nong nia tới bồ đập lúa, cót đựng thóc đều làm từ mây tre. Sau này, không còn phổ biến nữa, thì sản phẩm mây tre vẫn không thể thiếu trong sinh hoạt thường ngày của mỗi gia đình.

Già A Nuông gắn bó với đan lát thủ công. Ảnh: TN

 

Ở tuổi 67, già A Lễ cho hay, từ hơn 50 năm trước, ông đã tập quen với con dao, sợi lạt. Ngày đó, những đứa trẻ 12-13 tuổi mới tập đan thường làm quen với tấm phên thưa (greng), mỗi cạnh dài chừng một mét. Phên này nan to, khá dày và thô, dễ chẻ, dễ đan; chủ yếu dùng để phơi cá hay thịt rừng trên giàn bếp. Sau đan phên thưa là đan các loại rổ, rá, khi tay đan đã đạt đến trình độ nhất định, mới có thể dễ dàng đan được nong, nia, đơm, đó, và đặc biệt là các loại gùi.

Nhắc đến gùi, phổ biến và đơn giản, dễ đan hơn cả là gùi thưa (kano). Đó là loại gùi thân chắc, nhưng lỗ thưa, được đan bằng những sợi nan to, thô; dùng để gùi củi, bắp, củ mì, đựng đồ dùng đi rẫy. Gùi dày (Kachơng) được ưa chuộng vì có nhiều công dụng, cũng gồm nhiều cỡ, kiểu dáng khác nhau.

Kachơng thường được đan bằng lồ ô, xăm lũ, song cũng có khi được làm  hoàn toàn bằng dây mây. Cây mây dường như chỉ mọc ở vùng rừng sâu, núi thẳm, được người Mơ Nâm phân biệt thành hai loại chính: Mây bột và mây đá. Mây bột chủ yếu lấy đọt để chế biến thành một số món ăn, rất ngon và lạ miệng. Mây đá là loại mây phủ đầy vỏ và gai trên thân. Sợi nó mềm dẻo, được chẻ ra, dù sợi có dài đến đâu cũng không dễ đứt, nên rất thích hợp dùng để đan lát. Để lấy được sợi mây, phải đi lại rất xa xôi, khó khăn. Sau khi chặt dây mây khỏi gốc, người ta dùng rựa (dao) róc toàn bộ gai góc bên ngoài, lấy phần thân dây bên trong.

Chăm lo giữ nghề truyền thống. Ảnh: T.N

 

Trên những chiếc gùi đan bằng lồ ô, xăm lũ, dây mây cũng được sử dụng để đan viền, làm nắp đậy hay trang trí. Cũng có khi mây được sử dụng để đan toàn bộ chiếc gùi, nhưng đòi hỏi nhiều công phu. Mỗi sợi đan được nối vào nhau làm thành mặt nan dày dặn, khít đều tăm tắp. Từ xa xưa, người Mơ Nâm vùng Đông Trường Sơn đã được biết đến với loại gùi dẹp dành cho nam giới và gùi thân tròn của chị em phụ nữ làm từ dây mây tinh xảo, bền đẹp.

Dù chưa thực sự trở thành hàng hóa như sản phẩm của một số DTTS khác trên địa bàn tỉnh, song cho đến nay, các đồ dùng đan lát bằng mây tre vẫn luôn được yêu thích sử dụng trong các gia đình đồng bào Mơ Nâm. Ở độ tuổi  gần “thất thập” và thực sự là những cây đa cây đề trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian ở khu dân cư, các già A Lễ, A Nuông vẫn miệt mài giữ nghề đan lát thủ công. Tuy vậy, điều quan tâm, trăn trở nhất của họ, là hiện tại, ngoài nỗ lực bản thân, thì đan lát thủ công trong làng đang đứng trước thực trạng chưa tìm được người để truyền nghề.

Nếu không có người tiếp nối, đan lát mây tre tại các thôn làng đồng bào DTTS nói chung, người Mơ Nâm vùng Đông Trường Sơn nói riêng không tránh khỏi nguy cơ mai một. Hi vọng rằng, Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy khóa XVI sẽ thực sự tạo nên “cú hích” mới trong khôi phục, phát huy giá trị các nghề truyền thống của đồng bào DTTS mang lại niềm tin yêu, hứng khởi cho các nghệ nhân tâm huyết và đồng bào địa phương.  

Thanh Như

Chuyên mục khác