Đăk Hà: Phát huy vai trò các câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian

24/10/2023 13:25

Những năm qua, huyện Đăk Hà chú trọng xây dựng và phát triển các loại hình đội, nhóm, câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian truyền thống nhằm đóng góp vào công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Ông Trần Anh Dũng- Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Đăk Hà cho biết: Để phát huy hiệu quả hoạt động của các loại hình đội, nhóm, CLB văn hóa dân gian truyền thống, ngành Văn hóa huyện Đăk Hà tích cực tham mưu ban hành, triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ nhằm tạo điều kiện lồng ghép hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, tạo môi trường cho các câu lạc bộ, đội nhóm văn nghệ dân gian phát triển, duy trì hoạt động, tập luyện. Với những giá trị văn hóa độc đáo, các CLB, đội nhóm này sẽ thúc đẩy phong trào tập luyện, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Một buổi tập luyện của Câu lạc bộ văn hóa dân gian thôn Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà). Ảnh: HT 

 

Theo thống kê, đến nay huyện Đăk Hà đã thành lập 2 CLB văn hóa dân gian tại thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà) và thôn Kon Klốk, xã Đăk Mar; trong đó CLB văn hóa dân gian thôn Kon Trang Long Loi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm điểm của Trung ương. Bên cạnh đó, UBND huyện Đăk Hà và ngành Văn hóa huyện Đăk Hà đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện thành lập và hỗ trợ hoạt động 4 đội văn nghệ truyền thống tại các xã; duy trì hoạt động hiệu quả 92 đội cồng chiêng, xoang.

Điển hình như CLB văn hóa dân gian tại thôn Kon Kơ Lốk, xã Đăk Mar; ban đầu đây là đội văn nghệ của phụ nữ tại thôn, đến năm 2017 đã được nâng lên thành CLB  văn hóa dân gian của thôn và đến nay phát triển lớn mạnh về quy mô, nội dung hoạt động. Hiện tại, CLB có tổng số 120 thành viên, gồm có 3 đội là người lớn, thanh niên, trẻ em; tham gia sinh hoạt và tập luyện nhiều loại hình văn hóa truyền thống như cồng chiêng, múa xoang, nhạc cụ, hát dân ca... Các thành viên trong CLB tuy có độ tuổi khác nhau nhưng đều có điểm chung là đam mê văn hóa, văn nghệ và mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Nghệ nhân Ưu tú Y Khar (59 tuổi)- Chủ nhiệm CLB văn hóa dân gian thôn Kon Kơ Lốk cho biết: Trải qua thời gian dài hoạt động, phát triển từ đội múa xoang, hát dân ca, các thành viên trong câu lạc bộ đã gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng đã luôn động viên, hỗ trợ nhau vượt qua để cùng duy trì đam mê, hăng say tập luyện. Đặc biệt, từ khi thành lập và ra mắt CLB, chúng tôi được hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền địa phương, sự ủng hộ của bà con và tích cực tham gia nhiều hoạt động, cuộc thi văn hóa văn nghệ tại địa phương. Qua đó, góp phần gìn giữ và quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng chúng tôi.

Từ việc thành lập câu lạc bộ đã thu hút nhiều em nhỏ đam mê, tham gia tập luyện, trở thành thế hệ “giữ lửa” cho phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương trong tương lai.

Tích cực tham gia biểu diễn tại các lễ hội, sự kiện văn hóa tại địa phương. Ảnh: HT 

 

Em A Rik (15 tuổi) thành viên đội chiêng nhí thuộc CLB văn hóa dân gian thôn Kon Kơ Lốk bộc bạch: Em tham gia CLB từ năm 2019 và đã được các nghệ nhân chỉ dạy, “tiếp lửa đam mê” về nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng. Cùng các thành viên trong CLB tham gia biểu diễn, tập luyện nhiều nơi nên em cảm thấy rất vui và càng đam mê hơn.

 Anh A Ruh (34 tuổi), thành viên CLB văn hóa dân gian thôn Kon Kơ Lốk chia sẻ: “Tôi tham gia tập luyện từ khi CLB chưa được thành lập nên hiểu rõ sự nỗ lực của từng thành viên trong đội. Từ khi được thành lập, CLB được hỗ trợ và động viên rất nhiều từ mọi người. Đó chính là động lực để chúng tôi cố gắng tập luyện mỗi ngày, góp phần quảng bá, giáo dục thế hệ trẻ biết yêu quý những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTStại địa phương.

Thời gian qua, huyện Đăk Hà đã bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa để tạo môi trường giúp các CLB, đội nhóm văn nghệ, văn hóa dân gian phát triển, hoạt động hiệu quả. Đến nay, toàn huyện Đăk Hà có 58 nhà rông/46 thôn DTTS; duy trì hoạt động và bảo tồn 100 bộ cồng chiêng (46 bộ cá nhân, 54 bộ tập thể); mở 12 lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho các em thanh thiếu niên (từ 2022 đến nay). Ngoài ra, chú trọng biểu dương, tôn vinh các nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp cho sự phát triển của các loại hình nghệ thuật truyền thống trên địa bàn; đồng thời phát huy vai trò của các nghệ nhân ưu tú trong việc tổ chức, điều hành hoạt động của các CLB, đội nhóm văn nghệ truyền thống, dân gian trên địa bàn.

Ông Trần Anh Dũng cho biết, phát huy những kết quả đạt được, ngành Văn hóa huyện Đăk Hà tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, huy động nguồn lực, có các chính sách khuyến khích phát triển các CLB, đội văn nghệ dân gian, truyền thống trên địa bàn huyện. Trong đó, ưu tiên phát triển, đào tạo thế hệ trẻ, trở thành các “hạt nhân” trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác