Chuyện bầu cử bằng... hạt bắp ở làng Kon Mông Tu

08/08/2016 09:29

Ở làng Kon Mông Tu, xã Đăk Tờ Lùng (huyện Kon Rẫy), người Tơ Đrá nơi đây đến nay vẫn duy trì một tập tục khá lạ trong bầu cử thôn trưởng, già làng. Thay vì cách bầu thông thường bằng lá phiếu, họ sử dụng những vật phẩm gần gũi nhất để bầu đó là những hạt bắp, trái cây, thậm chí cả đá, sỏi…

Ở Đăk Tờ Lùng người dân coi ngày bầu trưởng thôn như ngày lễ lớn của làng. Ngày đó, đại diện Đảng uỷ, chính quyền xã và toàn bộ dân làng đều tập trung về nhà rông để dự “đại hội thôn”. Làng Kon Mông Tu được sắp lịch đại hội vào ngày 16/5, sau các làng khác như Kon Vi Vang, Kon Bĩ…

Già làng U Đê (62 tuổi) say sưa kể chuyện bầu thôn trưởng của làng: Làng mình chọn trưởng thôn kỹ lắm, họp hai ba đêm mới xong. Trước ngày bầu cử, bà con họp giới thiệu nhân sự. Rất nhiều người giơ tay ứng cử, người lớn nhất ứng cử trưởng thôn là 39 tuổi, người nhỏ tuổi nhất là A Hơn - 24 tuổi. Sau nhiều lần họp, thôn quyết định giới thiệu được 5 người để bầu.

U Đê nhớ lại: Từ sáng sớm, toàn bộ dân làng tập trung đông đủ về nhà rông để “đại hội thôn”. Khi ấy, Chủ tịch xã cũng xuống dự, chỉ đạo. Sau khi ổn định, già làng đứng lên giới thiệu 5 ứng cử viên. Ban tổ chức nói rõ lý do, thông qua quy chế bầu cử, ý nghĩa của việc chọn cán bộ thôn để đại diện cho dân làng...

Theo lời kể của già U Đê, trước khi bầu, 5 ứng cử viên của làng Kon Mông Tu được bố trí ngồi thành một hàng, phía trên cùng của bà con. Trên sân khấu, một chiếc bàn được kê sẵn với những ống rỗng sắp thành hàng đều nhau. Bên ngoài các này dán một tờ giấy trắng ghi rõ tên từng ứng cử viên: A Tiêng, A Hơn, A Bay, A Lợi và Y Bum… Đây là những người đã được dân làng “nhất trí thông qua, đưa ra bầu công khai”.

Tôi hỏi: Vậy có đông người tham gia bầu không? Già làng U Đê bấm ngón tay, rồi kể: Làng có 344 nhân khẩu thì có 236 người (trên 18 đuổi) đến nhà rông đi bầu. Mỗi người được phát cho một hạt bắp thay cho lá phiếu. Lần lượt từng người đi theo hàng, trên tay cầm một hạt bắp, chọn ống ghi tên người mình ưng ý bỏ vào. Sau khi dân làng “bỏ phiếu” xong, Ban tổ chức đổ bắp ra đếm.

Dân làng bầu trưởng thôn bằng... hạt bắp. Ảnh: PN

 

Đợt bầu cử vừa rồi, A Hơn được bà con bỏ nhiều hạt bắp nhất, vậy là anh trúng cử chức thôn trưởng. Hỏi A Hơn được bao nhiêu hạt bắp, anh gãi đầu, cười: Mình không nhớ, tại lúc đó vui quá, nghe nói là 140 hạt bắp hay hơn gì đó.

Sau khi bầu xong thôn trưởng, vẫn theo thể thức cũ, dân làng tiếp tục bầu thôn phó. Lần này người thắng cử là A Bay.

“Bà con thích ai, tin tưởng ai là bầu cho người đó, chứ không có chuyện gian dối” – Già U Đê khẳng định.

Anh Trần Quốc Bảo - Bí thư Huyện đoàn Kon Rẫy, là cán bộ được cử theo dõi công tác bầu cử ở các thôn, khẳng định: Dù lá phiếu bằng hạt bắp, trái cây hay đá dăm… nhưng nhất quyết không bao giờ có chuyện bà con gian lận.

Chúng tôi hỏi già làng U Đê tập tục bỏ phiếu bằng trái cây, hạt bắp có từ khi nào, ông lắc đầu ậm ừ: Mình không biết khi nào. Thấy ông bà làm thế nên làng cũng làm thế!

Ở làng Kon Mông Tu không chỉ có chuyện lạ là bầu cử bằng hạt bắp, mà còn có những điều khác biệt so với các thôn làng khác của người DTTS trên địa bàn tỉnh, đó là làng có đến 3 già làng: 1 già làng phong tục, 1 già làng lớn tuổi và 1 già làng uy tín do dân bầu.

 Già U Đê giải thích: Già làng phong tục thì chuyên lo việc cúng lễ trong làng, quản việc coi sóc lề lối, hương ước, luật tục của người trong làng. Còn già làng uy tín thì nói gì bà con cũng nghe theo.

Chúng tôi đi vòng qua những ngôi làng khác như Kon Bĩ, Kon Vi Vang, Kon Lung, Kon Keng… để tìm hiểu thêm những tập tục lạ, nhưng chỉ thấy ở thôn Kon Mông Tu vẫn giữ được tập tục bầu cử thôn trưởng, thôn phó bằng hạt bắp, trái cây và làng có đến 3 già làng.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác