Cần quan tâm công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa

30/07/2018 13:00

Thời gian qua, ngành Văn hóa tỉnh đã kịp thời triển khai các quy định của pháp luật về công tác quản lý, tu bổ, phục hồi, khai thác và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đến nay, phần lớn các di tích được công nhận đều được đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp. Công tác khai thác và phát huy giá trị các di tích từng bước có hiệu quả, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương những năm qua vẫn còn một số bất cập, hạn chế, yếu kém. Ngành Văn hóa tỉnh chưa thực hiện tổng kiểm kê khoa học các di tích đã được xếp hạng; chưa lập quy hoạch hệ thống di tích làm cơ sở cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn tỉnh trong từng giai đoạn cụ thể. Cấp huyện chưa thực hiện lập hồ sơ quy hoạch, chưa xây dựng kế hoạch bảo tồn, tu bổ, nâng cấp và phát huy giá trị di tích thuộc thẩm quyền quản lý.

Bà Phan Thị Thủy - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chia sẻ: Qua khảo sát một số di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết các di tích trên địa bàn chưa được cắm mốc giới bảo vệ; việc khoanh vùng đã thực hiện nhưng diện tích trên thực tế nhỏ hơn rất nhiều và không còn giữ nguyên hiện trạng do cấp cho người dân hoặc tổ chức sử dụng. Phần lớn các di tích chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Một hạng mục trùng tu của Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei. Ảnh: T.N

 

Nhiều di tích chỉ mới được xây dựng bia di tích, biển báo, chỉ dẫn, hoặc xây dựng tường rào bảo vệ, cổng, nền bê tông. Một số di tích được xếp hạng nhưng chưa được đầu tư các hạng mục để nhận diện di tích; phần lớn di tích trong tình trạng xuống cấp hoặc bị xâm hại

Một số địa phương chưa làm tốt nhiệm vụ bảo vệ di tích dẫn đến có vi phạm kéo dài và đến nay chưa giải quyết được. Công tác theo dõi, đôn đốc các đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, tạo cảnh quan tại một số di tích lịch sử cách mạng chưa được thường xuyên, phần lớn các di tích chưa được quan tâm trồng cây tạo cảnh quan môi trường và vệ sinh. Các hoạt động tại di tích còn sơ sài, chủ yếu tổ chức các hoạt động tìm hiểu di tích, về nguồn... vào các ngày lễ; một bộ phận người dân địa phương vẫn còn thờ ơ với di tích tại địa bàn...

Theo bà Phan Thị Thủy, nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do đa số các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh nằm tại các vùng có địa hình núi cao, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước, làm tăng chi phí đầu tư và nhanh xuống cấp các hạng mục được đầu tư, sửa chữa. Một số di tích nằm trên phần đất quốc phòng nên khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo, tu sửa.

Hầu hết UBND các huyện, thành phố chưa quan tâm bố trí kinh phí để sửa chữa các hạng mục hư hỏng, xuống cấp của các di tích thuộc địa bàn quản lý. Công tác xã hội hóa việc đầu tư, sửa chữa di tích khó khăn; cấp huyện không bố trí được cán bộ chuyên trách về di sản văn hóa; chưa thành lập Ban quản lý Di tích cấp huyện, tổ quản lý di tích cấp xã tại địa phương nên gây khó khăn trong công tác quản lý và triển khai các nhiệm vụ liên quan.

Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân trong việc bảo tồn phát huy các giá trị di tích chưa cao nên một số di tích đang bị người dân xâm hại. Mặt khác, một số cấp ủy chính quyền địa phương chưa phát huy vai trò chỉ đạo trong công tác bảo tồn phát huy các giá trị di tích thuộc địa bàn quản lý.

Để công tác bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa đạt hiệu quả tốt, trong thời gian tới, UBND tỉnh và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cần kiến nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch điều chỉnh, sửa đổi một số quy định về  quản lý, tu bổ, phục hồi  các di tích cho phù hợp. Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí thực hiện trùng tu, tôn tạo, tu bổ và phục hồi các di tích trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 42/2012/NQ-HĐND ngày 22/12/2012 của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến 2025; ưu tiên bố trí kinh phí để tu sửa các hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng tại các di tích lịch sử đã được xếp hạng.

UBND tỉnh chỉ đạo ngành Văn hóa tiến hành tổng kiểm kê hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh; thực hiện rà soát, điều chỉnh diện tích khoanh vùng phù hợp và thực hiện cắm mốc giới tất cả các di tích đã xếp hạng; lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các di tích đã được xếp hạng và lập quy hoạch hệ thống di tích để thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị di tích.

UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, thành phố nơi có di tích xây dựng kế hoạch bảo tồn, tu bổ, nâng cấp và phát huy giá trị các di tích thuộc thẩm quyền quản lý...

Bên cạnh đó, quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng bia di tích ghi dấu chứng tích lịch sử tại một số di tích chỉ còn là phế tích. Đặc biệt, đối với di tích lịch sử đình Trung Lương (thành phố Kon Tum), chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm có hướng dẫn và hỗ trợ sửa chữa khẩn cấp các hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng; xem xét điều chỉnh diện tích đất của đình để tạo không gian của đình phù hợp và hài hòa với khu vực vườn hoa; có phương án giải quyết dứt điểm các vấn đề đang còn tồn tại theo ý kiến phản ánh của nhiều cử tri thành phố Kon Tum.

                                                                                  Thảo Nguyên

Chuyên mục khác