Cần nhiều giải pháp để du lịch Kon Tum “cất cánh”

25/04/2022 06:06

Sáng 24/4, tại thành phố Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” năm 2022. Bên lề sự kiện này, phóng viên Báo Kon Tum ghi nhận các ý kiến của đại biểu tham gia Diễn đàn chia sẻ về các giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.
 

PGS.TS. Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Kinh tế Việt Nam):

Kon Tum là “độc nhất” nhưng cần nhiều giải pháp để du lịch “cất cánh”

Kon Tum là “độc nhất”, đó là có Măng Đen – được mệnh danh là “Đà Lạt  của Bắc Tây Nguyên”, có ngã ba Đông Dương- nơi được mệnh danh “1 tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe”, có nhà thờ gỗ thanh khiết và bình yên. Bên cạnh đó, Kon Tum còn có rất nhiều điểm đến hấp dẫn.

Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, Kon Tum còn là tỉnh nghèo, cuộc sống của người dân còn khó khăn, du lịch vẫn khó phát triển, do thiếu nền tảng kết nối lợi thế, thiếu doanh nghiệp lớn có khả năng dẫn dắt. Kon Tum còn xa trung tâm để hội tụ và lan tỏa (kết nối không gian).

Do đó, để du lịch “cất cánh” trong thời gian tới, Kon Tum cần được nối thông để biến lợi thế địa phương bạn thành lợi thế của mình, tăng sức sống cho du lịch Pờ Y, Măng Đen. Bên cạnh đó, cần chiến lược tập trung chính sách và nguồn lực cho các cực tăng trưởng; tập trung khai thác đặc trưng cốt lõi của Tây Nguyên, đó  là rừng – đất và nước theo tinh thần “mời thế giới” đến tận hưởng sự bình yên; cần được hỗ trợ nguồn lực để giữ gìn lợi thế và bảo tồn di sản; tích cực sử dụng kỹ thuật số và cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Bà Trần Nguyện (Trưởng Ban kinh doanh Sun World- Sun Group):

Khai thác hiệu quả tiềm năng, phát triển du lịch Kon Tum xứng tầm với tiềm năng

Cá nhân tôi nhận thấy, Kon Tum có nhiều nét văn hóa đặc sắc; nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp; con người thân thiện, cởi mở, mộc mạc, hiếu khách; ẩm thực đa dạng, song vẫn còn những nét riêng có thể đáp ứng các khẩu vị của du khách trong và ngoài nước; địa phương có khát vọng thay đổi vùng đất. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng xã hội còn thiếu thốn; sản phẩm dịch vụ còn đơn điệu; du lịch cộng đồng chưa được quy hoạch cụ thể; chưa có nhà đầu tư có tầm để hiện thực hóa khát vọng phát triển du lịch.

Có thể nói, Kon Tum còn như một “tờ giấy trắng” về du lịch, bởi vậy cần tìm được “người họa sĩ tài năng” vừa có tâm, vừa có tầm để “vẽ bức tranh” du lịch đồng bộ và bài bản.

Để đưa du lịch Kon Tum phát triển trong thời gian đến, tôi nghĩ, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có quy hoạch đầu tư quy mô; xây dựng định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững, khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng, sức khỏe, khám phá văn hóa bản địa; mang đến cho du khách dịch vụ du lịch chất lượng, đẳng cấp; tận dụng lợi thế khí hậu của Măng Đen, phát triển du lịch cộng đồng.

Để làm được điều này, cần sự vào cuộc, quyết tâm và kiên định của chính quyền địa phương; đồng thời, phải chọn được nhà đầu tư và phát triển dự án có tầm vóc, có kinh nghiệm và có cách làm hài hòa giữa bảo tồn với phát triển, góp phần làm đẹp những điểm đến ở Kon Tum. 

 

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum Dương Thị Hạnh:

Kỳ vọng về việc thu hút đầu tư

Diễn đàn “Du lịch Kon Tum- Tiềm năng và triển vọng” có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với du lịch của tỉnh ta nói chung và của thành phố Kon Tum nói riêng, nhất là trong thời điểm chúng ta đang đẩy mạnh phục hồi và mở cửa du lịch sau một thời gian dài hoạt động du lịch bị “đóng băng” vì Covid-19. 

Sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp làm du lịch tại Diễn đàn sẽ góp phần đưa ra những định hướng, gợi mở và cơ hội để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh.

Để thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian đến, thành phố Kon Tum đề ra kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh khai thác du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS. Trên địa bàn thành phố đã có làng du lịch cộng đồng Kon Ktu được công nhận, hiện tại chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để công nhận làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Ri (xã Đăk Rơ Wa). Đồng thời, khai thác có hiệu quả những điểm du lịch đã có thương hiệu như Nhà thờ gỗ, Tòa giám mục, cầu treo Kon Klor và đẩy mạnh khai thác các điểm lịch sử văn hóa. Thành phố Kon Tum cũng đã xây dựng chương trình kết nối du lịch với một số tỉnh bạn trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Với những lợi thế sẵn có cùng với khát vọng phát triển du lịch, thành phố Kon Tum kỳ vọng rằng, sau Diễn đàn “Du lịch Kon Tum- Tiềm năng và triển vọng” sẽ có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nhất là vào các mảng cơ sở lưu trú, lữ hành, góp phần thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của địa phương phát triển.       

Thùy Hương (thực hiện)

Chuyên mục khác