Bồi đắp tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh

22/04/2024 13:08

Nhằm bồi đắp tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh, thời gian qua, nhiều trường học ở huyện Kon Plông đã có những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, hướng các em đến những giá trị cội nguồn.

Trường PTDTBT THCS thị trấn Măng Đen (thị trấn Măng Đen) hiện có 5 lớp với 131 học sinh, 99% là con em đồng bào Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng). Với đặc thù của trường là học sinh con em đồng bào DTTS chiếm đại đa số nên bên cạnh giáo dục kiến thức, trường hướng đến giáo dục thêm kỹ năng cho học sinh, đặc biệt, trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống dân tộc.

Năm 2021, trường tập hợp học sinh yêu thích, say mê với cồng chiêng tiến hành tập luyện, lựa chọn những em có năng khiếu để thành lập đội chiêng. Trong thời gian 3 tháng, trường phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin  huyện Kon Plông tổ chức truyền dạy kỹ năng đánh chiêng cho các em ngoài giờ học. Đến nay, đội chiêng của trường có 20 thành viên chính, gồm cả nam và nữ. Những thành viên đều đã đánh thuần thục một số bài chiêng cơ bản như Gọi mưa, Mừng lúa mới.

Đội chiêng của Trường PTDTBT THCS thị trấn Măng Đen tập luyện. Ảnh: N.S

 

Ngoài giờ học trên lớp, thành viên của đội chiêng cũng thường xuyên duy trì tập luyện vào buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần. Em A Via - học sinh lớp 9A chia sẻ: “Em từng xem các nghệ nhân đánh chiêng ở làng, thấy rất hay nên luôn ao ước có thể tiếp xúc với nhạc cụ này. Giờ đây, bản thân rất tự hào vì đã học và chơi được nhạc cụ dân tộc mình ngay trong trường học”.

Ngoài duy trì đội chiêng, trường còn xây dựng nhà truyền thống - thư viện của trường theo kiến trúc nhà rông truyền thống người Mơ Nâm. Trong đó, trưng bày hình ảnh hoạt động qua các thời kỳ của trường, kệ sách được đặt ngay ngắn với những sản phẩm, hiện vật đồng bào Mơ Nâm như: trang phục thổ cẩm, gùi, rổ, nỏ, tạo nên sự gần gũi, ấm cúng, thân mật cho học sinh như ở chính ngôi nhà của mình.

Em Y Thảo - học sinh lớp 8A vui vẻ nói: “Nhà truyền thống có không gian thoáng, mát mẻ, gần gũi với cuộc sống hằng ngày nên em rất thích. Mỗi giờ ra chơi, em cùng các bạn thường xuống đây đọc sách. Bên cạnh đó, khi đến đây chúng em còn có cơ hội quan sát, tìm hiểu những vật dụng truyền thống của dân tộc mình”.

Thầy Hoàng Văn Đam - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS thị trấn Măng Đen cho biết: “Việc tăng cường giáo dục văn hóa, giáo dục kỹ năng sống kết hợp đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống người Mơ Nâm vào từng hoạt động của trường đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình; tạo được không khí thoải mái cho học sinh khi tham gia học tập, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Học sinh dân tộc Mông ở Trường Tiểu học Măng Đen biểu diễn điệu múa khèn truyền thống. Ảnh: NS

 

Tương tự, Trường Tiểu học Măng Đen (thị trấn Măng Đen) cũng chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Cô Cao Thị Nguyệt - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc đi vào chiều sâu, có hiệu quả, những năm qua trường đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, học sinh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc.

Năm học 2023-2024, trường đã tổ chức các cuộc thi, hội thi hướng đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống DTTS như: vẽ tranh; làm vật dụng, đồ dùng người Mơ Nâm; trình diễn điệu múa của DTTS. Trong đó, cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương” thu hút đông đảo học sinh tham gia. Qua đó đã nhận được hơn 300 sản phẩm tranh vẽ trên các vật liệu là đồ dùng quen thuộc của đồng bào DTTS như rổ, rá, gùi, chum, nồi đất. Sau cuộc thi, trường cũng thay đổi linh hoạt hình thức sinh hoạt chào cờ đầu tuần bằng cách giáo viên sẽ chọn những sản phẩm tranh vẽ tiêu biểu và hướng dẫn học sinh tìm hiểu để tham gia thuyết trình.

Bên cạnh tổ chức các cuộc thi, hội thi về văn hóa truyền thống, trường lồng ghép, đưa vào chương trình giảng dạy hoạt động ngoại khóa truyền dạy về trang phục truyền thống của dân tộc, trò chơi dân gian, sử dụng nhạc cụ dân tộc. Đồng thời, tổ chức cho học sinh đi tham quan các địa điểm văn hóa, làng du lịch cộng đồng và khu di tích để tìm hiểu, khám phá văn hóa truyền thống. Qua đó, giáo dục lòng tự hào dân tộc, tôn trọng và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Thầy Lê Văn Đồng - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông cho biết, tùy theo điều kiện thực tế, 29 đơn vị trường học trên địa bàn có những cách làm phù hợp trong triển khai hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống ở trường học. Trong đó, chú trọng việc bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc cho học sinh thông qua các cuộc thi, hội thi, hoạt động trải nghiệm như: Hội thi cồng chiêng, múa xoang; Cuộc thi Vẽ tranh chủ đề “giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương”; tham quan các địa điểm văn hóa, di tích, giúp học sinh biết trân trọng, giữ gìn giá trị văn hóa tốt đẹp từ trên ghế nhà trường.     

Nay Săt

Chuyên mục khác