Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng

17/05/2025 13:32

Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cấp, ngành, địa phương, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Nghệ nhân thạo nghề đang tỉ mỉ kiểm âm và điều chỉnh âm sắc cồng chiêng – một kỹ năng đặc biệt góp phần bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: HT

 

Xác định cồng chiêng là di sản văn hóa đặc sắc, chứa đựng giá trị nghệ thuật, tâm linh và cộng đồng sâu sắc, thời gian qua, tỉnh đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Đặc biệt, việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021- 2025” đã đạt nhiều kết quả, bước chuyển biến rõ nét.

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã trang bị 124 bộ cồng chiêng (100 bộ từ ngân sách tỉnh, 24 bộ từ ngân sách các địa phương) cho các làng người DTTS chưa có cồng chiêng, đạt 100% kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, công tác truyền dạy được đẩy mạnh, tổ chức nhiều lớp dạy kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, xoang; các lớp dạy kỹ năng chỉnh âm cồng chiêng. Việc truyền dạy, đào tạo không chỉ nhằm giữ nghề, mà còn khơi dậy niềm tự hào trong cộng đồng các DTTS về các giá trị văn hóa tại chỗ.

Nghệ nhân A Hưng (64 tuổi, dân tộc Ba Na) hiện sinh sống tại thôn Kon Rờ Bàng 1 (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) từng tham gia nhiều lớp tập huấn về cồng chiêng với vai trò vừa là thầy giáo, vừa là học viên. Với vốn hiểu biết sâu rộng về âm nhạc dân gian và kỹ năng sử dụng nhiều loại nhạc cụ truyền thống, ông đặc biệt say mê và gắn bó với cồng chiêng từ khi còn trẻ. Hiện nay, ông đang đảm nhiệm việc giảng dạy cồng chiêng tại nhiều trường học, nhà thờ và tại các địa phương trên địa bàn. “Vốn liếng” hơn 40 bài hát bằng tiếng Ba Na do chính ông sáng tác và ghi chép tỉ mỉ đã giúp nghệ nhân A Hưng thuận lợi trong công tác giảng dạy, gìn giữ âm nhạc truyền thống.

Nghệ nhân A Hưng chia sẻ: Muốn dạy chiêng thì trước hết phải dạy các em biết lắng nghe, yêu quý chiêng. Khi đánh chiêng mà thấy người bên cạnh cũng ngân nga, rung động theo mình, thì lúc đó xem như mình đã thành công, chạm tới được cái “hồn” của chiêng rồi. Tôi chỉ mong luôn có đủ sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho các hoạt động văn nghệ tại địa phương, còn sức thì còn đi dạy để lớp trẻ sau này không ai quên được tiếng chiêng Ba Na của dân tộc”.

Các đội chiêng được thành lập, tích cực tập luyện và tham gia Hội thi do các ngành, địa phương tổ chức. Ảnh: H.T

 

Theo thống kê, tỉnh hiện duy trì và phát triển hơn 650 đội cồng chiêng ở các thôn, làng với hơn 20.000 người tham gia thực hành; trong đó có gần 8.500 người, chủ yếu là thanh thiếu niên hiện đang theo học diễn tấu cồng chiêng và múa xoang. Tại nhiều địa phương, các đội cồng chiêng, xoang không chỉ biểu diễn vào dịp lễ hội mà còn luyện tập định kỳ, biểu diễn phục vụ du khách và tham gia các hội thi, giao lưu văn hóa do các cấp tổ chức. Qua đó không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh mà còn giúp văn hóa cồng chiêng hòa nhịp với đời sống hiện đại, góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả.

Xã Ia Chim, thành phố Kon Tum là địa phương có nhiều thành tích trong gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, sở hữu nhiều đội nghệ nhân giỏi, tâm huyết.

Đội nghệ nhân làng Plei Druân, xã Ia Chim là một trong những tập thể tiêu biểu, thường xuyên đại diện cho xã tham gia các hội thi, liên hoan văn hóa văn nghệ. Không chỉ biểu diễn phục vụ khán giả, toàn đội luôn nỗ lực tạo môi trường để tiếng chiêng vang vọng trong cuộc sống hàng ngày thông qua các tiết mục tái hiện các lễ hội truyền thống, phục dựng sinh động những sinh hoạt đời thường như giã gạo, làm lễ cúng, đan lát, uống rượu ghè. Các tiết mục mang đậm hơi thở đại ngàn ấy đã tạo ấn tượng sâu sắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, góp phần đưa cồng chiêng trở lại vị thế vốn có trong đời sống văn hóa cộng đồng tại địa phương.

Nghệ nhân A Hlik (47 tuổi)- Đội trưởng Đội cồng chiêng làng Plei Druân là một trong những người giữ vai trò nòng cốt trong việc duy trì và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống chia sẻ: Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà là linh hồn của cộng đồng chúng tôi. Các thành viên trong đội xem việc tập luyện, biểu diễn và truyền dạy cho thế hệ trẻ là trách nhiệm lớn lao. Chính sự đoàn kết, đồng lòng, tận tâm của cả đội đã trở thành sức mạnh to lớn giúp đội nghệ nhân của làng không ngừng lớn mạnh, góp phần đưa tiếng chiêng vang xa giữa đại ngàn.

Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Chúng tôi đặc biệt coi trọng vai trò của các nghệ nhân trong việc truyền dạy cồng chiêng, bởi họ không chỉ là những người gìn giữ di sản mà còn là những người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ mai sau. Ngành Văn hóa thường xuyên tổ chức các hội thi cồng chiêng, múa xoang định kỳ, qua đó, tạo cơ hội cho các nghệ nhân và cộng đồng tham gia giao lưu, học hỏi, không những giúp duy trì nghệ thuật dân gian mà còn kết nối văn hóa với du lịch, mang lại những trải nghiệm đặc biệt về bản sắc văn hóa tại chỗ cho du khách.            

Hoàng Thanh

 

Chuyên mục khác