Bảo tồn di sản văn hóa

07/12/2022 13:20

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định “tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS, các di tích lịch sử cách mạng”, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. 

Trong những năm qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được chú trọng, quan tâm.

Đến nay, Kon Tum đã có hơn 223 di tích, trong đó có 26 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, thắng cảnh đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt (gồm 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 4 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 20 di tích được xếp hạng cấp tỉnh).

Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó, ngày 11/5/2020, UBND tỉnh có Quyết định 15/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai các văn bản của Trung ương, của tỉnh; phân cấp rõ ràng, cụ thể trong quản lý nhà nước đối với di tích; hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, lễ hội truyền thống, tín ngưỡng gắn với di tích.

Di tích Ngục Kon Tum. Ảnh: S.C

 

Giai đoạn 2016-2020, đã thực hiện đầu tư dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi được 8/26 di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh đã được xếp hạng, với tổng nguồn vốn hơn 9 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 4,7 tỷ đồng, ngân sách huyện 3,815 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa 1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và quý giá của các DTTS tại chỗ. Bao gồm lập hồ sơ khoa học công nhận Sử thi dân tộc Ba Na - Rơ Ngao là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; biên soạn, xuất bản  sách về văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; bảo quản hơn 2.500 bộ cồng chiêng, hàng chục loại nhạc cụ gõ, nhạc cụ hơi của các DTTS tại chỗ; khôi phục nghệ thuật diễn xướng sử thi, diễn tấu cồng chiêng, tiếng nói, chữ viết của dân tộc.

Nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh được điều tra, khảo sát, phục dựng và bảo tồn, như: Lễ cưới truyền thống của dân tộc Ba Na, Xơ Đăng (nhóm Mơ Nâm); dân ca của dân tộc Xơ Đăng; lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới của người Rơ Măm; lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Brâu; lễ cầu an - Kâm bul của người Gia Rai...

Gần đây nhất, tháng 7/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, có 9 nghề truyền thống của 7 DTTS tại chỗ được phục dựng, bảo tồn, gồm: Dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, rèn, gốm, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, làm nỏ.

Tuy nhiên, thực tế công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết. Đó là hầu hết các di tích chưa được cắm mốc giới bảo vệ theo quy định; một số di tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa được đầu tư các hạng mục để nhận diện di tích, hoặc chưa có biển báo, chỉ dẫn.

Nhiều công trình kiến trúc bị xuống cấp, trong khi việc đề xuất các phương án bảo tồn, tu bổ của cơ quan quản lý, giới chuyên môn chưa kịp thời. Đội ngũ cán bộ quản lý di sản còn yếu, chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ.

Công tác quản lý ở một số di tích không chặt chẽ, gây phản ứng trái chiều trong dư luận. Như di tích Khu căn cứ E42 (thuộc quần thể di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô) bị người dân lấn chiếm để trồng mì; sân bay Phượng Hoàng thành sân phơi nông sản, cỏ mọc um tùm.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian các DTTS chưa được triển khai một cách đồng bộ, sâu rộng cho từng cộng đồng DTTS. Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể các DTTS không được bảo tồn hiệu quả; nhận thức của số đông đồng bào các DTTS về bảo tồn và phát huy loại hình văn học dân gian còn hạn chế, thế hệ trẻ chưa ý thức tự bảo tồn văn hóa truyền thống của mình.

Xác định rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI khẳng định “tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS, các di tích lịch sử cách mạng”, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. 

Vì vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng, tiềm năng và thế mạnh của di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng.

Có cơ chế, chính sách đầu tư thích đáng trong việc tôn tạo, bảo tồn nâng cấp di sản; tránh tình trạng “lãng quên” di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể.

Tiếp tục triển khai công tác nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và xuất bản các ấn phẩm về loại hình văn học dân gian các DTTS; tổ chức các hoạt động truyền dạy loại hình văn học dân gian trong đồng bào các DTTS, nhất là thế hệ trẻ. Tăng cường việc bảo tồn không gian văn hóa di sản; xử lý nghiêm những hành vi xâm hại cảnh quan, không gian di sản.

Khai thác hợp lý giá trị của di sản trong phát triển du lịch, dịch vụ. Xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi di sản và môi trường.

Có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách, có chuyên môn về bảo tồn di sản văn hóa. Có chính sách đãi ngộ đặc thù cho các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ làm công tác văn hóa. 

Sông Côn

Chuyên mục khác