Ấn tượng Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa”

16/12/2018 15:07

Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4-2018, chiều 15/12, đã diễn ra Lễ hội đường phố với chủ đề “Sắc màu văn hóa”.

Tham gia Lễ hội có gần 500 nghệ nhân, trình diễn những nét đặc sắc riêng của dân tộc mình; bao gồm các em học sinh và 10 đoàn nghệ nhân các huyện-thành phố (tỉnh Kon Tum), 7 đoàn nghệ thuật và nghệ nhân của các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, An Giang, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Các "nghệ nhân nhí" tham gia lễ hội

 

Đúng như mong đợi, hành trình Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” đã đưa hàng ngàn người dân Kon Tum và nhiều bạn bè, du khách trong nước và nước ngoài vào không gian sống động của nghệ thuật dân gian truyền thống, được khởi nguồn từ những sắc màu văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên và vùng Tây Nam bộ.

Âm thanh lúc trầm, lúc bổng của tiếng cồng, tiếng chiêng và từ những nhạc cụ truyền thống làm bằng tre nứa; những vòng xoang uyển chuyển của các thiếu nữ Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Mơ Nông, Xơ Đăng… hòa nhịp những hoạt cảnh được thể hiện bằng những chú hề đeo mặt nạ ma quỷ, vung tay, vung chân nhảy múa cùng với giáo mác, gươm dao; những bộ trang phục bằng vỏ cây, lá cây hoặc được làm bằng cỏ tranh; những bước đi cà kheo nhanh nhạy của các chàng trai…, đã tái hiện một cách sinh động, chân thực về cuộc sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất, đời sống văn hóa tâm linh, tinh thần của cộng đồng các dân tộc.

Những hoạt cảnh được thể hiện bằng những chú hề đeo mặt nạ ma quỷ

 

Những khuôn hình mặt quỷ cùng với trang phục kỳ dị là một phần của nghi lễ Pram. Đây là nghi lễ hóa trang quan trọng trong tín ngưỡng phong tục của người Xơ Đăng, Ba Na ở tỉnh Kon Tum. “Người đảm nhiệm hoá trang phải đeo mặt nạ, tạo hình tóc bằng rễ cây, mặc những bộ trang phục kết bằng lá, thân cây. Pram mang nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng trong một số nghi lễ, Pram mang tính chất hài hước, làm “trò hề” để đám đông vui cười trong lễ hội; Pram còn mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, ác quỷ…” – nghệ nhân A Biêu (huyện Kon Rẫy) cho hay.

Cuốn hút theo suốt hành trình của Lễ hội đường phố, chị Chris Tela – một du khách người Bỉ tỏ ra thích thú trước những màn trình diễn độc đáo của các đoàn nghệ nhân. “Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một lễ hội đường phố với đầy đủ những cung bậc cảm xúc và những sắc màu văn hóa độc đáo đến như vậy. Màn trình diễn của mỗi đoàn đã tái hiện lại một cách chân thực về cuộc sống, lao động, sản xuất và sinh hoạt tín ngưỡng của các dân tộc đang sinh sống trên dãy Trường Sơn-Tây Nguyên nói riêng và cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam nói chung.” – chị Chris Tela chia sẻ.

Suốt hành trình sắc màu Tây Nguyên xuống phố, du khách được cảm nhận sự nhạy cảm của người Tây Nguyên với nhịp điệu, sự hài hòa với cái chung và họ là nhạc sĩ trong di sản âm nhạc dân tộc mình. Trong vòng 1 tiếng đồng hồ (từ 16h-17h), trên cung đường từ Hội trường Ngọc Linh – Trần Phú – Bạch Đằng, hàng ngàn người dân tỉnh Kon Tum và du khách đứng chật 2 bên vỉa hè để tận mắt để chứng kiến màn trình diễn độc đáo, đầy sắc màu của các thành phần dân tộc Ba Na, Giẻ-Triêng, Gia Rai, Ê Đê, Mơ Nông, Kơ Tu, Khơ Me, Thái, Kinh…

Ông Nguyễn Minh Phương (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) phấn khởi cho biết: So với các lần trước, Lễ hội đường phố lần này phong phú hơn nhờ sự góp mặt của Đoàn nghệ nhân các tỉnh ngoài khu vực Tây Nguyên như An Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sự đa dạng các thành phần dân tộc đã góp phần làm cho lễ hội thêm hấp dẫn với những sắc màu văn hóa đặc sắc, góp phần vào thành công chung của Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4-2018. 

Nói về ý nghĩa của hoạt động này, ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Kon Tum khẳng định: Đây là điểm nhấn văn hóa đặc sắc trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 năm 2018. Thông qua hoạt động này, góp phần tôn vinh, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn nói chung. Điều đáng mừng là trong Lễ hội đường phố lần này, sự góp mặt của Đoàn nghệ nhân dân tộc Khơ Me của tỉnh An Giang và một số dân tộc khác của 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã làm phong phú thêm, đa dạng hơn những sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em. Đặc biệt, thông qua lễ hội, các nghệ nhân có dịp thể hiện, giao lưu văn hóa, tăng thêm sự đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các dân tộc trong tỉnh với cộng đồng các dân tộc đang sinh sống tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và vùng Tây Nam bộ.

Bài, ảnh: Quang Định

Chuyên mục khác