Ấn tượng Du lịch

28/12/2022 13:10

Trong những nhóm ngành vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2022, ngành Du lịch để lại ấn tượng đặc biệt bởi sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nắm bắt cơ hội chuẩn xác và khai thác hiệu quả lợi thế vốn có.

Theo số liệu từ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, năm 2022 thu hút được khoảng 1.100.000 lượt khách du lịch vào tỉnh, đạt 122,22% kế hoạch, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 265 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch và tăng hơn 3 lần so với năm 2021.

Đây thật sự là những con số ấn tượng, bởi từ năm 2020, ảnh hưởng của Covid-19 tới du lịch tỉnh ta đã rất nặng nề. Thống kê cho thấy, năm 2020, tổng lượng khách giảm 54,22% so với năm 2019; năm 2021, lượng khách du lịch tiếp tục giảm mạnh, chỉ đạt xấp xỉ 50% với năm 2020.

Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành kinh tế xanh trong năm 2022 cho thấy khả năng khai thác lợi thế vốn có và nắm bắt cơ hội chuẩn xác.

Năm 2022, có khoảng 1.100.000 lượt khách du lịch vào tỉnh. Ảnh: H.L 

 

Thể hiện rõ nhất là ngay trong ngày 15/3, khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch thì UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong đó xác định tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa, lấy đó làm động lực để phục hồi.

Các giải pháp về tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại đối với khách, thông qua việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi dịch bệnh được kiểm soát; cải thiện hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du khách; phát triển du lịch thông minh dựa trên công nghệ 4.0; phát triển du lịch văn hóa, du lịch nông thôn cũng được triển khai đồng bộ.

Bên cạnh đó, ngay tối 16/3, Kon Tum mở màn một sự kiện văn hóa khá hoành tráng: Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 với chủ đề "Trường Sơn Tây Nguyên - Đoàn kết, bản sắc và Phát triển".

Vạn sự khởi đầu nan. Một không khí lễ hội, một khởi đầu tốt đẹp đã đem lại sự phấn chấn và niềm tin vào tương lai. Hơn thế, còn khẳng định với du khách: Kon Tum là điểm đến an toàn và sẵn sàng chào đón.

Đặc biệt, ngày 24/4/2022, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng”, với nhiều hoạt động xúc tiến du lịch hấp dẫn. Trong khuôn khổ Diễn đàn, Tổng cục Du lịch đã công bố Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam giai đoạn 2025-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Không nghi ngờ gì, đây chính là những bước đi rất cần thiết, và rất kịp thời phục vụ mở cửa du lịch. Cũng là bước đi đặc biệt quan trọng để đảm bảo cho việc mở cửa du lịch thành công.

Điều đáng ghi nhận là các địa phương trong tỉnh đã khai thác những thế mạnh của mình để phát triển du lịch. Ví dụ như huyện Kon Plông phối hợp với nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh tổ chức Chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên; huyện  Tu Mơ Rông tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với quảng bá du lịch năm 2022 hội chợ sâm và dược liệu; huyện Đăk Glei tổ chức Chợ phiên Dược liệu - Gia súc biên giới lần đầu tiên.

Xu hướng khách du lịch theo nhóm, chú trọng môi trường sinh thái, bảo đảm sức khỏe. Ảnh: H.L

 

Năm 2023, tỉnh ta phấn đấu có 1.300.000 lượt khách du lịch đến tỉnh. Nếu xét trên đà phục hồi, cũng như những chính sách phát triển du lịch đúng hướng, đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, ngành Du lịch của tỉnh có thể vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong năm mới.

Trong đó, hành vi của du khách đã thay đổi so với trước dịch bệnh Covid-19, nổi lên xu hướng đi du lịch theo từng nhóm nhỏ, chú trọng môi trường sinh thái, bảo đảm sức khỏe.

Để thu hút loại hình du lịch này, đòi hỏi điểm đến có hạ tầng tốt và dịch vụ chuyên nghiệp. Đây chính là một trong những điểm yếu hiện nay của ngành Du lịch tỉnh.

Bên cạnh việc tập trung phát triển hạ tầng phục vụ du lịch, như giao thông, cơ sở lưu trú, cần để ý hơn đến việc xây dựng các sản phẩm mới lạ để thay thế các tour quen thuộc mà du khách chỉ “đi một lần rồi thôi”.

Điểm trừ của du lịch Kon Tum mà chính quyền và ngành chức năng cần khắc phục đó là tình trạng du lịch “lòng máng”. Tức du khách đến chơi, tham quan rồi đi nơi khác… tiêu tiền, đồng nghĩa rằng du lịch không thẩm thấu vào đời sống và kinh tế của người dân địa phương.

Trên một diễn đàn du lịch có rất đông thành viên, khi giới thiệu về du lịch Kon Tum, đã có một lời nhắn rằng “Chỉ nên mang theo số tiền vừa đủ để chi tiêu, tránh đem quá nhiều khi không cần dùng đến”. 

Muốn vậy, cần thúc đẩy quá trình đưa đề án phát triển kinh tế ban đêm từ trên giấy vào hiện thực. Bởi không có dịch vụ ban đêm thì không cách gì giữ khách và không thể tạo được nguồn thu cho người dân địa phương, qua đó không tăng thu cho ngân sách.

Đơn giản như tại Măng Đen, du khách rất thích thú với một không gian thơ mộng, quyến rũ về đêm, nhưng ăn tối xong khách chỉ biết ngồi xem tivi trong phòng vì không biết đi đâu, dù muốn… tiêu tiền cũng chịu.

Mặt khác, cần quan tâm khảo sát, nắm bắt và đón đầu loại hình du lịch kết hợp giữa nghỉ dưỡng với tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng. Đây là loại hình du lịch bắt đầu nổi lên gần đây, và tỉnh ta được đánh giá là có lợi thế thu hút loại hình du lịch này, nhất là Măng Đen, với thiên nhiên và khí hậu khá lý tưởng.

Thực tế cho thấy, tại Măng Đen, không chỉ các sự kiện văn hóa mới thu hút du khách, mà vào các ngày cuối tuần, ngày lễ, dịp hè hoặc cuối năm, có khá nhiều đơn vị, doanh nghiệp tổ chức sự kiện kết hợp nghỉ dưỡng. Và không có gì bất ngờ khi Măng Đen thường “cháy” phòng nghỉ.

Tất nhiên, về lâu dài, cần tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, gắn liền với công tác quản lý và khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, di tích lịch sử, di sản vật thể và phi vật thể. 

Hồng Lam

Chuyên mục khác