Âm vang đại ngàn

06/04/2015 07:40

Tối 2/4, tại Nhà rông văn hóa Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) đã diễn ra Đêm hội cồng chiêng “Kon Tum- Hội nhập và Phát triển” với sự tham dự của 225 nghệ nhân đến từ các huyện, thành phố.

Đây là hoạt động văn hóa đặc sắc chào mừng các sự kiện hợp tác phát triển, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch do UBND tỉnh Kon Tum tổ chức với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các địa phương của Vương quốc Thái Lan, nước CHDCND Lào và các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên của Việt Nam.

Mở đầu Đêm hội cồng chiêng “Kon Tum- Hội nhập và Phát triển” là những âm thanh lúc trầm, lúc bổng, lúc náo nhiệt, biểu hiện sự vui mừng, hân hoan, phấn khởi khi mọi người cùng nhau nhảy múa, hát ca cùng tiếng cồng, tiếng chiêng, hòa nhịp cùng những điệu múa xoang dịu dàng, đằm thắm trong bài “Mừng hội lớn” của đoàn nghệ nhân dân tộc Ba Na, làng Plei Tơ-nghia, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum.

Tiết mục của đoàn nghệ nhân dân tộc Ba Na, làng Plei Tơ-nghia. Ảnh: QĐ

Tiếp đó, đoàn nghệ nhân dân tộc H’rê, làng Viôlăk, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông đến với công chúng những ca từ ngọt ngào trong bài hát dân ca “Ơn Đảng”: Nhớ năm xưa, buôn làng ta, người H’Rê nghèo đói, vất vả biết bao. Ngày nay, nhờ Đảng, Bác Hồ, chúng ta có cơm ăn, áo mặc, chúng ta nguyện một lòng theo Đảng, hướng về Đảng.

Hát dân ca “Em yêu làng em” (oh vạ plei ô) là tiết mục vô cùng độc đáo của đồng bào Xê Đăng Xteng, làng Đăk Rô Ja, xã Đăk Trâm, huyện Đăk Tô. Qua lời ca, tiếng hát, họ thể hiện những tâm tư, khát vọng, ước mơ về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc sẽ đến với buôn làng thân yêu.

Nổi bật hơn cả là bài hát giao duyên “Nhớ chuyện ngày xưa" của đoàn nghệ nhân Ba Na, làng Đăk Vớt, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy:

“Đêm nay, bên ché rượu cần, bên ánh lửa hồng bập bùng, trong hơi men chếch choáng, tay trong tay, lòng anh như mở hội.

Nhớ kỷ niệm ngày nào chúng ta bên nhau.

Anh ơi! Xin anh đừng đi, ché rượu cần còn đậm hương

Hãy cùng em vui chơi ca hát

Con nước rì rào cả buôn làng náo nức

Trai gái trong làng mở hội đánh cồng

Dẫu mai đây  dù có chia xa, chúng ta mãi mãi khắc ghi giây phút hôm nay"

Là khách mời của Đêm hội cồng chiêng, ông Khen-thong Si-Su-vông - Phó tỉnh trưởng tỉnh Attapư (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) hứng khởi: Vui, thật sự là một đêm hội mà rất hiếm khi chúng tôi có dịp thưởng lãm... 

Nhạc cụ phong phú, tiết tấu lôi cuốn, nhịp nhàng, đặc biệt là những điệu múa mềm mại của các cô gái, sự nhí nhảnh của các em nhỏ, tất cả đều rất tuyệt. Các du khách không thể dứt ra được với những âm thanh trầm hùng của tiếng cồng, âm vang bay bổng của tiếng chiêng cùng với sự cuốn hút bởi vẻ đẹp sơn nữ của những cô gái Ba Na, Ja Rai, Xê Đăng, Jẻ-Triêng…

PGS Xap Pha Xi Ri-Xộng Xục Ru Chi Rôt - Giám đốc Viện Giáo dục quốc tế Trường Đại học Ratchaphat Ubon Ratchathani và ông Xu Ra Phăn-Đit Xa Ma, Phó tỉnh trưởng tỉnh Ubon Ratchathani (Vương quốc Thái Lan) cho rằng: Đêm hội cồng chiêng “Kon Tum-Hội nhập và Phát triển” rất tuyệt vời. Chúng tôi đã chú ý lắng nghe tiếng cồng, tiếng chiêng, những lời ca, tiếng hát, những điệu múa xoang. Những âm sắc này như ru vào lòng người những khát khao của cuộc sống thanh bình. Bên cạnh đó, còn được ngắm nhìn, biết đến những bộ trang phục truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của các bạn...

Còn anh Verontes (một du khách Bỉ) cho biết: Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến nơi đây và được thưởng thức nét văn hóa của các bạn. Chúng tôi đã đi tới nhiều quốc gia, được thưởng thức nhiều nét văn hóa và ẩm thực nhưng nét văn hóa của các bạn rất đặc sắc, cuốn hút và hấp dẫn. Qua năm tháng, từng chặng đường cùng với sự phát triển, hội nhập kinh tế, văn hoá và xã hội của đất nước nhưng những nét văn hóa đậm chất truyền thống, những điệu xoang và những tiếng cồng chiêng vẫn vang mãi bên những mái nhà rông cao vút...

Kon Tum còn là vùng đất mà từ làng xa đến làng gần, tiếng cồng, tiếng chiêng luôn ngân vang trong những ngày lễ hội. Nơi mà bên bếp lửa nhà rông, nhà sàn, già làng kể sử thi thâu đêm sau mỗi mùa rẫy. Nơi mà cồng chiêng được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Và, cồng chiêng là thế, từ bao đời nay đã đi vào đời sống của người Tây Nguyên, trầm mặc và sâu lắng trong dòng chảy bất tận của thời gian, để đến hôm nay nó vẫn vẹn nguyên giá trị.

Đêm hội cồng chiêng – âm vang của đại ngàn với những âm thanh trầm bổng của tiếng cồng, tiếng chiêng, những bài hát giao duyên đặc sắc, những điệu múa xoang quyến rũ, những âm sắc điệu đà của các loại nhạc cụ dân tộc và cả những trang phục độc đáo... đã để lại dấu ấn cho đông đảo người dân trong tỉnh, khách mời trong nước và quốc tế.

Quang Định

Chuyên mục khác