08/12/2021 06:01
Thời điểm này, dường như đi đến đâu cũng nghe người ta nhắc đến hai từ “cuối năm”, kiểu như "cuối năm mà, công việc bận rộn lắm", "cuối năm rồi, phải lo trang trải nợ nần", "cuối năm mà, họp hành liên miên", "cuối năm, mong dịch qua mau để được về quê ăn Tết"…
Không biết từ bao giờ, hai từ "cuối năm" đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Dù chỉ hai từ thôi, nhưng chất chứa trong đó biết bao sắc thái tâm trạng buồn, vui hay lo toan, trăn trở.
Sáng nay trò chuyện với S - một người bạn cùng quê đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh qua điện thoại xoay quanh chủ đề "cuối năm", tôi nhận thấy bạn có nhiều tâm sự.
Qua điện thoại, S thở dài thườn thượt: "Mới đó mà đã đến cuối năm rồi, Tết cũng sắp đến". Tiếng thở dài của S truyền cho tôi “năng lượng” chẳng mấy tích cực, pha lẫn âu lo.
Mọi năm, dù bận rộn đến mấy thì thời điểm này, bạn cũng sẽ hỏi thăm tôi "khi nào bạn về quê ăn Tết", với tất cả niềm vui, sự háo hức. Ấy vậy mà, năm nay, thay vì hỏi thăm nhau như vậy, bạn lại thở dài.
|
Vợ chồng S đều làm công nhân ở một công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh. Dịch giã mấy tháng liền, vợ chồng bạn buộc phải "giam mình" ở nhà, thu nhập bị giảm sút nhiều. Những ngày tháng ấy, bạn tôi đã phải dùng hết số tiền tiết kiệm và vay mượn thêm để trang trải cuộc sống và gửi về quê lo cho gia đình có bố, mẹ đau ốm.
Thành phố Hồ Chí Minh vừa kiểm soát được dịch bệnh, vợ chồng bạn mới đi làm lại chưa được bao nhiêu lâu, giờ đã đến Tết, nên cô thêm lo lắng chuyện tiền bạc. "Tết đến ai cũng muốn được trở về quê để sum họp bên gia đình, nhất là những ai đang còn bố, mẹ. Với mình, bố, mẹ đang đau ốm nên càng mong muốn được trở về hơn. Nhưng năm nay không biết gia đình mình có tiền để về hay không, bởi mỗi chuyến đi về như vậy dù tiết kiệm lắm cũng tiêu tốn cả chục triệu đồng".
V- một người bạn khác của tôi rời quê đi làm ăn ở tỉnh Đồng Nai. Nhắc đến cuối năm, bạn cũng háo hức lắm, nhưng cũng không tránh khỏi tâm trạng thấp thỏm lo âu.
Bởi, dù ở Đồng Nai, dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng xem ra vẫn còn diễn biến phức tạp, mỗi ngày còn nhiều ca bệnh. Trong khi đó, ở quê V, những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng cũng nhiều hơn… Bạn lo, chẳng còn bao ngày nữa là đến Tết mà dịch bệnh cứ như vầy, không biết liệu Tết này có được về bên gia đình, trong khi đã hai năm rồi bạn chưa được về quê.
"Tiền nong dù có eo hẹp, nhưng mình luôn cầu mong dịch bệnh sớm qua đi để có thể trở về sum vầy bên gia đình"- V nói.
Cuối năm, chị Hai bán hàng ở chợ mà tôi quen biết đã đưa lên kệ hàng các hũ dưa kiệu, dưa hành để phục vụ nhu cầu của khách. Chị cảm thấy vui vì nhiều khách hàng chọn mua, và vì chị đã góp một phần công sức của mình để mang đến không khí Tết cho mọi người. Nhưng đâu đó, chị Hai cũng cảm thấy buồn, buồn vì dịch bệnh, khách hàng cũng khó khăn trong chi tiêu hơn. Chị nói: "Năm nay chị làm dưa món bằng tình cảm hơn là lợi nhuận, bởi dịch bệnh ai cũng có khó khăn nên mình chia sẻ được phần nào cùng mọi người thì chia sẻ thôi".
Cuối năm, cô Năm tất bật chuẩn bị làm bánh mứt truyền thống phục vụ ngày Tết. Sau khi kiếm được mối hàng bột bình tinh để làm bánh thuẫn, cô đang tìm các nguyên liệu khác. “Dù thế nào thì vẫn phải chuẩn bị cho có không khí Tết”- cô nói.
Cuối năm, dù phải tạm thời đóng cửa quán cà phê do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng cả nhà chú Sáu của tôi ở quê không lấy đó buồn phiền vì thất thu mà tranh thủ dành thời gian này để sửa sang lại những chậu hoa kiểng, chỉnh trang khu vườn với mong muốn sẽ có một không gian thật đẹp để phục vụ thực khách tốt hơn vào dịp Tết này, nếu dịch bệnh được kiểm soát.
Làm Nhà nước, dù cũng bận rộn lắm với công việc của mình, nhưng tôi vẫn thích dịp cuối năm. Cuối năm, mọi buồn phiền trong tôi dường như đều tan biến, chuẩn bị tâm thế chào đón năm mới với hy vọng sẽ có nhiều điều may mắn, nhiều điều tốt đẹp hơn sẽ đến với bản thân, mọi người, mọi nhà.
Và qua những ngày lo toan vất vả, cuối năm này, hy vọng dịch bệnh sẽ qua đi để chúng ta được trở về nhà sum vầy bên gia đình sau một năm dài xa cách, nhớ nhung.
SÔNG CÔN