Xuân về nhớ chợ Tết xưa

16/02/2021 06:08

“Xuân xuân ơi! xuân đã về/Có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến/Xuân xuân ơi xuân đã về” - những ngày giáp Tết, giai điệu mùa Xuân làm xao xuyến, thổn thức lòng người đến lạ. Cứ đến cuối tháng Chạp, khi đường phố bắt đầu chộn rộn bán mua, tôi lại nao nao với ký ức về những ngày theo mẹ đi chợ Tết. Chợ Tết chính là nơi không khí Tết cổ truyền về sớm nhất và đi chợ Tết là nỗi háo hức của trẻ con chúng tôi.

Ngày xưa mọi người hay hỏi nhau, Tết bắt đầu từ đâu, và thường câu trả lời là Tết bắt đầu bằng những buổi chợ… Tết. Cho dù bạn sống nơi thành thị hay nông thôn, thì những buổi chợ Tết luôn là ký ức khó phai.

Cách đây chừng 30 năm trở về trước, nơi gia đình tôi sinh sống chỉ có một ngôi chợ lớn, nên tất cả việc bán mua trên địa bàn đều tập trung tại nơi đây. Đặc biệt vào những ngày giáp Tết thì người dân trên các huyện cũng về đây để mua sắm. Ngày ấy, muốn mua bất cứ vật gì, từ gói xà phòng đến chai dầu ăn, gạo mắm, gia vị hay vải vóc, quần áo, giày dép… cũng phải đều vào chợ, chứ không phải mua đâu cũng được như bây giờ.

Vì vậy chợ Tết lúc nào cũng tấp nập và hối hả vì ai ai cũng bận rộn mua sắm đồ dùng cần thiết, trang hoàng nhà cửa và hoàn thành những công việc trước khi bước sang năm mới.

Chợ Tết xưa. Ảnh minh hoạ

 

Nhớ lắm những lần đi chợ Tết cùng mẹ. Từ tinh sương mẹ đã gọi tôi dậy. Trong xóm, người người sắm Tết, nhà nhà sắm Tết, mọi người í ới gọi nhau. Vì là người khéo tay biết cách chế biến nhiều món ăn ngon nên mẹ tôi luôn được các cô bác hàng xóm nhờ chỉ giúp các món ăn cho ngày Tết. Ai cũng muốn đi chợ cùng mẹ để được mẹ hướng dẫn cho cách mua sắm. Vài ba người trong xóm còn rủ nhau gói chung bánh tét. Người mua lá, người mua nếp, thịt heo đậu xanh… tiếng cười nói râm ran, nhộn nhịp.

Mẹ bảo đôi khi đi chợ Tết không những chỉ để mua sắm mà còn để gặp gỡ, được tận hưởng cái không khí háo hức khi Tết đến. Đi chợ Tết với mẹ, tôi còn học hỏi được mẹ nhiều điều, từ cách chọn lựa thực phẩm đến biết tính toán chặt chẽ và sít sao. Những thực phẩm như  thịt heo, thị bò, rau củ quả, mẹ tôi lựa những loại tươi, ngon và mẹ thường mua vào ngày 30 Tết. Mẹ bảo đi vào ngày 30 Tết thì thực phẩm mới để được đủ cho 3 ngày không bị hư hỏng. Còn gà thì mẹ tôi mua về nhốt trong chiếc rọ. Để đến mùng 3 mới làm cỗ cúng đưa ông bà.

Người ta nói “con mắt to hơn cái bụng” nên tôi hay bảo sao mẹ mua ít thế, vậy mà tới ngày mùng 3, đồ tươi mẹ mua dùng vừa đủ, không bị thiếu mà cũng không dư. Hồi ấy nhà chưa có tủ lạnh cho nên mẹ phải tính toán như vậy chứ không thì lãng phí lắm. Riêng mua sắm đồ khô như gạo, mắm, gia vị, xà phòng… thì mẹ tôi mua dùng cho cả tháng Giêng.  Mẹ bảo đầu năm, đầu tháng mọi thứ trong nhà phải đầy đủ, không được thiếu cái gì. Còn vật dụng mẹ mua thêm một ít, dù cái cũ vẫn còn xài được. Từng cái rổ, rá, vài ba chục chén, bó đũa đến cây chổi quét nhà… mẹ đều muốn thay mới. Tôi lẽo đẽo theo mẹ khệ nệ tay xách nách mang, mồ hôi nhễ nhại. Nhưng cũng phải mất đôi ba bận lượt chợ mẹ mới mua sắm hết các thứ cần thiết. Tuy mệt nhưng mà vui lắm. Mẹ thì cứ đi từ gian hàng này đến gian hàng khác.

Thích nhất là khi mẹ vào gian hàng bánh kẹo, mứt. Tôi như lạc vào thế giới của sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng… Hồi ấy, được ăn bánh kẹo là một niềm vui sướng mà không phải bao giờ cũng có được. Còn nhớ cảm giác thật hạnh phúc khi được mẹ mua cho bộ đồ ưng ý nhất, đôi dép thật “mode” và cái mũ sành điệu… Còn gì vui sướng hơn, vì mỗi năm chỉ được có một lần mẹ sắm cho mà. Cảm giác lâng lâng đó đi theo tôi suốt cả năm tháng tuổi thơ.

Ngày xưa, để chuẩn bị cho Tết, nhiều gia đình đình phải tích cóp, dành dụm cả năm trời. Ai ai cũng đều ước muốn có được cái Tết sung túc, ấm no, sum vầy vì vậy bao lo toan, vất vả của mưu sinh hàng ngày dường như đã tạm gác lại. No đủ trong ba ngày Tết với đời sống người Việt Nam chúng ta là không chỉ ăn no, ngon mà còn có ý nghĩa về một sự sung túc, may mắn cả năm.

Đi chợ Tết với mẹ ngày ấy, làm tôi hiểu được nỗi lòng của ba mẹ nhiều hơn, cả một năm bươn chải, tiết kiệm để chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đủ đầy, mặc dù chưa thật sự hoàn hảo nhưng với chúng tôi là cả một niềm hạnh phúc, hứng khởi và lắng đọng trong tôi tình thương bao la, sự hy sinh và cố gắng rất nhiều của ba và mẹ.

Chợ Tết ngày nay đã có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Việc chuẩn bị Tết cũng trở lên dễ dàng hơn. Gần như mọi thứ đã được làm sẵn nên người ta không phải lụi cụi vất vả như xưa. Nhưng chợ Tết vẫn không hề mất đi ý nghĩa. Chợ Tết vẫn cứ khiến con người ta nôn nao, chờ đợi, vun vén thời gian cho nó. Chợ còn là nơi cho ta thấy tình người, thấy sự yêu thương, thấy sự kết nối giữa con người với con người, dù chỉ với những điều thật nhỏ nhoi.

Xuân Sương

Chuyên mục khác